Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải việc thu phí giao thông

04/04/2012 11:11
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ trưởng Thăng lý giải về thu phí giao thông. Họp báo Bộ GTVT: Vẫn "nóng" chuyện thu phí... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông
Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải việc thu phí giao thông

Buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ GTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì diễn ra chiều qua (3/4) thu hút sự chú ý của báo chí và nhân dân.

Hàng loạt các tờ báo như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, VnExpress, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh... đều đăng tải thông tin liên quan đến buổi họp này.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng nộp phí sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn, đỡ ngửi khói xe hơn. Có thể đây như là một lời cam kết của bộ trưởng.

VnExpress trích dẫn câu nói của Bộ trưởng: "Mức phí giao thông đề xuất là hợp lý, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi tin, 600.000 người có xe ôtô sẽ tự hào vì tham gia đóng góp cho đất nước”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi họp báo chiều 3/4. Ảnh: Tuấn Phùng/ Tuổi trẻ
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi họp báo chiều 3/4. Ảnh: Tuấn Phùng/ Tuổi trẻ

Còn trên Thanh niên Online đăng tải câu trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng cho câu hỏi “Đâu là cơ sở để Bộ đưa ra mức phí hạn chế phương tiện cá nhân? Có ý kiến nói việc thay đổi mức phí đề xuất cho thấy Bộ đang lúng túng? Mức 10 triệu là thấp nhất với ô tô, nhưng vẫn là quá cao với người dân?”.

Bộ trưởng trả lời: Mức thu phí tính toán dựa trên cơ sở các đề án cụ thể, không phải thích bao nhiêu tiền thì đưa. Chúng tôi không thay đổi mà giãn các mức thu, với ô tô trước đây từ 20 - 50 triệu đồng, sau khi tham khảo và tiếp thu ý kiến của các bộ, báo chí, nhân dân đóng góp thì giãn mức thu, cao nhất là 25 triệu. Không có chuyện lúng túng. Xe máy ban đầu cũng đề xuất chỉ thu thí điểm tại 5 TP lớn và chỉ thu nội đô, không thu phí với người nghèo. Với xe máy cũng tiếp thu ý kiến và giãn mức thu dưới 100 cc là 300.000 đồng, từ 100 - 175 cc là 500.000 đồng và trên 175 cc là 1 triệu đồng.

Chủ trương Chính phủ thông qua, đề xuất cụ thể Bộ GTVT chịu trách nhiệm và cá nhân tôi chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đánh giá từ đề án Bộ GTVT trình, tôi cho mức thu là hợp lý.

Họp báo Bộ GTVT tháng 3: Vẫn "nóng" chuyện thu phí

Nhân dân điện tử đưa tin, chiều 3/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì họp báo thường kỳ tháng 3. Tuy đã trực tiếp trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, nhưng hầu hết các câu hỏi của báo chí tại cuộc họp này vẫn xoay quanh vấn đề thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí vào nội đô giờ cao điểm và Quỹ bảo trì đường bộ.

Ảnh minh họa: Tiến Dũng/ VnExpress
Ảnh minh họa: Tiến Dũng/ VnExpress

Theo Bộ trưởng GTVT, vừa qua, Bộ đã chưa thông tin, cung cấp đầy đủ, kịp thời và rõ ràng về hai loại phí trên, cho nên một số báo chí nêu thông tin chưa đầy đủ như nội dung tờ trình của Bộ tới Chính phủ.
GS Nguyễn Minh Thuyết: “Không thấy nghị quyết nào nói chuyện thu phí”

Nguồn tin trên Infonet cho hay, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định các loại phí mới không phải là sáng kiến của Bộ mà đã được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên ĐBQH khẳng định không thấy có nghị quyết nào nói đến chuyện thu phí.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói: Bộ trưởng Đinh La Thăng có nói các loại phí mới bổ sung không phải là sáng kiến của Bộ GTVT mà đã được nêu trong Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCHTW Đảng, trong Báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Quốc hội.

GS Nguyễn Minh Thuyết : "Không nghị quyết nào nói đến chuyện thu phí". Ảnh LD
GS Nguyễn Minh Thuyết : "Không nghị quyết nào nói đến chuyện thu phí". Ảnh LD

Nghiên cứu các tài liệu, tôi chỉ thấy Báo cáo số 256/BC-CP ngày 15/11/2011 do Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký trình Quốc hội có nêu các biện pháp “thu phí lưu thông phương tiện giao thông cá nhân” và “thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”. Nghị quyết số 11/2011/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 9/11/2011 không có dòng nào đề cập đến các biện pháp này.

Còn Nghị quyết 13 của Trung ương chỉ nêu nhiệm vụ “sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng.”, chứ không nói đến các loại phí lưu thông hay hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí đi vào nội đô.

Vì đề án thu phí chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chưa được dư luận đồng tình, chắc chắn nó cần được trình xin ý kiến Quốc hội, dù Bộ trưởng GTVT vừa thông báo hoãn triển khai. Tôi tin là các đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri sẽ có quyết định đúng đắn.
Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Thành Tự Anh: Chính sách chưa tới nơi tới chốn

Nguồn tin trên An ninh thủ đô cho hay, việc đề xuất thu phí liên quan đến phương tiện giao thông đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới chuyên gia. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Full Right TP.HCM cho rằng việc thu phí sẽ khó thực hiện. 

TS. Vũ Thành Tự Anh lý giải nguyên nhân của việc dù đầu tư rất nhiều nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể: “Đó là do hiệu quả về đầu tư trong giao thông rất thấp. Đơn cử như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây Nam Bộ. Dự kiến tổng vốn đầu tư ban đầu là 4.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 6.000 tỷ đồng và cuối cùng là 10.000 tỷ đồng. Đáng lẽ chỉ cần đầu tư 1 thì chúng ta đã phải đầu tư 2,5 nghĩa là tăng 150% so với dự toán ban đầu”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy là một sự chi tiêu vượt mức so với dự trù ban đầu. Và không phải chi vượt mức ở mức độ 20-30% mà là ở mức 100-200%. Chi tiêu rất nhiều nhưng chi tiêu vượt mức nên kết quả đạt được không nhiều. Ngoài ra còn có những dự án không cần thiết hoặc chưa cần thiết” - TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh. 
“Khi tham vọng đầu tư rất lớn mà nguồn lực không có thì phải tăng phí ở đâu đấy. Khi mà phải tăng phí ở đâu đấy thì phải tìm cách thu tại những chỗ có thể thu như phí trên đầu phương tiện, phí đi vào nội đô… nghĩa là tìm mọi cách để tăng” - ông Anh chỉ rõ. 
Chuyên gia này cũng cho rằng, ở thời điểm này, sự chuẩn bị về mặt chính sách là chưa tới nơi tới chốn. Khi đưa ra một chính sách phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng nếu không chính sách đó sẽ rơi vào trạng thái một là bất cập, hai  là chịu sự phản đối từ phía công luận.
Hải Phong (Tổng hợp)