Nên đuổi bắt cướp hay giữ an toàn tính mạng?

25/01/2013 07:38
Theo Vnexpress
"Thật sự đây là điều trăn trở, băn khoăn của tôi. Chứng kiến cảnh cướp giật trên đường, tôi phải ứng xử thế nào đây?".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Câu chuyện về cô gái tên Phương bị dàn cảnh móc túi iPhone trên đường và đuổi theo tên cướp qua 6 ngã tư không ai giúp đỡ, cùng với chuyện một thầy dạy võ Thiếu lâm Kungfu đuổi theo tên cướp iPad nhưng sau đó bị vợ la vì nguy hiểm đến tính mạng, đã khiến độc giả VnExpress tranh cãi dữ dội về cách ứng xử của cộng đồng khi gặp cướp trên đường. "Chứng kiến cảnh cướp giật trên đường, tôi phải ứng xử thế nào đây? Nên truy đuổi bọn cướp hay để mặc cho khỏi phiền lụy bản thân? Thật sự đây là điều trăn trở, băn khoăn của tôi"- tâm sự của độc giả TQT gợi lên nhiều suy nghĩ trước tình hình trộm cướp nhiều, với các thủ đoạn tinh vi và tàn ác. Khi thầy dạy võ Kungfu Nguyen Nguyen nói: "Tôi chẳng trách người đi đường lúc đó mà cũng chẳng mong đợi gì ở họ. Tôi nghĩ những người luyện võ đến mức như tôi là khá ít, mà còn nhụt chí với tệ nạn, thế thì bạn Phương mong đợi điều gì ở người đi đường?", thì một bạn đọc nick Happyvu thốt lên: "Bạn ơi, bạn sống thiếu niềm tin vào cộng đồng quá... Bọn cướp biết được rằng ai cũng như bạn nên bọn nó tha hồ mà tung hoành...". Nhiều bạn đọc kể lại các tấm gương hiệp sĩ, những người dân dũng cảm bắt cướp ttre6n đường Sài Gòn. "Nếu mọi người cùng đoàn kết với nhau thì bảo đảm bọn cướp không dám chống lại. Hãy nêu cao ý thức cộng đồng." độc giả Phước góp ý. Đồng tình với luồng suy nghĩ trên, nhiều độc giả đưa ra những băn khoăn, lo ngại về một xã hội, nơi con người sống trong sự thờ ơ, vô cảm, kiểu "thấy cướp thì tránh đường cho tụi nó chạy, rồi thầm mừng vì tụi nó không cướp của mình". "Ý thức cộng đồng ở đâu khi tận mắt chứng kiến người hiền lành bị hiếp đáp, thậm chí bị tước đi mạng sống?" - bạn đọc Ducong đặt câu hỏi. Độc giả Bùi Tiến chia sẻ: "Nhìn ở góc độ xã hội, bạn Phương đuổi cướp, truy hô quãng đường khá dài vậy mà không ai giúp là một dấu hiệu của sự thờ ơ, lãnh cảm của con người sống ở các thành phố lớn". Lo ngại của các độc giả là có cơ sở, khi sự thờ ơ có thể trở thành thói quen: "Thờ ơ trước những điều xấu chứng kiến mỗi ngày, dần về sau, có thể chúng ta sẽ thờ ơ với chính sự đau khổ, bất hạnh của người khác. Đó mới là điều đáng sợ nhất"- bạn đọc Tvu nói. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một luồng ý kiến các bạn đọc cho rằng không nên đuổi theo bọn cướp, "ra tay nghĩa hiệp trên đường", bởi như độc giả có nickname Meocon góp ý: "Là người bình thường, bạn đừng nên quá manh động với bọn cướp mà thiệt thân. Chỉ cần tri hô lên là được rồi. Trên hết là tính mạng. Tài sản là vật ngoài thân. Trộm và cướp bây giờ rất hung hăng. Phải hết sức cẩn thận". "Trách nhiệm thuộc về cơ quan an ninh, không phải người dân. Người dân không có nhiệm vụ phải chống đối với cướp để gây nguy hiểm cho bản thân. Việc bảo vệ sự an toàn cho người dân là trách nhiệm của cơ quan an ninh" bạn đọc Phihungvnm nhận định. Người dân bình thường không có nghiệp vụ, chuyên môn. Chỉ vì lòng dũng cảm bất chợt, truy đuổi theo bọn cướp thì có thể vô tình gây tai nạn cho người khác. Bọn cướp khi bị truy đuổi quyết liệt, hoảng loạn và manh động, có thể gây tai nạn cho nhiều người vô tội khác. Đó là những tình huống các độc giả nêu ra để chứng minh rằng, không phải lúc nào lòng tốt và sự dũng cảm cũng có ích. Sự xuất hiện của những "hiệp sĩ đường phố" bắt cướp thực không phải là một dấu hiệu đáng vui mừng. Nó báo hiệu sự bất ổn trong việc sắp xếp, cơ cấu các vai trò xã hội và tính răn đe chưa đủ mạnh của hệ thống pháp luật đối với tội danh trộm cướp. Dù sao đi nữa, cốt lõi của vấn đề chính là công tác trấn áp nạn trộm cướp của chính quyền các cấp, để giữ gìn an ninh trật tự, giúp người dân có đời sống ổn định, yên lành. Còn khi sự việc đã xảy ra, thờ ơ đứng lại hay dũng cảm đuổi theo, đó là sự lựa chọn của tùy theo từng cá nhân trong xã hội.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress