Bội thực với “tiếng bấc, tiếng chì” của vợ

25/10/2011 06:51
Theo Phạm Huy (Eva.vn)
(GDVN) - Tôi quá mệt mỏi khi buổi sáng vợ kêu ca: “Sáng bảnh mắt ra rồi còn ngủ nướng”. Buổi tối lại là: “Anh đánh răng chưa mà leo lên giường sớm thế?”

Sống với nhau đã gần hai chục năm nay, tôi cũng phải cảm phục và thầm cảm ơn vì vợ đã hy sinh nhiều thứ vì gia đình, chồng con. “Trái ngoe” ở chỗ là phải nghe diết những “tiếng chì”, “tiếng bấc” của vợ nên tôi thấy bội thực lắm.

Dù còn sớm mà vợ đã lục đục dậy đi nấu bữa sáng rồi gọi vọng vào phòng: “Thế mấy bố con định ngủ đến trưa à? Có dậy mà ăn sáng hay không để tôi biết đường?”. Thế là bố con tôi lững thững ngáp dài, vợ lại la: “Ngủ cả đêm rồi còn ngáp gì nữa?”. Nói rồi cô ấy quay ra cu con trai giục: “Ơ, thế không nhanh chân đánh răng rửa mặt đi à? Sao còn cứ lừ đừ thế kia?”.

Mệt vì vợ quản lý "hầu bao" chặt chẽ (ảnh minh họa)
Mệt vì vợ quản lý "hầu bao" chặt chẽ (ảnh minh họa)

Tôi mặc vội bộ quần áo, kéo xe máy đi làm, vợ lại tru tréo theo: “Chiều nay về sớm đó anh nha, đừng có la cà quán xá lại tốn tiền”. Hôm nào cũng bị vợ “chỉnh” như thế nên tôi rất khó chịu. Đến bữa ăn tối, cả bố lẫn con đều muốn “đánh” nhanh rồi chuồn lẹ. Nhưng cũng chẳng yên vì vợ lại trợn mắt lên mắng con: “Ăn với uống gì mà như ăn cướp thế hả?”. Tôi ngó lơ, giả vờ nghía qua báo để đỡ phải nghe vợ phàn nàn tiếp thì lại bị vợ dựng dậy: “Mới ăn xong thì đọc báo cái gì? Để đau dạ dày à?”.

Thường thì mỗi buổi đi làm về, vợ ném cái túi xách xuống ghế rồi chui vào bếp ngay, miệng không khỏi cằn nhằn: “Khổ cái thân tôi, ngày nào cũng phải hầu hạ mấy cái tàu há mồm. Đã bảo bao nhiêu lần rồi mà cứ chần chừ mãi, có mỗi cái vòi nước mà anh cũng không chịu sửa đi à? Hình như em ngửi có mùi rượu, anh lại uống đấy à? Chỉ tội cái dạ dày thôi”.

Nói chung quên chưa vặn vòi nước trong nhà tắm là ca cẩm, bỏ nhầm bộ quần áo dơ vào chậu cũng la, ăn chậm cũng cằn nhằn cứ như bố con tôi đều là trẻ con hết vậy. Mỗi khi nghe vợ nói, “cửa thoát hiểm” duy nhất của tôi là phòng làm việc.

Cứ như vậy, ngày nào bố con tôi cũng phải nghe đi nghe lại “điệp khúc” cũ rích như ăn chậm, bừa bộn, rỉ rả hết chuyện nhà lại đến chuyện cơ quan: “Nếu không có em thì cái nhà này thành cái nhà trọ mất thôi. Người dọn dẹp chả thấy đâu, chỉ có người bày biện thôi, mệt xác”, “Ăn nhanh lên cho tôi còn dọn dẹp. Tính bày bừa ra đó à?”…

Tôi đã cố gắng đổi đắp cho những vất vả của vợ bằng sự quan tâm. Nhưng cô ấy cứ trừng mắt lên mỗi khi tôi vòng tay ôm: “Chắc anh lại phạm sai lầm rồi chứ gì? Bỗng nhiên sao lại ngọt lạt, dịu dàng thế?”.

Nghe vợ nói, tôi thấy mất hứng và rồi những cử chỉ âu yếm dành cho nhau cứ thiếu hụt dần. Có lúc tôi mang cảm giác gia đình chỉ giống như nghĩa vụ giữa những con người có máu mủ, quan hệ với nhau. Vợ chồng thì được gắn kết bằng tờ hôn thú. Nên buổi sáng, tôi chỉ muốn phóng xe đi làm cho nhanh. Mà thực ra trước đây tôi không thấy vợ nói nhiều, ca cẩm như vậy.

... Đến rỉ rả chuyện nhỏ nhặt trong nhà (ảnh minh họa)
... Đến rỉ rả chuyện nhỏ nhặt trong nhà (ảnh minh họa)

Thấy vợ cứ “đầu tắt mặt tối” với việc nhà, có khi tôi bảo để đấy làm sau, nghỉ ngơi nhưng cô ấy không nghe. Cô ấy cứ cố gắng giải quyết bằng hết, nên chẳng còn thời gian làm đẹp như các chị em khác. Nếu tôi có góp ý thì cô ấy lại nghĩ: “Anh chê vợ già, vợ xấu hả?”.

Mà đúng là tôi nhận ra mới ở độ tuổi 42 mà gương mặt vợ cứ chằng chéo những nếp nhăn. Thực lòng là tôi rất thương vợ, rất cảm thông cho sự vất vả của vợ. Nhưng cô ấy cứ ôm đồm công việc rồi lại than vãn. Chuyện trên cơ quan đã quá bận bịu (vợ tôi cũng là trưởng phòng hành chính một cơ quan nhà nước), về nhà lại cơm nước, giặt giũ, lau nhà và những việc không tên.

Cơ quan tôi tổ chức đi nghỉ mát muốn rủ vợ đi cùng cũng khó. Đôi khi muốn đưa vợ con đi ăn nhà hàng để đổi món, vợ cũng tròn xoe mắt ra nhìn. Dường như tôi làm gì, vợ cũng thấy không hài lòng. Cô ấy khăng khăng cho rằng: “Nói nhiều còn chẳng ăn ai nữa là không nói” hoặc “Em nói nhiều để giải tỏa bực bội thôi mà chứ có quát mắng, nạt nộ ai đâu?”.

Tôi không tự nhận mình là hoàn hảo nhưng nếu cứ phải nghe vợ chì chiết, chê bai thế này sẽ chịu đựng được bao lâu nữa?         

Theo Phạm Huy (Eva.vn)