"Tôi thấy ở nhiều phường, công an phường đều đi thu tiền dịch vụ"

24/11/2012 10:32
Độc giả Lê Văn Việt
(GDVN) - "Là một người dân Hà Nội, tôi mong muốn các cơ quan chức năng của chúng ta cần thực hiện, xử lý thật mạnh mẽ, nghiêm minh, kể cả cách chức, điều chuyển công tác... những trưởng công an phường nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè", độc giả Lê Văn Việt bày tỏ.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin về lãnh đạo văn phòng Công an Hà Nội cho biết, sẽ xem xét trách nhiệm trưởng công an phường nếu để lấn chiếm vỉa hè và một số bức của người dân về việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi từ phía độc giả. Một trong ý kiến đó là của độc giả Lê Văn Việt. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Tôi đã theo dõi rất kỹ ý kiến của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội về việc sẽ xử lý nghiêm trưởng công an phường nếu để tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè xảy ra, đồng thời cũng xem các ý kiến của người dân phản ánh về tình trạng lấn chiếm ở nhiều khu vực hiện nay.
Cây ATM của một ngân hàng đã "lấn chiếm" mất một phần diện tích khá lớn vào trong sân của trụ sở Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Cây ATM của một ngân hàng đã "lấn chiếm" mất một phần diện tích khá lớn vào trong sân của trụ sở Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Là một người dân Hà Nội, tôi cũng đã từng quan sát và nghe rất nhiều câu chuyện về việc công an phường thường đi "làm luật" hay nói cách khác là thu tiền của các hộ kinh doanh trên dọc các tuyến đường cũng như dưới lòng đường, vỉa hè... kể cả là những người buôn bán ở các chợ cóc. Việc thu tiền của công an các phường theo tôi tìm hiểu thì có nhiều cách làm khác nhau, có thể là họ sẽ cử một người đại diện nào đó đến từng địa điểm kiểm tra và thu tiền hàng tháng hoặc có thể là mỗi tháng các hộ phải tìm cách nào đó lên gặp phía công an để nộp tiền phí... Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì hầu như những khoản tiền này đều không được hạch toán, ghi vào sổ sách... Nó trở thành một khoản tiền mặc định hay tiền phí hàng tháng, theo định kỳ người nào muốn kinh doanh buôn bán trên vỉa hè phải đóng. Có những bà bán nước ở vỉa hè tại một số khu vực đã than với tôi rằng, mỗi tháng bà phải nộp vài ba trăm nghìn đồng cho công an để được yên tâm buôn bán. Còn những quán cà phê nằm trên các tuyến đường, nếu muốn yên ổn, khách đến uống không bị nhắc nhở, thu xe... thì mỗi tháng cũng phải mất tới cả triệu đồng trở lên tiền "phí". Câu chuyện ùn tắc giao thông, hè không thông, đường không thoáng vẫn là câu chuyện luôn ám ảnh tại thủ đô Hà Nội. Đã rất nhiều chiến dịch được triển khai nhưng "đâu lại hoàn đó", tắc đường vẫn cứ tắc, lòng đường, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm trái phép. Nguyên nhân thì đưa ra nhiều nhưng thực tế được nghe, quan sát tôi thấy có một phần lớn nguyên nhân ở đây chính là do phía công an phường "bỏ qua" cho những vi phạm về lấn chiếm lòng đường vỉa hè sau khi đã thu tiền. Để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, pháp luật và tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở thủ đô hiện nay, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của lãnh đạo công an thành phố Hà Nội. Đồng thời, tôi mong muốn các cơ quan chức năng của chúng ta cần thực hiện, xử lý thật mạnh mẽ, nghiêm minh, kể cả cách chức, điều chuyển công tác... những trưởng công an phường nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Sự nghiêm minh đó vừa tạo lòng tin cho người dân, vừa giúp chấn chỉnh, trả lại sự thông thoáng cho lòng đường, hè phố.* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Lê Văn Việt