Bạn trẻ với đam mê trải nghiệm làm kinh doanh dịp lễ 8/3

08/03/2013 08:04
Trần Mai
(GDVN) - Không khí của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang rộn khắp mọi con đường, ngõ phố Hà Nội. Không bỏ lỡ cơ hội cho những ý tưởng kinh doanh trong dịp lễ đặc biệt này, các bạn trẻ lại tất bật với những giỏ hoa tươi, những món đồ handmade nhỏ xinh cùng những cảm xúc thú vị.
Dạo quanh các cổng trường Đại học, Cao đẳng, các khu chợ sinh viên, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ năng động bên những bó hoa, những món quà ý nghĩa cho ngày 8/3. Các bạn là những cô cậu sinh viên đầy nhiệt huyết, thích khám phá và học hỏi. Tìm đến kinh doanh với mong muốn thỏa niềm đam mê và có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ đã giúp các bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Thơm – cô sinh viên năm 3, khoa Marketing, ĐH Thương Mại chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình thử sức với công việc buôn hoa trong các dịp lễ như thế này. Phải mất khá nhiều thời gian cho việc khảo sát thị trường hoa tại một số chợ hoa ở Vĩnh Phúc, chợ hoa Quảng Bá để nhập được hoa rẻ và tươi. Bỏ vốn vào đây cũng không mong lời lãi nhiều mà quan trọng mình có thêm kinh nghiệm bản thân và cũng để tìm niềm vui cho riêng mình.”
Chung vốn với cô bạn thân cùng trường tên Nga, học khoa Tài chính Ngân hàng, hai bạn đã đến tận các chợ hoa nhập về và tự tay bó hoa thành nhiều kiểu. Mỗi bó hoa dao động từ 150.000 - 200.000 đồng. Trừ mọi chi phí, số tiền lãi các bạn thu về cũng chừng 30.000 - 50.000 đồng/bó. “ Bọn mình bắt đầu bán từ hôm mùng 5/3. Chủ yếu là sinh viên các khóa mua tặng giảng viên. Hôm đầu tiên bán khá nhất, được 5 bó. Đến hôm nay (7/3) thì chững lại, người mua kén chọn hơn và có sự so sánh về giá nên mình cũng phải cân đối giá cả cho hợp lý.”  Tuy vậy, không  phải hoa nhập về bao nhiêu cũng bán hết chừng ấy. Đỗ Linh – sinh viên năm cuối, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thở dài: “Năm nay hoa nhập về khá đắt nên mình phải đầu tư nhiều. Minh chưa có kinh nghiệm bó hoa, cạnh tranh lại lớn nên cũng gặp khó khăn. Thêm nữa thời tiết mấy hôm nay nắng nóng, hoa dễ héo. Vừa lo bán vừa lo chạy hàng khi công an phường đến dẹp cũng thấy mệt.” Còn với Nam – sinh viên năm 2, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Công nghiệp HN lại khá hứng thú với công việc buôn hoa: “ Lần đầu tiên mình làm công việc này. Nhiều bạn tò mò khi con trai đi bán hoa, nhưng mình cảm thấy rất thú vị. Mình được tiếp xúc với nhiều bạn, có cơ hội tìm hiểu thêm về việc buôn bán.” Bên cạnh hoa, các bạn trẻ cũng rất sáng tạo với những món đồ "hand made" bắt mắt. Với việc tự tay làm nên những sản phẩm độc đáo mang đầy ý nghĩa, các bạn trẻ này đã thu hút sự quan tâm và tò mò của không ít người mua hàng. Anh Tuấn, 26 tuổi, quận Hoàng Mai cho biết: “ Thay vì mua hoa tặng người yêu như mọi năm, năm nay mình chọn mua tặng bạn gái một món quà tựa như bó hoa được xếp bằng những con thú bông nhỏ xinh thế này”. Theo anh Tuấn,  giá của mỗi sản phẩm thú bông này khoảng 250.000 -300.000 đồng phụ thuộc vào kiểu dáng từng loại.
Tùy từng món đồ handmade được làm từ chất liệu gì, công phu và cầu kì đến đâu mà chủ nhân của sản phẩm sẽ có một mức giá đảm bảo cho chi phí và số lãi thu được. Với những hộp quà được làm từ bài cát tông và giấy gói thì có giá 15.000 đồng/hộp (kích thước 10x10cm) và 20.000 đồng/hộp (kích thước 15x15cm). Kỳ công hơn như một bông hoa được làm theo nghệ thuật gấp giấy Origami ( gấp giấy hoa hồng Nhật Bản) thì có giá khoảng 35.000 đồng/bông. Ngân – sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế Quốc dân vừa chăm chú gấp những chiếc lá của bông hoa hồng vừa cởi mở chia sẻ: “ Để có thể gấp được một bông hoa hoàn chỉnh đủ bông, đài hoa, lá và thân thì mình mất khoảng 2 tiếng. Ban đầu học gấp cũng rất khó, dần dần quen tay thì dễ làm hơn. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi mình gấp và xem như là một thú vui. Vào đúng dịp 8/3, mình cũng muốn kiếm thêm thu nhập từ công việc này.” Với nhiều mục đích và ý tưởng khác nhau, các bạn trẻ đã thực sự tìm được cho mình những niềm vui thích, những kinh nghiệm và cả những trải nghiệm đầy thú vị không chỉ trong kinh doanh mà cả trong cuộc sống nữa.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Trần Mai