"Các bậc cha mẹ đang ném con ra ngoài xã hội một cách vộ trách nhiệm"

03/04/2012 06:56
Cao Tuân - Hải Sơn (thực hiện)
(GDVN) - “Nếu không xác định lại vị trí của mình trong gia đình và biết nhận lỗi thì cô gái sẽ sớm rơi vào bi kịch của xã hội…” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ
Những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đang đua nhau chia sẻ những bức hình được chụp lại từ trang facebook cá nhân của một bạn gái trẻ tuổi với nội dung chửi mắng cha mẹ thậm tệ vì xin 2 triệu đồng mua điện thoại nhưng mẹ không cho.

Nhiều bạn trẻ dùng Facebook để chửi bới người thân và trút giận
Nhiều bạn trẻ dùng Facebook để chửi bới người thân và trút giận
Trước thực trạng nhiều thiếu niên, bạn trẻ dùng những trang xã hội như facebook, blog cá nhân để đưa lên những câu nói phản cảm, những hình ảnh vô cảm, những hành vi vô đạo đước khiến dư luận bất bình...Xung quanh những về vấn đề này, PV báo Giáo dục Việt Nam đã tiếp tục có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm dư luận xã hội (Viện xã hội học) để bạn đọc có những góc nhìn, những phân tích đa chiều hơn về nguyên nhân của những sự việc đó.

"Một đứa trẻ thiếu sự quản lý giáo dục"

PV: Thưa PGS.TS Trịnh Hòa Bình, câu chuyện về một cô gái trẻ có những lời lẽ mắng chửi mẹ mình trên facebook khi không xin được tiền mua điện thoại. Thậm chí cô gái còn dùng những lời lẽ chửi mẹ như con điếm, con chó...chắc hẳn là vết thương lòng đối với bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào? Với tư cách là một phụ huynh, ông có đánh giá như thế nào trong câu chuyện này?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Qua câu chuyện có thể thấy trước đấy cô gái này đã rất nhiều lần xin tiền của mẹ và đều được đáp ứng. Có thể lần này cô gái xin số tiền nhiều hơn nhưng không được thỏa mãn nên quay sang mắng chửi mẹ, hoặc xả cơn giận bằng cách lên các trang mạng xã hội để chửi bới.

Tuy nhiên, hành động của cô gái đã đi quá giới hạn tình nghĩa gia đình, tình mẹ con. Dù là trong cơn bực tức thì cũng không thể chấp nhận được hành động đó.

Dường như mối quan hệ giữa mẹ và con đã quá xa cách. Người mẹ đã quá chiều con, luôn đáp ứng những đòi hỏi của con cái kể cả mục đích mua sắm hay không phải nhu cầu bức thiết. Còn cô gái quá vị kỷ, trắng trợn và sống chủ nghĩa cá nhân, thiếu lý tưởng. Đó là sự tha hóa về nhân cách dẫn đến những hành vi cùng cực của xã hội.
PV: Có ý kiến cho rằng, giới trẻ bây giờ tiếp cận với Internet từ rất sớm, các bạn trẻ được tiếp cận với nhiều mạng xã hội như zing me, facebook, blog... Theo ông đó là điểm tích cực hay hạn chế. Đó có phải một trong những nguyên nhân khiến một số bạn trẻ trở nên tha hóa,  hư hỏng về nhân cách sống?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Sự tiện ích và lan tỏa của Internet cho thấy đó là thành tựu thông tin, xã hội hiện đại. Qua mạng xã hội, con người được gần nhau hơn. Đó là bước chuyển vĩ đại, giới trẻ hiện nay được sử dụng mạng truyền thông là tốt chứ không phải dở.
Nếu nói mạng xã hội dẫn đến sự hư hỏng của giới trẻ là chưa đúng, nó không phải là thủ phạm trực tiếp, quan trọng là nội biến bên trong. Tất nhiên mạng xã hội cũng có những điều tích cực và cái hạn chế như việc lan truyền những văn hóa phẩm đồi trụy của một nhóm người trong xã hội đưa lên với ý đồ xấu. 
Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp đó thì sự chủ động của người sử dụng vẫn là quan trọng, người tham gia phải có kỹ năng sống lành mạnh. Còn kỹ năng sống đó là cả một câu chuyện dài mà cần cả sự tác động của các mối quan hệ xã hội.


"Giới trẻ bây giờ đang bị xuống cấp về nhân cách và đáng báo động", PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ
"Giới trẻ bây giờ đang bị xuống cấp về nhân cách và đáng báo động", PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ


"Các bậc cha mẹ đang ném con cái của mình ra xã hội một cách vô trách nhiệm"


PV: Vậy theo quan điểm của ông, nguyên nhân do sự buông lỏng quản lý, thiếu giáo dục của gia đình, nhà trường hay do sự tác động của xã hội hiện đại?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cái đó phải có sự tham gia đóng vai trò của tất cả các điểm như đã đề cập ở trên. Có thể thấy hình như xu hướng về lối sống lệch lạc của giới trẻ có vấn đề. Họ sống thiếu mục đích, lý tưởng, thậm chí sống ích kỷ cá nhân đang trở thành một vấn nạn của một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Điều ấy lý giải rằng, sự giáo dục của gia đình cũng là một yếu tố cần phải bàn ở đây. Phải chăng những bậc làm cha, làm mẹ đang mải mê cho việc kiếm tiền và tạo ra được rất nhiều tiền mà không còn thời gian chăm lo cho con cái của họ.

Họ quản lý con em mình bằng việc quăng tiền ra nếu con cái nghe lời thì sẽ được đáp ứng và không biết những khoản tiền đó chi tiêu vào việc gì, có chính đáng hay không? Về phía gia đình cũng cần phải tạo ra mối quan hệ trao đổi thường xuyên, chặt chẽ với nhà trường để giáo dục nhân cách, đạo đức chuẩn mực.
Quay trở lại sự việc này, thì rất có thể, cô gái này mắng chửi mẹ trên mạng khi không được đáp ứng nhu cầu cá nhân ích kỷ của mình. 

PV: Vậy sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay thì hệ lụy kéo theo là gì, thưa ông?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Quan niệm đạo đức, hành xử xuống cấp của giới trẻ tăng đồng nghĩa với việc đe dọa bước phát triển chung của xã hội.
Rõ ràng trong sự việc này chúng ta chỉ bàn đến vấn đề, cách khắc phục vấn đề mà không nghĩ đến việc phòng ngừa. Việc này cần sự tác động mạnh mẽ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, đặc biệt sự điều chỉnh và tự điều chính, thay đổi ở bản thân giới trẻ.
Khi gia đình buông xuôi, quản lý xã hội bị xem nhẹ thì dẫn đến việc giới trẻ thiếu nhân cách, buông mình gây ra các tai tệ nạn xã hội và sự xuống cấp của nhân cách.
Các bạn trẻ cần tăng cường giao tiếp, tham gia các sinh hoạt ở các tổ chức một cách tích cực, từ đó đảm đạo về giá trị sống tốt đẹp và định hướng cho bản thân.

PV: Ông đã từng tiếp xúc và nói chuyện với những thành phần cá biệt như điển hình trên bao giờ chưa? Nếu ở trường hợp này ông có lời khuyên gì hay giúp họ cách giải quyết vấn đề?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều những thành phần cá biệt, kể cả những người đáy cùng xã hội. Ở những hoàn cảnh đó, mỗi người có một cách nhìn nhận và suy nghĩ khác nhau, hướng tích cực, kể cả tiêu cực.
Riêng trường hợp cô gái này lăng mạ mẹ mình cũng phải đặt ra vấn đề, liệu cô gái có còn khả năng phục thiện hay không. Việc này cũng nói thêm về gia đình cô ta, đó là một gia đình truyền thống, gia giáo hay chính người cha, người mẹ cũng thiếu nhân cách sống.
Cô gái phải xác định lại vị trí của mình trong gia đình, phải biết tự kìm chế bản thân. Theo tôi, cô gái này nên hối lỗi và đừng vượt ra khỏi phạm vi ra đình. Nếu không có tinh thần hướng thiện thì khó mà thay đổi được, và biết đâu cô gái ấy cũng sớm rơi vào bi kịch của cuộc đời.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Cao Tuân - Hải Sơn (thực hiện)