"Ai cũng công nhận rằng văn hóa phục vụ ở Hà Nội kém xa Sài Gòn"

04/07/2012 10:00
Hải Phong
(GDVN) - "Tôi là người miền Bắc nhưng tôi công nhận một điều, văn hóa mua bán phục vụ ở các tỉnh phía Bắc kém xa miền Nam. Tuy nhiên, người miền Bắc vẫn thanh lịch, mến khách và rất chân tình...”, độc giả Lê Phong chia sẻ.

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ, mới đây là bài viết của độc giả Nguyễn Thanh Tâm: "Một lần ra Hà Nội, chị gái tôi đã bị một 'cú sốc văn hóa' quá nặng", Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả. Nhiều độc giả bày tỏ mình cũng gặp phải những tình huống tương tự người chị gái của độc giả Nguyễn Thanh Tâm. 

Bán hàng như "ăn cướp".


Độc giả Nguyễn Thu Hương kể lại: “Từ hồi sinh viên, tôi và người bạn thân sau mấy tháng tiết kiệm được chút tiền ra phố Khâm Thiên để mua một chiếc áo ấm. Khi hai đứa đang lơ ngơ trên vỉa hè thì một chị bán hàng đon đả mời chào. Thấy vậy, chúng tôi dừng lại xem thử có áo nào hợp để mua. Chị bán hàng rất xởi lởi bảo hai đứa thử áo. Sau khi chúng tôi thử nhưng thấy mặc vào không hợp nên quyết định không mua để tìm chỗ khác. 
Chợ Ngã Tư Sở. Ảnh: Internet.
Chợ Ngã Tư Sở. Ảnh: Internet.
Lúc này, chị bán hàng mới lồng lên, bảo chúng tôi đã thử áo làm cho áo cũ rồi nên phải mua chứ không được trả lại. Cuối cùng chúng tôi bị ép mua với giá cả đắt đỏ. Chúng tôi tiếc đứt ruột số tiền mà những sinh viên nghèo như mình tích cóp mãi cuối cùng bị người ta 'ăn cướp' trắng trợn”.
Độc giả này cũng bày tỏ quan điểm “sau này ra trường, thỉnh thoảng tôi cũng ra Hà Nội công tác, thăm người thân nhưng tôi không bao giờ mua sắm ở đây. Kiểu “văn minh” bán hàng đó chỉ giúp những người bán hàng cướp người khác được một lần mà thôi”.
Trong khi đó, độc giả có địa chỉ email  ronalnguyen10@... cho biết: “tôi thường xuyên đi công tác từ Bắc vào Nam. Tôi quá hiểu văn hóa ấy, theo tôi, những chuyện như vậy chỉ có thể tồn tại được ở Hà Nội mà không thể tồn tại được ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Người Hà Nội gốc cũng bị "sốc"

Nhiều độc giả sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng không thể chấp nhận được văn hóa ứng xử của những người bán hàng dành cho các “thượng đế”. Độc giả Minh Hoa chia sẻ “tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đi học xa nhà rồi quay về đây công tác và sinh sống cùng gia đình. Nhưng gần nửa đời người qua đi, tôi vẫn luôn sốc và tìm cách né tránh những nơi như chợ Hôm hay những quán ăn (cháo, phở...) có tiếng.

Ở những nơi đó, dù báo chí có ca ngợi ngất trời về mùi, vị và sự tài ba pha chế của chủ quán thì tôi vẫn không thể nuốt nổi. Tôi rất ngại những ánh mắt, những câu nói của chủ quán như ném thức ăn vào mặt khách, dù khách mất tiền mua. Thậm chí ở Hà Nội, nhiều quán ăn Nhật, người phục vụ mặc trang phục Nhật Bản nhưng phong cách phục vụ lại “rất Hà Nội”.

Một quán bún được mệnh danh là "bún mắng" Hà Nội.
Một quán bún được mệnh danh là "bún mắng" Hà Nội.


Độc giả có địa chỉ email huyendoan201086@... cảm thấy xấu hổ thay cho những người bán hàng. Độc giả này nhận định “tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nhưng lại học tập và công tác tại miền Nam. Hai phong cách văn hóa khác nhau hoàn toàn. Tôi cũng từng bị sốc như chị gái của độc giả Nguyễn Thanh Tâm. Đó cũng là lý do tại sao người miền Nam có ác cảm với người miền Bắc. Tôi là người miền Bắc còn bị sốc, huống chi là người miền Nam”.
Còn độc giả Duy Hưng cho biết “tôi đang sinh sống tại Đà Nẵng, quê ngoại của mẹ tôi là ở Hà Nội. Thỉnh thoảng, tôi cũng có dịp trở về thủ đô, nhưng mỗi lần về đó thực sự là chán. Đường phố bụi bặm và đông đúc, người dân thì coi thường pháp luật (đi xe kẹp 3, không gắn biển số, không đội mũ bảo hiểm...).

Ngoài ra, khi đi mua hàng, nghe giọng tôi không phải giọng Bắc thì những người bán hàng ra sức chặt chém. Tôi nói không phải chê bai, nhưng sự thật Hà Nội bây giờ kém xa Đà Nẵng và Sài Gòn. Người dân sống ở Hà Nội thiếu ý thức trầm trọng, thử hỏi khi dân Hà Nội vào du lịch ở Đà Nẵng và Sài Gòn thì có khi nào bị đối xử như vậy không?”.
Trong khi đó độc giả Lê Phong lý giải “tôi là người miền Bắc nhưng tôi công nhận một điều, văn hóa mua bán phục vụ ở các tỉnh phía Bắc kém xa miền Nam và cụ thể là cung cách phục vụ ở Hà Nội kém xa Sài Gòn. Tuy nhiên, người miền Bắc vẫn thanh lịch, mến khách và chân tình như cái gốc của nó. Nếu có thể, bạn hãy về quê hoặc đến gặp một vài người bạn quen biết thì sẽ thấy được văn hóa thực sự của người Bắc”.
Độc giả này cũng bày tỏ mong muốn “các cơ quan quản lý về chuyên môn cũng cần có cách quản lý về văn hóa hàng quán ở giữa thủ đô. Nếu cần có thể tẩy chay, cấm kinh doanh khi những cửa hàng này có hành vi thiếu văn hóa với khách hàng”.
Hải Phong