Bệnh viện quá tải: Đau đớn riêng của bà Bộ trưởng?

07/12/2011 06:41
Theo Nam Quốc/Tuanvietnam.net
Thôi thì lúc này, mỗi người dân phải tự đào tạo mình thành lương y, thành nhà giáo dục để chữa bệnh cho gia đình mình, dạy con cháu mình sống lương thiện tử tế.

Bởi thời nào cũng vậy, mọi an toàn về thân thế, tài sản có lẽ nào không liên quan gì đến lòng trong sạch và lương tâm nơi mỗi con người...

Ngày 28/11, sau khi thị sát ba bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh (gồm Bệnh viện Ung Bướu, Nhi Đồng 1 và Chấn thương Chỉnh hình), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải than rằng: "Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên, nằm dưới, nằm hành lang, một giường dồn 2-3 người, tôi cảm thấy đau đớn".

"Tự cầm dao...đâm bụng mình"?

Rất nhanh chóng, "đau đớn" ấy của bà Bộ trưởng làm cho dư luận xã hội xôn xao. Nhiều ý kiến cho rằng phải đẩy mạnh xã hội hoá y tế, xây thêm nhiều bệnh viện, đầu tư vật chất kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới...

Theo tin từ Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong danh sách 33 quốc gia có tỷ lệ giường bệnh thấp nhất trên thế giới, 1 giường bệnh/1.000 dân. Định lượng là như thế, còn định tính thì thế nào? Chẳng hạn ít giường bệnh/ số dân, nhưng ít người bệnh, ít người nằm bệnh viện, ít bệnh viện quá tải, thì đó có là điều đáng mừng không?

Hơn nữa, xã hội hoá y tế thế nào, khi mở thêm nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa... nhưng cũng vẫn quanh quẩn với các vị giáo sư, bác sĩ trong các bệnh viện công tới khám, chữa (theo lịch "chạy sô")? Niềm tin nào để dân đến với bệnh viện tư, bệnh viện tuyến dưới? Có phải do thiếu đất để xây bệnh viện, thiếu bác sĩ... hay còn thiếu điều gì khác?

Câu chuyện bỗng được mở rộng ra khi người ta so sánh giữa việc các sân golf mọc lên như nấm và tình trạng quá tải của các bệnh viện (hầu hết ở tuyến trên). So sánh này có vẻ như khập khiễng, vì xây bệnh viện thì chẳng cần đến đất ruộng như xây sân golf.

Tuy nhiên, so sánh ấy có phần chạm đến các giá trị nhân văn, công bằng trong đời sống ứng xử. Trong một bài báo, KTS Trần Huy Ánh nói: "Chúng ta không nên học đòi phát triển sân golf bởi nó không đem lại một nền tảng gì về văn hóa, xã hội cũng như về mặt tình cảm giữa con người với nhau. Trong một đất nước còn nghèo, chúng ta không có lý do gì để dành những hec ta đất màu mỡ, đang trồng lúa, đang nuôi bao nhiêu người nghèo để làm sân golf".

Quả đúng như vậy, thực tế như quốc gia Philippine đã phải trả giá vì sân golf. Có không ít người ví rằng, một đất nước từng có tham vọng sản xuất lúa gạo lớn như Philippine không hiểu sao lại "tự cầm dao đâm vào bụng mình" khi phá ruộng để xây sân golf.

Nếu gặp khủng hoảng lương thực, điều đó gần như là "tự sát tập thể". Do tầm nhìn chiến lược giới hạn, Việt Nam đang phải bán dần tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của mình đã đành. Nhưng chẳng lẽ cũng đang cố gắng bán nốt công sức của người nông dân nghìn đời (mới tạo nên nổi một lớp đất canh tác màu mỡ) để mua về một vài hình ảnh của cái gọi là "công nghiệp", "giàu có", "đẳng cấp" ư?

Bệnh viện quá tải: Đau đớn riêng của bà Bộ trưởng? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ tư từ phải qua) trong buổi thị sát hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM ngày 28-11. Ảnh: NLĐ

"Căn bệnh nan y" to đùng: Quy hoạch

Đói, bệnh, thất học, mất an toàn về thân thể là những hình ảnh chân thực nhất của nghèo đói, kém văn minh. Không cải thiện được những hình ảnh này, thì càng mọc thêm nhiều sân golf (phục vụ cho một thiểu số giàu có) càng phản cảm, càng làm giảm đi giá trị của công bằng trong xã hội.

Mới đây, khi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, bệnh viện thiếu mà sân golf nhiều, nhà trẻ thiếu mà khu công nghiệp để đất trống, rồi chuyện sân bay, cảng biển... thì đó là vấn đề ở quy hoạch.

Phát biểu của ông Tổng Bí thư đã bắt giùm cái bệnh "đau đớn" cho bà Bộ trưởng. Có nghĩa rằng, không chỉ bà Bộ trưởng Y tế (và ngành y tế) mà các ngành khác cùng đang bị bệnh, đang rất cần chữa trị kịp thời. Bởi mới từ chuyện ba người bệnh nằm chung một giường mà đã chạm đến một căn bệnh nan y to đùng đó là QUY HOẠCH.

Ngoài cái bệnh "tư duy nhiệm kỳ", bệnh "lợi ích nhóm" ra, còn có cái bệnh thiếu tầm nhìn "quy hoạch". Những bệnh này đã được nói, bàn rất nhiều và từ rất lâu, sao không thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm? Vậy thì phải tìm cho ra ai là người làm "quy hoạch"? Viện Chiến lược Phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư? Hay những ai ai có trách nhiệm chuyện này, sao không thấy lên tiếng?

Lắng nghe lời than cũng không kém phần đau đớn của bà Bộ trưởng: "Cả xã hội bức xúc về tình trạng quá tải bệnh viện nhưng cuộc sống phải cân bằng giữa cho và nhận. Có cho (ngành y tế) cái gì đâu mà đòi nhận nhiều. Không đầu tư, xây dựng bệnh viện mà dịch vụ đòi tốt thì vô lý, bất công vô cùng" (Theo Thanh Niên).

Với quan niệm về "cho" và "nhận" ấy, phải chăng bà Bộ trưởng đã bắt ra cái bệnh "lót tay", cái bệnh "y đức"?

Đúng là cuộc sống phải tự cân bằng giữa "cho" và "nhận", giữa "cung" và "cầu"... Nhưng ngành y tế dù có "nhận" ít thì cũng nên phục vụ người dân cho tốt chứ. Nếu chưa có đủ tinh thần vì nhân dân phục vụ ấy thì xây thêm bệnh viện liệu có ổn không?

Bởi ngành y tế là người "nhận", nhưng đồng thời cũng là người "cho". Thiết nghĩ, "cho" người khác một cách đàng hoàng thì sẽ "nhận" về những điều tương xứng. Nhưng người ta thông cảm với câu nói này của bà Bộ trưởng. Vì câu nói của bà không chỉ bắt đúng bệnh của ngành y tế, mà còn bắt bệnh đúng bệnh cho ngành giáo dục.

Rằng chúng ta được giáo dục thế nào để vì không được "nhận" nên đừng mong tôi "cho" (tốt)... Buồn ơi... ít tiền ơi... không lót tay ơi... chào nhé!

Ngành nào cũng lao vào ...chữa?

Thực tế, những bệnh viện tuyến trên đang quá tải. Muốn chữa bệnh quá tải là phải xây thêm bệnh viện, phải nâng tỷ lệ phần trăm bác sĩ, giường bệnh lên... Nhưng có làm nhiều đi nữa cũng chỉ là chữa bệnh cấp thời, bở hơi tai trong rượt đuổi với bệnh tật.

Ngành cứu hỏa có câu: "Phòng cháy hơn chữa cháy". Ngành Y tế cũng có câu: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"... Đều là triết lý cả! Vậy tai sao chúng ta lại đi chọn giải pháp kém là "chữa"? Đây không chỉ là lỗi "quy hoạch" mà còn là lỗi "hệ thống" (từ dùng của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An). Vì gần như ngành nào cũng phải lao đầu vào việc "chữa", "chạy chữa" cả.

Nhưng nếu có phải "chữa", thì cũng nên chữa cái gốc bệnh trước, thay vì cứ nhằm cái ngọn mà chữa. Thực tế, một đất nước mà bệnh nhân quá tải, bệnh viện liên tục phải xây thêm mà vẫn không đủ cung ứng thì đó là một đất nước bệnh tật.

Chất lượng công dân, chất lượng giống nòi thuộc dạng "có vấn đề", nếu không muốn nói là tiềm ẩn những nguy cơ "nan y". Như thế thật chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì.

Trong ba bệnh viện mà bà Bộ trưởng khảo sát, chúng ta có thể nhìn ra những bệnh quá tải sau: Các loại bệnh ung thư (Bệnh viện Ung Bướu). Các loại bệnh do tai nạn giao thông, tai nạn lao động... (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình). Các loại bệnh sơ sinh, nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hoá, truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng).

Rõ ràng các loại bệnh này không phải do Bộ Y tế đẻ ra. Vậy nó đến từ đâu? Vì sao tỷ lệ các bệnh ung thư, tim mạch, béo phì, tiểu đường, bệnh nhi.... đều gia tăng? Vì sao người dân khi lao động, khi tham gia giao thông... ngày càng mất an toàn về thân thể, tính mạng?

Cần chữa cái gốc của bệnh

Cần phải nhìn sự "quá tải" của các loại bệnh này trong tổng thể TƯƠNG QUAN. Thiết nghĩ, để chữa các căn bệnh này, cần phải quay về với giáo dục, với tầm nhìn của khoa học xã hội và nhân văn, và cả tôn giáo nữa.

Cần nghiên cứu một lối sống tích cực, thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng tự chăm chóc sức khoẻ, phát huy mạnh mẽ các giá trị nhân văn, tử tế, yêu thương trong cộng đồng. Đó mới là chữa cái gốc của bệnh.

Một đất nước không biết yêu động vật, rừng núi sông suối, đến nỗi không kể to nhỏ, con vật gì, tài nguyên gì hở ra cũng bị xẻ thịt, vậy thì làm gì có tương quan giữa con người và môi trường sống.

Bệnh viện quá tải: Đau đớn riêng của bà Bộ trưởng? ảnh 2

Cảnh quá tải thường thấy ở các bệnh viện

Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu. Vậy "ông" giáo dục đã dạy người ta thế nào để nên nỗi khi họ thành tài, có tiền, có quyền, không ít người lại làm những chuyện như vậy với chính người dân của mình, đất nước mình?

Chúng ta giáo dục ra những công dân như thế nào để "sáng tạo" thì ít, "copy" thì nhiều, để đụng vào đâu cũng thấy hoạnh họe, làm gian, làm giả, bòn rút, lọc lừa, gây ô nhiễm, thải các chất độc hại ra môi trường?

Vì đâu sự tử tế của con người chúng ta với nhau càng ngày càng vơi dần đi, khi thực phẩm ăn uống hàng ngày, đụng vào đâu cũng thấy phun, tẩm hoá chất độc hại? Người dân không mất an toàn về thân thể, tài sản sao được khi tham nhũng và tai nạn giao thông trở thành quốc nạn nhức nhối?

Vì sao xây sân golf, xây khu công nghiệp lại không thể chọn những chỗ thích hợp khác mà cứ nhắm vào đất ruộng, đất rừng màu mỡ mà "quy hoạch" một cách ít nhân văn đến thế?

Vậy bệnh viện quá tải chỉ đơn giản là do ít bệnh viện, ít giường bệnh thôi ư? Bệnh viện quá tải còn do người dân bị vô số những cái "bất lương" kia làm cho mắc bệnh ngày càng nặng nữa chứ.

Một hộ có người mắc bệnh nặng thì chất lượng sống sẽ bị kéo xuống thấp và nhanh chóng tái nghèo. Nhìn vào sự tương quan rộng lớn, làm sao bà Bộ trưởng Bộ Y tế phải khiến những ông bộ trưởng khác cũng phải hiểu cái "bệnh" ấy để họ đau chung cùng với ngành y.

Với vấn đề này, chắc chắn người dân mong, không chỉ ông Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông Vận tải... mà ông "Bộ" chống tham nhũng, lạm quyền cũng nên chia sẻ nỗi đau bệnh tật này với ngành y tế. Nếu không thì mọi sự vận hành vẫn sẽ tiếp tục "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" dài dài.

Vấn đề sức khoẻ, tính mạng liên quan trực tiếp đến lương tâm, sự tử tế, lòng tích thiện, tích phúc của con người với nhau. Nhưng thấy giữa Quốc hội, một số vị đại biểu trả lời chất vấn xong, khuôn mặt cứ như... thoát nạn. Có vẻ như cái "nhóm" của ông, không còn liên quan gì đến "nhóm" khác...

Thôi thì lúc này, mỗi người dân phải tự đào tạo mình thành lương y, thành nhà giáo dục để chữa bệnh cho gia đình mình, dạy con cháu mình sống lương thiện tử tế. Bởi thời nào cũng vậy, mọi an toàn về thân thế, tài sản có lẽ nào không liên quan gì đến lòng trong sạch và lương tâm nơi mỗi con người.

Còn như "một con ngựa đau mà cả tàu được... ăn thêm cỏ", như châm ngôn hiện đại, thì đúng là lỗi "hệ thống" thật rồi.

Theo Nam Quốc/Tuanvietnam.net