BIDV Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm quy định cho vay

27/10/2014 09:45
Hải Ninh
(GDVN) - Là khẳng định của luật sư khi phân tích về vụ việc cho vay, bảo lãnh tín dụng của BIDV Đắk Nông tại Dự án nhà máy thủy điện Quảng Tín (Đắk Nông).

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/9/2014 đăng bài “Đắk Nông: Doanh nghiệp đưa 01 tài sản đi thế chấp 02 tổ chức tín dụng” và “Đắk Nông: Vì sao bản án có hiệu lực nhưng không được thi hành?” ngày 03/10/2014 phản ánh về việc: Tháng 10/2008, Công ty TNHH MTV Thiết kế và Chế tạo TBĐ EEMC (sau đây gọi tắt là Công ty EEMC) có ký Hợp đồng kinh tế số 68/TKTBĐ-NS ngày 06/10/2008 với Công ty TNHH N&S (sau đây gọi tắt là Công ty N&S ) do ông Hoàng Đình Tuấn làm Giám đốc.

Mặc dù đã phát hành Thư bảo lãnh và gia hạn thư bảo lãnh nhưng BIDV Đắk Nông lại tìm mọi cách để thoái thác trách nhiệm của mình.
Mặc dù đã phát hành Thư bảo lãnh và gia hạn thư bảo lãnh nhưng BIDV Đắk Nông lại tìm mọi cách để thoái thác trách nhiệm của mình.

Theo nội dung của hợp đồng, Công ty EEMC cung cấp 02 tổ máy tuabin và hướng dẫn lắp đặt cho Công ty N&S để xây dựng Nhà máy thủy điện Quảng Tín, xã Quảng Tín, huyện Đắc R’Lấp (Đắk Nông) với tổng trị giá hợp đồng là 868.054 USD (13 tỷ 297 triệu đồng).

Phía Công ty N&S tạm ứng 30% trị giá hợp đồng, 70% còn lại (hơn 9 tỷ đồng) Công ty N&S có trách nhiệm bảo lãnh thanh toán thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Nông (BIDV Đắk Nông) do ông Trần Văn Tích làm Giám đốc. Ngày 30/12/2008, BIDV Đắk Nông đã phát hành Thư bảo lãnh thanh toán số 1101/TBL-BIDV.DN cho Công ty EEMC.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do Công ty N&S không bàn giao được mặt bằng thi công (mặc dù máy móc và nguyên vật liệu đã tập kết tại chân công trình) nên Công ty EEMC đã nhiều lần yêu cầu BIDV Đắc Nông và Công ty N&S thanh toán tiền mua 02 tổ máy tuabin. Tuy nhiên, BIDV Đắk Nông từ chối thanh toán và buộc Công ty EEMC phải khởi kiện ra Toà án nhân dân huyện Đắk Rlấp  (sơ thẩm) và Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông (phúc thẩm).

Mặc dù, Công ty N&S đã có văn bản thừa nhận lỗi vi phạm hợp đồng thuộc về mình nhưng BIDV Đắk Nông lại cố tình không công nhận điều này.
Mặc dù, Công ty N&S đã có văn bản thừa nhận lỗi vi phạm hợp đồng thuộc về mình nhưng BIDV Đắk Nông lại cố tình không công nhận điều này.

Tại Bản án số 02/2013/KDTM-PT ngày 10/7/2013 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên: Buộc Công ty N&S phải trả cho Công ty EEMC số tiền 11 tỷ 499 triệu đồng; Bác yêu cầu phản tố của Công ty N&S yêu cầu Công ty EEMC phải bồi thường số tiền 11 tỷ 680 triệu đồng. Tuy nhiên, việc thi hành án đến nay vẫn chưa được thực thi vì thiếu sự hợp tác của các bên, trong đó có BIDV Đắk Nông.

Phân tích về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Hồng Hà thuộc Văn phòng Luật sư Hoàng Giao và Cộng sự cho rằng: Ngân hàng BIDV Đắk Nông đã phát hành thư bảo lãnh 70 % giá trị Hợp đồng cho Công ty EEMC nhưng do dư nợ của Công ty N&S vượt quá tầm kiểm soát của Chi nhánh nên đã tìm cách từ chối thanh toán. Ngoài ra, BIDV Đắk Nông biết rõ là 02 tổ máy của Nhà máy thuỷ điện Quảng Tín vẫn thuộc tài sản của Công ty EEMC nhưng Ngân hàng vẫn nhận thế chấp là có dấu hiệu “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Đặc biệt, sau khi Chi cục Thi hành án huyện Đắc R’Lấp (Đắk Nông) kê biên các khoản phải thu của Công ty N&S tại Tổng công ty Điện lực Miền Trung thì BIDV Đắk Nông lại vội vàng đem Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu đi đăng ký giao dịch đảm bảo tại Trung tâm Đăng ký giao dịch đảm bảo TP.Hồ Chí Minh vào ngày 27/03/2014 để đối phó với cơ quan thi hành án là hành vi vi phạm trong pháp luật thi hành án dân sự.

PV: Luật sư có thể phân tích rõ hơn về trách nhiệm của BIDV Đắk Nông trong việc phát hành thư bảo lãnh cho Công ty N&S nhưng sau lại không thực hiện?

Luật sư Nguyễn Hồng Hà: Theo Hợp đồng số 68/TKTTBD-NS ngày 06/10/2008 ký giữa Công ty EEMC và Công ty N&S thì 30% giá trị hợp đồng (3 tỷ 989 triệu đồng) phía N&S có trách nhiệm ứng trước, còn lại 70 % trị giá còn lại (9 tỷ 307 triệu đồng) Công ty N&S có trách nhiệm bảo lãnh thanh toán thông qua BIDV Đắk Nông.

Lấy lý do, Công ty EEMC không cung cấp được bằng chứng Công ty N&S vi phạm hợp đồng nên BIDV Đắk Nông không thực hiện trách nhiệm thư bảo lãnh đã phát hành.
Lấy lý do, Công ty EEMC không cung cấp được bằng chứng Công ty N&S vi phạm hợp đồng nên BIDV Đắk Nông không thực hiện trách nhiệm thư bảo lãnh đã phát hành.

Ngày 30/12/2008, BIDV Đắk Nông đã phát hành Thư bảo lãnh số 1101/TBL-BIDV.DN có hiệu lực 01 năm. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên Công ty N&S có vi phạm trong việc bàn giao mặt bằng nên BIDV Đắk Nông đã gia hạn thư bảo lãnh thanh toán số 1454/TBL-BIDV.DN đến ngày 31/03/2010. Công ty N&S tiếp tục vi phạm hợp đồng khi chậm bàn giao mặt bằng nên Công ty EEMC liên tục có công văn yêu cầu BIDV Đắk Nông thanh toán số tiền bảo lãnh theo hợp đồng. Vì theo quy định tại Điều 9.1.2, Hợp đồng số 68 thì nếu việc bàn giao mặt bằng chậm quá 60 ngày thì bên Công ty N&S có trách nhiệm thanh toán ngay toàn bộ trị giá hợp đồng cho Công ty EEMC mà không quan tâm đến điều kiện chạy thử 100 giờ. Tuy nhiên, phía BIDV đã từ chối thanh toán theo trách nhiệm của mình.

PV: Theo hồ sơ vụ việc, BIDV Đắk Nông còn có dấu hiệu “giúp sức” cho Công ty N&S tẩu tán tài sản thế chấp, luật sư có thể phân tích sâu hơn về khía cạnh này?

Luật sư Nguyễn Hồng Hà: Ngoài dấu hiệu hiệu sai phạm như đã phân tích ở trên thì BIDV Đắk Nông còn có dấu hiệu giúp sức cho Công ty N&S tẩu tán tài sản (đang chuẩn bị được thi hành án); đồng thời BIDV đã không thực hiện đúng cam kết sẽ phát hành thư bảo lãnh lần 2.

Cụ thể, ngày 07/10/2010, 03 bên là BIDV Đắk Nông - Công ty N&S và Công ty EEMC cùng ký biên bản thống nhất nội dung: BIDV Đắk Nông đồng ý cho Công ty N&S được rút một phần tài sản đảm bảo của Công ty đang thế chấp tại BIDV Đắk Nông (gồm các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 471 Quang Trung và 207-209 Điện Biên Phủ, TP.Buôn Ma Thuật) để Công ty N&S thế chấp tại một tổ chức tín dụng khác và thanh toán cho EEMC. BIDV Đắk Nông cam kết sẽ phát hành thư bảo lãnh cho EEMC với số tiền tối đa 8 tỷ 900 triệu đồng. Trong văn bản cam kết này, BIDV Đắk Nông khẳng định có trách nhiệm thực hiện tương đương như một thư bảo lãnh thanh toán. Hiệu lực của thư cam kết này có giá trị từ ngày phát hành đến hết ngày 10/02/2011.

Tuy nhiên, sau khi cho Công ty N&S rút tài sản thế chấp, BIDV lại không phát hành thư bảo lãnh thanh toán này cho đến khi EEMC kiện ra Tòa và BIDV tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này .

PV: Ngoài những sai phạm trên, BIDV Đắk Nông còn có dấu hiệu vi phạm nào nữa thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hồng Hà: Theo Hợp đồng tín dụng số 635/2007/0001277 ngày 19/12/2007, BIDV Đắk Nông tham gia với tư cách là nhà tài trợ vốn cho dự án. Theo đó, BIDV Đắk Nông cho Công ty N&S vay với số tiền 63 tỷ đồng để thanh toán cho các chi phí xây dựng Dự án nhà máy thủy điện Quảng Tín với thời hạn cho vay trung hạn là 10 năm (9 năm trả nợ và 01 năm ân hạn).

Như đã trình bày trên, BIDV Đắk Nông biết rõ 02 tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Quảng Tín vẫn thuộc tài sản của Công ty EEMC nhưng vẫn nhận thế chấp là vi phạm các quy định tại Quyết định số 283/2000/QĐ-NHNN ngày 25/08/2000 của Ngân hàng Nhà nước và chính quy chế cho vay của BIDV.

Ngoài ra, tổng 02 hợp đồng tín dụng cho 02 nhà máy Quảng Tín và Đắk Ru là 153 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng của nhà máy Quảng Tín là 10%). Tuy nhiên, theo báo cáo của BIDV Đắk Nông tại Công văn số 1872 ngày 04/11/2013 thì tính đến 04/11/2013, dư nợ của Công ty N&S tại BIDV Đắk Nông là gần 254 tỷ đồng (dư nợ gốc: 191.235.000.000 đồng, dư nợ lãi là 62.698.525.555 đồng). Như vậy, lý do vì sao BIDV Đắk Nông lại cho vay vượt quy định như vậy? Phải chăng có tiêu cực trong vụ việc này?

Tóm lại, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tôi nhận thấy BIDV Đắk Nông đã cố tình vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng và cố tình cản trở việc thi hành án của người được thi hành án.

Xin cảm ơn luật sư!

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 179, Bộ luật Hình sự quy định: Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng:

1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;

b) Cho vay quá giới hạn quy định;

c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.

Hải Ninh