Ký ức khó quên Hà Nội ngày 12/12 năm ấy

12/12/2012 19:12
Độc giả Liên Hương
(GDVN) - Hôm nay là một ngày rất đặc biệt 12/12/12. Mặc dù bầu trời Hà Nội u ám, không có ánh sáng, lúc nào cũng như chập choạng tối, vậy mà bao đôi trai gái vẫn tổ chức đám cưới vào ngày này, vì không thể bỏ qua một ngày đặc biệt của cả một thiên niên kỷ.
Nhớ lại vào ngày 11/11/11 năm ngoái, tôi đang ở Hà Lan, vào hiệu mua một chiếc bút, cửa hàng khắc tên và ngày hôm đó lên thân bút, về nhìn kỹ mới chợt nhận ra một dãy số rất đẹp – chữ nọ nối chữ kia, giống hệt nhau như vô tận. Đến bao giờ mới quay lại một ngày kỷ niệm đáng nhớ đến vậy? Bút mang đi tặng bạn – một người thầy nhân ngày 20/11- cũng là một ngày thú vị: 20/11/2011. Qua tết, người bạn mới mở ra dùng, gửi lời cảm ơn vì chiếc bút có nét thanh nét đậm rất đẹp mà không nhắc gì đến dãy số vô tình lưu lại một khoảnh khắc đáng nhớ của thời gian.
Hà Nội với những con người cũ và mới, với những dãy phố cổ và những khu đô thị văn minh mới dựng.. và hiện hình trên cái mốc thời gian đẹp đẽ này 12/12/12.
Hà Nội với những con người cũ và mới, với những dãy phố cổ và những khu đô thị văn minh mới dựng.. và hiện hình trên cái mốc thời gian đẹp đẽ này 12/12/12.
Vậy mà hôm nay, trôi qua cuộc đời, lại bất chợt có một ngày kỳ lạ như vậy. Có lẽ là ngày cuối cùng của chuỗi dãy số đẹp, bởi con số 12 đã là con số cuối cùng của dãy tháng năm vô định kia. Chuyện gì đang xảy ra quanh ta vào ngày hôm nay vậy? Hôm nay là phiên chợ Bưởi bởi nó rơi vào ngày 29 âm. Sáng ra, tôi vội ra chợ ngắm nhìn những người làm vườn, những chậu hoa cảnh đang chen chân với người ở con đường đầu ô đi vào thành phố. Đầu này con đường là chợ Bưởi với  cây, hoa, lá chen nhau. Giữa con đường là chợ chim cảnh với những dãy lồng chim phủ vải đỏ với đủ loại: yến, sáo, vàng anh.. .. tranh nhau cất tiếng hót, gáy, gù… Đầu kia của con đường là Trung tâm chính trị  – với những tòa nhà trắng, vàng, đỏ mang tính tượng trưng cho những mảng quyền lực khác nhau của đất nước. Quan và dân chung nhau một con đường mỏng manh, chật hẹp, một thời là con đê của dòng  sông Tô lịch lừng lẫy một thời – nơi triều đình vua quan, từng cưỡi thuyền rồng du ngoạn, với hai bên bờ là những miếu thờ linh thiêng– nay đang bị bó hẹp thành dòng nước  thải đen ngòm và đang bị cống hóa nhiều đoạn. Thủa nhỏ, tôi thường đi lên đây chơi, dọc theo dãy phố là hai hàng duối xanh rì. Nhà cô giáo tôi ở ngay đầu phố, đi thêm một đoạn nữa là nhà máy xe điện, rồi nhà máy da rất nặng mùi, đi mãi mới tới chợ Bưởi – nơi duy nhất ở Hà nội để bạn có thể mua chó, mèo, chim, thỏ, gà, ngan, ngỗng… những con vật nuôi trong nhà dễ thương, hoặc các loại giống cây trồng như: rau húng, mướp, su su, gấc…. đủ loại. Tôi rất mê chợ Bưởi, đến nỗi sau này, khi có điều kiện đã hai lần mua nhà tại phố này để ở, tiện cho việc trồng hoa và nuôi các con vật đẹp đẽ mà tôi chọn mua từ chợ về. Vào dịp 12 ngày đêm Hà Nội chống trả B52, tôi đã khóc hết hơi, bàng hoàng khi đi qua ngôi nhà của cô giáo tôi nơi đầu phố đã bị đổ sập vì một góc của chiếc pháo đài bay khổng lồ rơi trúng. Một phần nữa của chiếc máy bay đã rơi vào trong làng hoa Ngọc Hà cách đó chừng hơn 100m. Tôi và bố tôi bị kẹt lại ở thành phố vào thời điểm đó, Bố tôi phải ở lại Hà Nội trực chiến cho cơ quan, không dám mạo hiểm đưa tôi đi trong lúc báo động chẳng lúc nào ngơi. Hai bố con kẹt lại, đêm, nghe còi ủ, chạy ra hầm không biết bao nhiêu lần. Sau vài ngày, khi sự mỏng manh giữa cái sống và chết trong gang tấc, hai bố con chợt hiểu: nếu bom có rơi thì xuống hầm cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Đặc biệt, sau khi đèo nhau đến phố Khâm Thiên để tìm xác cô làm cùng cơ quan. Đi qua mặt tiền của khu phố còn tương đối nguyên vẹn. Phía trong, bị san phẳng hoàn toàn, kể cả xuống hầm hay không cũng vậy thôi. Cô ấy thường xuống hầm, nhưng hầm cũng chẳng thấy đâu, mùi tử thi bốc lên mê sảng, những mảnh vụn thân thể người vương vãi khắp nơi: trên mảnh tường, cành cây… Không thể tả nổi những u ám, tang thương trong cặp mắt những người còn sống đang cố tìm về một hoài niệm nào đó về nơi này ngày hôm qua. Xác người xếp la liệt, hầu hết không trọn vẹn, khó có thể nhận dạng… và bố tôi vẫn không thể tìm ra xác người bạn cùng cơ quan xấu số cùng ở lại trực chiến. Nhà tôi ở Phó Đức Chính – cạnh nhà máy điện – trọng điểm đánh bom của quân Mỹ. Phố xá vẳng vẻ, vài người ở lại trực cơ quan hoặc tự vệ của các nhà máy. Ai cũng lặng lẽ hối hả, bởi chẳng ai biết được chiến tranh hồi nào mới kết thúc và sự chết chóc có chừa mình hay không? Nếu tên phi công Mỹ hôm nhấn nút hủy diệt khu An Dương thao tác nhanh hay chậm chỉ một phút, biết đâu, đám bom hủy diệt đó lại rơi trúng vào khu chúng tôi ở? Nói vậy thôi, chứ lúc đó tôi còn bé lắm khoảng hơn 10 tuổi, chẳng biết sợ là gì, thấy báo động, ban đêm, chỉ muốn lao ra khỏi hầm để xem các lưới đạn bắn nhau, đan xen dọc ngang trên bầu trời, ban ngày thì thích xem máy bay rơi và phi công nhảy dù. Tôi được chứng kiến vô số lần máy bay rơi và phi công nhảy dù – kể cả anh Peterson rơi xuống hồ Trúc Bạch cạnh nhà tôi, mà sau này đã quay lại Việt Nam làm đại sứ Mỹ. Nhưng cũng ối lần, do chạy ra sớm quá, khi chiến sự vừa dứt, tôi suýt bị mảnh đạn rơi vào người. Hồi đó, chúng tôi còn đua nhau tích trữ các mảnh đạn rơi từ trên trời xuống để làm kỷ vật của riêng mình mà. Vào dịp 12 ngày đêm đó, trong khi hai bố con bị kẹt trong thành phố, mẹ và anh tôi thì đang ở nơi sơ tán, lòng như lửa đốt khi đêm đêm nhìn về thành phố trong ánh lửa, không biết chồng con ra sao? Hồi đó làm gì có mobile phone để mà thông báo cho nhau tình hình, hoàn toàn tù mù tin tức. Chỉ sau khi 12 ngày đêm sống trong sự ác liệt của bom rải thảm kết thúc, chúng tôi mới bàng hoàng ngỡ ngàng khi thấy mình còn sống. Sau này khi tôi kể lại những thời khắc ấy cho đám bạn ngoại quốc nghe, đặc biệt nhóm bạn Mỹ, ai cũng choáng váng, nhìn tôi thấy kính phục hơn hẳn. Có lẽ chiến tranh đối với họ là phim ảnh, sách báo.., chứ không ngờ lại là những con người cụ thể, dẻo dai và kiên cường, đầy tính hài hước và lạc quan như tôi. Và tại sao tôi lại vẫn chơi với họ mà không ghét cái quân đã thả bom rải thảm giết hại người khác? Đối với lũ trẻ như chúng tôi thủa đó, chiến tranh là một cuộc dạo chơi cùng số phận đầy sảng khoái. Suy nghĩ và lo lắng có lẽ chỉ dành cho người lớn thôi! Vậy là vào cái ngày đẹp đẽ hôm nay, tôi chợt nhớ đến những tháng năm ấy, đất nước và số phận từng con người đau thương, tang tóc. Tôi nhớ đến những căn nhà đổ trên đường Hoàng Hoa Thám hoặc Quán Thánh – nơi có tiếng dương cầm của nữ sỹ Trịnh Thị Nhàn chiều chiều vẫn vang lên, nơi cửa nhà có những cây bàng lá đỏ, những tiếng kinh cầu và chuông nhà thờ Cửa bắc vọng lại, những buổi chiều sương mờ bên Hồ Tây, với tiếng mõ như gõ nhịp đưa chiều về ở chùa Kim Liên… Những ngày tháng ẩn hiện trong những lời ca, bản nhạc của Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng… Chúng tôi là những người chứng kiến Hà Nội đổ nát và vươn lên, Hà nội cổ kính và hiện đại… nên yêu lắm một Hà Nội với những con người cũ và mới, với những dãy phố cổ và những khu đô thị văn minh mới dựng.. và hiện hình trên cái mốc thời gian đẹp đẽ này 12/12/12.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Liên Hương