Nhạc Hàn 'tấn công vũ bão' vào Việt Nam: Một góc nhìn từ CNN

16/06/2011 00:16
(GDVN) - Trang CNNGo mới đây đã đăng tải một bài báo với tựa đề “Kpop đang thống trị thế giới? Đừng làm tôi buồn cười” của tác giả Esther Oh...

(GDVN) - JYJ, nhóm nhạc được MstarTV xếp vào diện hàng đầu Hàn Quốc đang trình diễn ở Việt Nam. Trước đó không lâu, TAL with 2AM làm say đắm khán giả ở SVĐ Mỹ Đình; và trước đó nữa là Super Junior với 2 liveshow ở cả Hà Nội, TP.HCM. Có vẻ như âm nhạc Hàn Quốc "tấn công vũ bão" vào đời sống giải trí của công chúng Việt Nam, sau sự thành công của phim truyền hình.

{iarelatednews articleid='4398,4397,4450,4403,4218'}

Esther Oh, tác giả bài báo gây tranh luận.
Esther Oh, tác giả bài báo gây tranh luận.

Đất nước xứ Kim Chi không hề giấu tham vọng là qua âm nhạc quảng bá văn hóa nước mình, như họ đã từng làm ở địa hạt phim ảnh, khiến nó ăn sâu bám rễ vào nhiều dân tộc khác trên thế giới. Và có vẻ như mục tiêu của họ đang thành công mạnh mẽ ở thị trường châu Á.

Tuy nhiên, trang CNNGo mới đây đã đăng tải một bài báo với tựa đề “Kpop đang thống trị thế giới? Đừng làm tôi buồn cười” của tác giả Esther Oh. Esther Oh là một người gốc California hiện đang cư trú tại Seoul, một tác giả tự do viết bài cho CNNGo. Cô có kiến thức về văn học hiện đại Hàn Quốc và cũng làm việc với vai trò phiên dịch, thông dịch viên. Cô là một thành viên trong Hội Phiên dịch Văn học Hàn Quốc.

Cây viết nữ này đưa ra những giải thích cho quan điểm rằng: nói nền âm nhạc Hàn Quốc đang tiến ra thị trường thế giới là phóng đại quá mức. Cô dùng ví dụ về 2 nghệ sĩ tiêu biểu trong thị trường âm nhạc: BoA và Se7en để lý luận. Hai nghệ sĩ này đã vượt ra khỏi Hàn Quốc và hướng đến thị trường Mỹ nhưng thất bại.

Lập tức, bài báo này vấp phải sự phản ứng không nhỏ từ phía các fan của Kpop, với những lập luận đanh thép không kém để đập tan lập luận của Esther Oh. Giáo dục Việt Nam xin đăng tải 2 bài viết có nội dung đối lập nhau dưới đây để độc giả cùng suy ngẫm về một trào lưu mới trong đời sống văn hóa Việt: trào lưu nhạc Hàn Quốc.

Esther Oh: Kpop đang thống trị thế giới? Đừng làm tôi buồn cười!

Theo dõi truyền thông Hàn Quốc từ đâu, tôi đã quá quen thuộc với sự ngập tràn không kiểm soát được của làn sóng Hallyu. Mỗi lần tôi đọc một bài báo về nhóm nhạc nữ Wonder Girls thành công như thế nào ở đất Mỹ, hay Bi Rain là một “ngôi sao thế giới” ra sao, tôi chỉ có thể cúi mặt xuống... Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi đồng ý rằng nhạc Hàn, âm nhạc Hàn Quốc đang được các quốc gia khác yêu thích và có lượng fan quốc tế lớn, nhưng mức độ xuất hiện của Hallyu trên truyền thông và sự bằng lòng với Kpop lại là chuyện khá buồn cười.

Khi BoA xuất hiện tại Mỹ vài năm trước, hầu hết các website lớn ở Hàn Quốc đều khẳng định rằng cô là mũi nhọn của làn sóng Hallyu ở Tây bán cầu, rằng BoA đại diện cho “Best of Asia, Bring on America” (Điều tốt nhất Châu Á mang đến Châu Mỹ). Nhưng thực tế là BoA không "mang" được gì nhiều đến Mỹ. Cho dù album “Eat you up” được sản xuất bởi Thomas Troelson và các bản thu âm thực hiện bởi Bloodshy và Avant, cặp bài trùng đã làm việc với Madonna, Britney Spears hay Jennifer Lopez... thì sức hút của BoA và album này là vô cùng nhỏ bé.

Giống với BoA, Se7en cũng đã cố tìm kiếm thành công ở Bắc Mỹ và hợp tác với Mark Shimmel, Rich Harrison, Darkchild. Kết quả là gì? Hoàn toàn thất bại. Ngoài những kết quả thảm bại của họ, tôi bị ngạc nhiên bởi truyền thông Hàn Quốc khi ca ngợi những ca sĩ này là đại sứ của Kpop tại Mỹ.
 
Điều tôi thắc mắc là, nếu một ca sĩ không quan tâm đến quốc tịch mà debut tại Mỹ với những bài hát tiếng Anh được sản xuất chỉ riêng cho khán giả Mỹ, thì liệu nghệ sĩ đó có còn được gọi là một phần của làn sóng Hallyu nữa không?

Lấy Jay Park (Park Jae Bum) làm ví dụ. Anh là một người Mỹ gốc Hàn và cũng là cựu thành viên của boyband 2PM. Sau khi rời nhóm năm 2009, anh lại xuất hiện trên YouTube và thể hiện ca khúc “Nothin’ on you”, bản gốc được trình bày bởi Bruno Mars, đạt hơn 1 triệu lượt xem. Các website Hàn Quốc lập tức tuyên bố Jay Park đang trên đà trở thành một ngôi sao Hallyu thế giới (!)

Những loại bài báo này luôn làm tôi đau đầu. Vâng, Jay Park là một công dân Hàn Quốc và debut trong một boyband Hàn Quốc - nhưng việc gọi một ca sĩ người Mỹ gốc Hàn hát tiếng Anh là ngôi sao Hallyu, thậm chí còn là người quảng bá cho Kpop, thì quá mức vô lý!

Trước khi gán cái từ "Hallyu” vào mọi bài hát liên quan đến Hàn Quốc, đầu tiên cần phải phân chiết ý niệm về cái đang được gọi là "làn sóng Hàn Quốc".

BoA và Se7en hát những ca khúc tiếng Anh được sản xuất bởi người Mỹ, và được chuyển đổi cũng như quảng bá bằng cách mà phù hợp với người dân Mỹ (mặc dù không thành công). Bởi vậy, có cái gì mang nét đặc biệt và độc đáo “Hàn Quốc” trong việc debut tại Mỹ hay âm nhạc của họ?

Thay vì chỉ tự hào về khái niệm Hallyu và bị ám ảnh bởi những từ “độc đáo” hay “duy nhất” của Kpop, truyền thông Hàn Quốc nên hiểu rằng khi các nghệ sĩ debut tại Mỹ bằng những ca khúc tiếng Anh, mọi người không quan tâm đó là Jpop hay là Kpop nữa.

Một khi những nghệ sĩ này vượt qua sự khác biệt về địa lý, văn hóa và hòa nhập với những quy tắc thì ý niệm về Hallyu không còn được dùng đến nữa.

BoA (trái) và Se7en không thành công ở Mỹ.
BoA (trái) và Se7en không thành công ở Mỹ.


Fan của Kpop: Thất vọng vì Esther Oh

Sau khi bài báo này đăng tải, nó đã vấp phải một làn sóng phản ứng mạnh từ những người hâm mộ Kpop. Họ đã đưa ra ý kiến bảo vệ cho Kpop và những người đồng quan điểm với tác giả. Trong số đó có bài báo trên trang Soompi. Nội dung như sau:

Bài viết của Esther Oh khá hấp dẫn, nhưng những lý giải thì lại ngắn ngủn và chúng được chọn lọc một cách đáng thất vọng...

Sự thành công lâu dài của BoA ở Nhật hiển nhiên không cần đề cập đến nữa. Tương tự như vậy đối với những nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc đã thành công với việc mở rộng sự nghiệp ra toàn châu Á. Họ có vô số hit và album đứng số một. Thế nhưng, không hiểu vì sao sự nghiệp diễn xuất hàng đầu của Bi Rain ở cả Hàn Quốc và Mỹ, cũng như việc anh lọt vào top 100 của tạp chí Time đầy danh tiếng, lại bị Esther Oh chối bỏ, vì sao cô phải “cúi mặt xuống” mỗi khi truyền thông Hàn Quốc nói rằng anh là một “ngôi sao thế giới”?

Esther Oh cũng không đồng ý với sự thật rằng người Mỹ gốc Hàn Jay Park được gọi là “ngôi sao Hallyu”, nhưng lại không nghĩ đến việc Jay debut chính thức trong một boyband Hàn Quốc và giờ vẫn hát tiếng Hàn. Rõ ràng Jay Park không thể được coi là một “người quảng bá cho Kpop” bởi anh không phải là công dân Hàn Quốc và anh cũng hát ca khúc tiếng Anh. Biết vậy là tốt! Nhưng cho đến giờ, có ai cấm một người có tấm hộ chiếu Mỹ và khả năng hát tiếng Anh được hòa nhập vào công nghiệp giải trí Hàn Quốc chưa nhỉ (?!)

Thực tế thì chúng tôi đồng ý với Esther Oh trong vài điểm. Đã sống ở Mỹ trọn cuộc đời, chúng tôi có thể khẳng định với bạn rằng Kpop không đến bất cứ nơi nào để thống trị cả đất nước đó. Chúng tôi cũng nghĩ rằng thị trường Mỹ chiếm một tỉ lệ tương đối trong ngành công nghiệp giải trí thế giới, vậy nên thất bại không thể phủ nhận được của BoA và Se7en cũng là để tạo một bước tiến ở đây. Và chúng tôi nhận ra rằng rất nhiều đài truyền hình Hàn Quốc có xu hướng phóng đại mức độ được công nhận của thế giới với ngôi sao của họ. Nhưng, đó đều là do khán giả, đúng chứ?

Lần trước chúng tôi kiểm tra, người Hàn Quốc quan tâm đến việc đọc về ngôi sao họ yêu mến đang làm gì ở nước ngoài, về các fan quốc tế chia sẻ tình yêu với cùng nghệ sĩ, phim ảnh và âm nhạc họ yêu thích như thế nào. Có lẽ bản điều tra có thể hoàn thành với ít bi kịch hóa hơn, nhưng nó dường như là một vấn đề liên quan đến truyền thông Hàn Quốc, chứ không phải với khán giả quốc tế - chắc chắn bao gồm cả khán giả của CNNGo.

Ngoài ra, mặc dù Kpop mở rộng ra nước ngoài không gây ấn tượng (theo như cách nói của tác giả Esther Oh) bởi những hình tượng tuyệt đối, nhưng cảm xúc yêu và cống hiến được thể hiện bởi các fan toàn thế giới đối với giải trí Hàn Quốc thì vô cùng chân thành và ấn tượng, đến nỗi bạn chưa từng được chứng kiến.

Chẳng hạn với trường hợp của SM (công ty quản lý hàng đầu Hàn Quốc). Sau cuộc meeting với các fan, SM quyết định không chỉ tổ chức một mà hai concert tại Paris. Toàn bộ 14,000 vé được bán hết chỉ trong vài phút (hoặc giờ, tùy thuộc vào báo cáo). Nhưng đó chẳng là gì! Vào tháng 9 tới, SM sẽ tiến đến Tokyo, nơi họ sẽ biểu diễn một concert khác và tự tin bán sạch vé với hơn 100,000 fan.

Có phải Kpop đang thống trị thế giới? Có thể là không đối với tác giả Esther Oh và nhiều người khác, nhưng bản thân câu hỏi mà họ đặt ra kia chính là bằng chứng: Kpop không phải là chuyện nực cười!

Thanh Tuyền (theo CNNGo)