Bài viết xúc phạm VN của GS Stanford thể hiện góc nhìn thiếu văn hóa

20/02/2013 08:16
Hoàng Lực
(GDVN) - “Ở đây theo tôi nếu là một quốc gia có văn hóa hay là một con người có văn hóa đặc biệt với một nhà khoa học, một vị Giáo sư thì đầu tiên phải biết thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt nền văn hóa của một quốc gia dân tộc khác” – TS Nguyễn Thị Ánh Hồng Phó trưởng khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết.
Dù chính thức đưa ra lời xin lỗi sau bài báo “Dù ngày càng giàu có nhưng khẩu vị người Việt chẳng giống ai” đăng trên tờ Chicago Tribune nhưng đến thời điểm này với không ít người Việt Nam nói chung hay nhà khoa học nghiên cứu văn hóa, lịch sử nói riêng thì bài viết của giáo sư Joel Brinkley - giảng viên trường Đại học Stanford (Mỹ) - vẫn là một “cú sốc” bởi những nhận xét quá đỗi hồn nhiên, những kết luận nhanh gọn quy chụp về văn hóa, nguồn gốc của một dân tộc có trên 4 nghìn năm lịch sử. Mở đầu bài viết từ lấy vấn đề văn hóa ăn nhưng kết bài lại ra đáp số do ăn thịt qua nhiều thế hệ nên người Việt “hung hăng” trong chiến tranh. Sự vội vàng trong kết luận mà thiếu lập luận đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của không chỉ dư luận Việt Nam mà ngay tại chính nước Mỹ và cả trên thế giới.
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng người đã có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy văn hóa Việt Nam cho hàng chục thế hệ các phóng viên, nhà báo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng người đã có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy văn hóa Việt Nam cho hàng chục thế hệ các phóng viên, nhà báo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xung quanh nội dung gây tranh cãi trong bài bình luận của giáo sư trường Đại học Stanford, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, người đã có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy văn hóa Việt Nam cho hàng chục thế hệ các phóng viên, nhà báo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Không chỉ tôi mà bất cứ người Việt Nam nào cũng không đồng ý với quan điểm thiển cận như vậy”. TS Nguyễn Thị Ánh Hồng cho rằng, vấn đề ẩm thực dù thế nào nó cũng chỉ là một yếu tố trong văn hóa chứ không phải là tất cả. “Ẩm thực nói riêng và văn hóa nói riêng ở mỗi quốc gia, dân tộc làm nên cái gọi là bản sắc riêng biệt. Mà đã là riêng biệt thì mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đếu có những đặc sắc riêng” – TS Nguyễn Thị Ánh Hồng bày tỏ. Theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, nếu như nói người dân Việt Nam ăn món thịt chó hay thịt chuột và coi đó là hoang dã là điều không công bằng. “Tôi xin ví dụ như người Việt Nam thì thích ăn bằng đũa, trong khi người Ấn Độ lại dùng tay để bốc thức ăn đưa vào miệng. Như thế không thể kết luận là chúng ta văn minh hơn, người Ấn hoang dã hơn. Dưới góc nhìn văn hóa tôi cho rằng đó là những sự khác biệt, mà đã là khác biệt thì trước hết phải biết thừa nhận và tôn trọng” - TS Ánh Hồng nói.
Hàng ngàn người đã ký tên ủng hộ lời kêu gọi yêu cầu ĐH Stanford sa thải GS Joel Brinkley vì đã có bài viết xuyên tạc văn hóa VN. Ảnh:
Hàng ngàn người đã ký tên ủng hộ lời kêu gọi yêu cầu ĐH Stanford sa thải GS Joel Brinkley vì đã có bài viết xuyên tạc văn hóa VN. Ảnh:
“Vì thế theo tôi nếu là một quốc gia có văn hóa hay là một con người có văn hóa đặc biệt với một nhà khoa học một vị giáo sư kia thì đầu tiên phải biết thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt của nền văn hóa của một quốc gia dân tộc khác”. – TS Hồng tiếp lời. Ở khía cạnh khác TS Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: Những nhận định của vị giáo sư Joel Brikey suy cho cùng cũng chỉ là một ý kiến cá nhân đơn thuần, chúng ta cũng không nên lên án điều này. Trên góc độ khác nói công bằng thì từ bài viết bình luận của giáo sư Standford cũng có hạt nhân đúng khi nêu lên một hiện trạng đáng buồn về việc săn bắt động vật hoang dã thời gian qua. Nhưng nếu bài viết chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh tình trạng săn bắt động vật quý hiếm tại Việt Nam có lẽ sẽ hay hơn là các suy diễn từ hiện tượng đơn lẻ của xã hội thành bản chất, thành văn hóa một dân tộc. Theo TS Ánh Hồng số ít người săn bắt động vật hoang dã không thể đại diện cho văn hóa Việt Nam, cũng không làm nên một dân tộc Việt Nam. Vì thế có thể thấy cách lấy một số ít người của một hiện tượng xã hội làm đại diện cho văn hóa người Việt là một sai lầm nữa của giáo sư này. “Không thể nhìn nhận hành xử của một nhóm người nhất là khi nhóm người kia tuy là người Việt Nam nhưng không thể đủ tư cách để đại diện cho văn hóa của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ở nền văn hóa nào cũng có cái tốt cái xấu, cũng có người tốt và cũng có người xấu nhưng điều quan trọng là cách nhìn một cách tổng thế, cái tốt luôn chiếm ưu thế tuyệt đối còn cái xấu chỉ là sự xen lẫn nhỏ bé lẩn khuất” – TS Nguyễn Thị Ánh Hồng phân tích.  Về kết luận trong bài viết bình luận của giáo sư Stanord cho rằng người Việt trải qua nhiều thế hệ “ăn thịt” nên “hung hăng” trong chiến tranh, theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng thì “đây thuộc khía cạnh văn hóa chính trị, nhận định đó hoàn toàn không đúng khi nó mang tính quy chụp miễn cưỡng”. Vấn đề do góc nhìn nhận có tích cực, có nhân văn hay không. “Nếu nói ăn thịt thì “hung hăng” trong chiến tranh vậy có rất nhiều dân tộc ăn thịt thậm chí người Việt không thể có thịt nhiều trong bữa ăn bằng các dân tộc khác trên thế giới hoặc với dân tộc chọn thực phẩm chính là thực vật các loại rau quả, tôm cá thì văn hóa sẽ phát triển thế nào? Điều này chỉ có thể nhấn mạnh sự vô lý về lập luận miễn cưỡng không có tính thuyết phục của giáo sư Stanford” – TS Ánh Hồng lập luận. Vì thế theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, đứng ở góc nhìn nhân văn mang tính xây dựng, tích cực có lẽ vị giáo sư Stanford sẽ nhận ra: “Việt Nam là quốc gia yêu chuộm hòa bình, chúng ta chưa bao giờ coi chiến tranh là phương thức tồn tại. Đặc biệt trong mối quan hệ bang giao với các quốc gia láng giềng Việt Nam bao giờ cũng bày tỏ một thái độ thiện chí tôn trọng chủ quyền độc lập của các quốc gia dân tộc chính điều này nó làm nên tính chất văn hóa Việt”.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực