Bộ Giao thông chốt mức thu cơ bản Quỹ Bảo trì đường bộ

31/03/2012 18:11
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Chốt mức thu cơ bản Quỹ Bảo trì đường bộ, quá vội khi đề xuất thu phí hạn chế xe!... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Chốt mức thu cơ bản Quỹ Bảo trì đường bộ

Nguồn tin trên báo Đầu tư cho hay, theo lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ Giao thông - Vận tải), cơ quan chủ trì thẩm định dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, quản lý thu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ – CP về Quỹ Bảo trì đường bộ, mức thu cơ bản đối với xe ô tô được đề xuất là 180.000 đồng/tháng.

Ảnh minh họa: Tiến Dũng/ VnExpress
Ảnh minh họa: Tiến Dũng/ VnExpress

Mức cơ bản này áp dụng cho xe ô tô dưới 10 ghế (kể cả người lái), xe cứu thương, xe tang lễ, xe chở tiền, xe tải, rơ - moóc có trọng tải dưới 2 tấn hoặc tương đương là 180.000 đồng/tháng. Trên cơ sở mức thu cơ bản, Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng mức thu bậc thang cho các phương tiện cơ giới có số ghế hoặc tải trọng lớn hơn.

Cần phải nói thêm, Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đóng vai trò là cơ quan đề xuất, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan ký ban hành. Theo kế hoạch, dự thảo hai thông tư liên quan tới hoạt động thu, chi của Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ được chuyển sang Bộ Tài chính vào cuối tuần này.
Quá vội khi đề xuất thu phí hạn chế xe!

Niều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến về tòa soạn báo điện tử VnMedia lên tiếng về những bất hợp lý trong đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

Một độc giả ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, người dân đã quá khổ vì các khoản tăng giá xăng, gas,... kéo theo hàng loạt các thứ khác tăng giá theo. Trong khi lương chưa tăng và tương lai có tăng thì cũng chỉ thêm vài trăm ngàn đồng. 
“Tôi tốt nghiệp đại học hơn 10 năm mà lương chưa đến 2,5 triệu mỗi tháng. Nhà có 2 chiếc xe để 2 vợ chồng đi dạy, xin hỏi Bộ trưởng Thăng: đồng lương sống không đủ mà lại phải è cổ đóng hàng loạt phí với mục đích là hạn chế chính mình thì sẽ ra sao? Với giá xăng đắt đỏ như bây giờ, xin thưa là không ai muốn ra đường đâu, nhưng vì cuộc sống nên phải đi làm thôi, không khác được”, đọc giả này viết.

Cảnh ùn tắc giao thông thường thấy trên một số tuyến đường Hà Nội.
Cảnh ùn tắc giao thông thường thấy trên một số tuyến đường Hà Nội.

“Phí hạn chế phương tiện cá nhân: vừa vi phạm pháp luật, vừa không đạt mục đích” - bạn Nguyễn Đức Minh, Hà Nội viết.
Theo bạn Minh, hiện nay phí hạn chế phương tiện giao thông đang là đề tài nóng của người dân cả nước. Theo cá nhân tôi, Bộ Giao thông Vận tải đã quá vội vàng khi đề nghị phí lưu hành, rồi sau đó cũng lại quá vội vã khi đổi tên phí lưu hành thành phí hạn chế phương tiện cá nhân mà không có sự nghiên cứu nghiêm túc. 
Bên cạnh đó, theo phân tích của ban Minh, phí hạn chế phương tiện cá nhân không có trong danh mục quy định tại Pháp Lệnh phí và lệ phí.

Bạn đọc ký tên Nguyễn Định, Hải Phòng bày tỏ “hy vọng, Quốc hội vì dân mà đưa ra quyết định không thu phí hạn chế phương tiện cá nhân như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải”.

HĐND Hà Nội không bàn thảo về phí hạn chế phương tiện

VnExpress đăng tải thông tin, chiều 30/3, trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết, tại kỳ họp tháng 4 sắp tới, HĐND sẽ tập trung bàn về những quy hoạch lớn của thủ đô như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục... Còn phí hạn chế phương tiện sẽ không được bàn tới.

Ông Hoạt cho biết, Hà Nội xác định 2012 là năm quy hoạch, có tới 40 quy hoạch ngành, phân khu đang phải khẩn trương xây dựng. Từ khi hợp nhất, nhiều quy hoạch chưa được thực hiện do chờ đợi quy hoạch chung, gây ảnh hưởng tới các dự án đầu tư. Trong đó, HĐND sẽ bàn thảo những quy hoạch quan trọng như y tế, giáo dục, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp để làm cơ sở triển khai.

Theo Phó chủ tịch HĐND, với những vấn đề dư luận quan tâm như phí giao thông, đất đai sẽ được xem xét trong kỳ họp cuối năm. "Chúng tôi vẫn quan tâm theo dõi ý kiến của dư luận về đề xuất thu phí hạn chế ôtô của Bộ Giao thông. Đây không phải là vấn đề của riêng Hà Nội mà là của cả nước. Nếu Chính phủ có phân cấp thì chúng tôi sẽ bàn thảo", ông Hoạt nói.
Có chắc dân bỏ xe máy vì không chịu nổi phí?
Trên Infonet đưa tin, Bộ GTVT hoàn toàn có thể lấy ý kiến người dân ở một số tỉnh, thành phố cả lớn và nhỏ, để xem có bao nhiêu phần trăm dân từ bỏ xe máy đang đi nếu mỗi tháng phải nộp phí gần 40.000 đồng?

Theo dự thảo Đề án thu phí xe cá nhân do Bộ GTVT xây dựng, mỗi năm xe máy phải nộp phí 500.000 đồng. Mức này tương đương 40.000 đồng mỗi tháng một đầu xe.

Ai trong số này từ bỏ xe máy vì không có đủ 40.000 đồng nộp phí mỗi tháng?
Ai trong số này từ bỏ xe máy vì không có đủ 40.000 đồng nộp phí mỗi tháng?

Để không bị đánh giá là chủ quan, Bộ GTVT hoàn toàn có thể làm một nghiên cứu lấy ý kiến xác suất người dân ở một số tỉnh, thành phố cả lớn và nhỏ làm đại diện. Để có kết quả là có bao nhiêu phần trăm dân từ bỏ xe máy đang đi vì mỗi tháng họ phải chi thêm gần 40.000 đồng? Từ con số thực tế đó, Bộ hãy đưa vào dự thảo thu phí. Khi đó sẽ rất thực tế, vì chí ít còn có niềm tin là thu phí giúp hạn chế được phương tịên. Còn bằng không, nếu dân vẫn chấp nhận chi 40.000 đồng để đi xe máy, việc thu phí sẽ chỉ là tận thu tiền của dân.
Đánh giá tác động trước khi ban hành

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đăng tải ý kiến TS Vũ Văn Nhiêm, Phó Trưởng khoa Luật hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM “chỉ với cái tên “phí hạn chế phương tiện cá nhân” cũng khiến tôi băn khoăn. Về mục đích, phí này nhằm chống kẹt xe. Nhưng khi đã thu phí thì Nhà nước phải tính toán, tạo ra phương thức đi lại khác một cách thuận tiện để người dân lựa chọn.

Hiện giao thông công cộng chưa đáp ứng một cách thuận tiện cho người dân nên cần phải sử dụng xe cá nhân. Ảnh: HTD
Hiện giao thông công cộng chưa đáp ứng một cách thuận tiện cho người dân nên cần phải sử dụng xe cá nhân. Ảnh: HTD

Hiện ở Việt Nam việc đi lại chủ yếu là xe máy nên thu phí hạn chế thì phải tính đến giao thông công cộng đã đáp ứng một cách thuận tiện cho người dân chưa. Nếu thu phí nhưng giao thông công cộng quá kém, tức không tạo ra được phương thức cho người dân lựa chọn thì mức phí dù thấp hay cao người dân vẫn phải cố gắng nộp. Vô hình trung phí này đã trở thành một loại thuế”.

Nhiều bạn đọc của tờ báo này cho rằng không phải thấy nước ngoài thu phí thì Bộ GTVT cũng đòi thu. Lý do là phương tiện giao thông công cộng của ta còn rất kém cỏi so với họ.
Xe ôtô và đường cao tốc: Ước mơ xa vời

Thông tin đăng tải trên VEF, cuối tuần qua, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải để đề nghị xem xét lại mức phí dự kiến áp dụng đối với xe ô tô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên theo tin từ VAMA, Bộ Giao thông Vận tải đã không đồng ý với các đề nghị này và giữ nguyên quan điểm về việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí lưu thông phương tiện giờ cao điểm.

Thời gian vừa qua, không chỉ có VAMA lên tiếng, mà đã có rất nhiều ý kiến của các nhà kinh tế, nhà quản lý, DN và người dân không đồng tình với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về thu phí phương tiện giao thông cá nhân, nhưng hình như Bộ này vẫn bảo lưu đề xuất của mình mà không cần quan tâm tới những tác động của nó đến kinh tế xã hội đất nước như thế nào.
Hải Phong (Tổng hợp)