Anh tổ trưởng với những sáng kiến giá trị hàng chục tỉ đồng

06/05/2014 07:08
Diện Hứa
(GDVN) -Trong quá trình làm việc, anh mạnh dạn cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả cao và giúp ích cho cuộc sống của nhân dân.

Đó là anh Trương Anh Văn, Tổ trưởng tổ điện công ty TNHH MTV cao su Thống Nhất, thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tp. HCM, là một tổ trưởng quản lý tổ điện, ngoài ra anh cũng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất thiết bị phụ tùng cao su kỹ thuật cao để xuất khẩu.

Say mê tìm hiểu tạo ra những sáng kiến

Từ khi còn đi học THPT, anh Văn đã có trí tò mò về các thiết bị kỹ thuật trong nhà. Đó là lý do khi đang học, anh chuyển từ trường Đại học Giao thông vận tải sang hệ trung cấp trường Cao đẳng công nghiệp 4 TP.HCM (nay là Đại học Công nghiệp).  

Vì đam mê chế tạo máy móc, suốt quá trình học anh luôn bày tỏ sự thích thú với các môn học. Ngoài ra, anh Văn chia sẻ khi có cơ hội anh tiếp cận với máy móc để có thể trau dồi kiến thức học được. Anh tận dụng mọi phương pháp để có thể tiếp cận như tham gia các hoạt động xã hội, sửa chữa ở nhà người dân và đến xí nghiệp gần nhất để học nghề. Hơn nữa, vừa học vừa tìm tòi sáng tạo anh đã có nhiều mô hình thiết kế kỳ công để tặng bạn bè, như mô hình chạy chữ trên không mà anh nhớ nhất.

Anh Trương Anh Văn (bên phải) với đồng nghiệp trong giờ làm việc (Ảnh: NVCC)
Anh Trương Anh Văn (bên phải)  với đồng nghiệp trong giờ làm việc (Ảnh: NVCC)

Anh Văn chia sẻ, sau khi tốt nghiệp, anh về đầu quân cho công ty cao su Thống Nhất làm công nhân kỹ thuật bảo dưỡng, bảo trì hệ thống điện cho công ty. Anh cũng không ngừng trau dồi kiến thức bằng việc đi học thêm ở các lớp về tự động hóa ở trường Đại học Bách khoa, Khoa học tự nhiên. Năm 2010, anh được tín nhiệm làm tổ trưởng tổ điện.

Miêu tả về công việc của mình, anh Văn cho hay, mình có nhiệm vụ bao quát máy móc, nghiên cứu đào tạo và tiếp cận những sản phẩm mới được đưa về từ nước ngoài. Từ đó, đưa vào chế tạo khuôn, sản xuất, theo dõi sản phẩm và bàn giao về cho bộ phận sản xuất theo dây chuyền và đem xuất khẩu. Trong đó, chủ yếu là phần thiết kế máy móc nên anh trực tiếp tham gia cùng tổ điện.

Nói về những sáng kiến của mình, anh hào hứng: Vì mình có lòng yêu nghề nên chính nó đã mang đến cho mình sự đam mê, thích thú và sáng tạo. Nên mỗi năm mình có hơn mười sáng kiến lớn, nhỏ. Từ những kinh nghiệm và kiến thức anh Văn đúc kết trong quá trình làm việc đó là máy móc phục vụ sản xuất trong công ty nhập từ nước ngoài nhưng công nhân không nắm được hết nên dẫn đến việc làm việc chưa khai thác được sâu chức năng của máy, hao phí nguyên liệu. Từ đó, anh mạnh dạn đề xuất một số cải tiến táo bạo như: Cải tiến hệ thống điều khiển của máy ép thành tự động hóa, hệ thống điều khiển máy ép nhựa, kết cấu hệ thống thủy lực máy... Những sáng kiến này góp phần tiết kiệm nguyên liệu, phục vụ cho quá trình sản xuất tốt, nhanh và chính xác hơn.

Trong những sáng kiến đó, anh khá ấn tượng với việc cải tiến hệ thống máy 383, 384 thiết kế tự động hóa. Thời gian anh và các đồng nghiệp bỏ ra cho sáng kiến này là 25 ngày, kết hợp những kiến thức và kinh nghiệm công việc anh đã thành công và xuất khẩu ra nước ngoài.

Liên tưởng tới sản phẩm sẽ có lòng kiên trì làm hết

Có những sáng kiến đã khó, để hoàn thành được nó cũng trải qua một quá trình gian nan, trong đó không thiếu những khó khăn từ tinh thần đến vật chất. Anh Văn chia sẻ: Khi đưa ra những ý tưởng của mình, ban đầu anh gặp khá nhiều sự phản đối và không tin tưởng của đồng nghiệp và cấp trên. Tuy nhiên, anh đã dành cả tâm huyết của mình để giải đáp, miêu tả và có một lòng tin tuyệt đối với sản phẩm để lấy sự ủng hộ của mọi người. Như vậy, những sản phẩm đầu tiên sẽ vất vả hơn, nhưng nó tạo niềm tin để anh thực hiện những sản phẩm sau.

Bên cạnh đồng nghiệp, gia đình là nơi cổ vũ lớn đối với anh Văn trong công việc. Anh hài hước: "Ba mẹ bảo, tuổi trẻ là phải xông pha". Vì thế, gia đình rất ủng hộ và thích thú với những thành tích mà anh đạt được. Đó cũng là lý do mà nhiều khi anh nản lòng lại có động lực để thực hiện tiếp.

Chia sẻ về bản thân, anh nói, người ta bảo "khô như thợ điện", mình là người ít nói và trầm tính, nhưng nhiều khi cần hoạt bát, năng động đặc biệt có tác phong công nghiệp để góp phần làm tốt công việc của mình.

Vai trò là một người đi trước, theo anh Văn, giới trẻ ngày nay cần tiếp cận sớm với công việc mà mình học ngay trong quá trình học tập, tự rút ra cho mình bài học từ thực tế và so sánh với lý thuyết. Lời khuyên riêng cho sinh viên ngành điện, anh Văn nói: Hãy thí nghiệm nhiều, thực hành nhiều, tay làm, đầu liên tưởng tới sản phẩm sẽ có lòng kiên trì làm hết.

Thành tích anh Trương Anh Văn đạt được:

-  Là tấm gương sáng, đi đầu trong phong trào lao động sáng tạo của doanh nghiệp.
-  Bản thân có nhiều sáng kiến, trong đó tiêu biểu có 14 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất tại doanh nghiệp, đem giá trị làm lợi gần 2 tỷ đồng.
-  7 năm liên tục đạt danh  hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2007-2013
-  Bằng khen của UBND thành phố Hồ Chí Minh năm 2011
-    Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2013

Diện Hứa