Cách phòng tránh để xe máy không bị cháy nổ.

06/12/2011 07:31
Tô Tùng/Tienphong
Gần đây xuất hiện khá nhiều vụ cháy xe máy, ô tô, và đặc biệt là vụ nổ xe máy gây chết người tại Bắc Ninh vừa qua. Tự phòng tránh sẽ đảm bảo an toàn cho bạn...

Ngoài những yếu tố như gài bom, đặt kíp nổ..., thì cháy, nổ trên ô tô xe máy là những tai nạn hi hữu. Nổ xe thường rất hiếm khi xảy ra, và thường do những vụ va chạm mạnh, tạo ma sát lớn bên ngoài bình xăng, gây tia lửa điện, dẫn tới nổ bình xăng.

Cách phòng tránh để xe máy không bị cháy nổ. ảnh 1

Nói là hi hữu bởi bình xăng thường được đặt ở nơi an toàn và ít khi xảy ra va chạm mạnh dẫn tới nổ xe. Những trường hợp chập điện cũng thường dẫn đến nguyên nhân cháy nhiều hơn là nổ xe.

Tuy nhiên để tránh những tai nạn hi hữu này, bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một chút kiến thức cũng như kinh nghiệm.

Để ý tới xe trước khi khởi hành

Xe chạy qua đường rơm rạ dễ bắt lửa. Rơm rạ có thể bám vào ống xả (đối với ô tô) và gầm xe máy, gây cháy khi có nhiệt độ cao. Hãy kiểm tra kĩ gầm xe và ống xả, nhặt bỏ các vật thể dễ cháy như giấy, rơm rạ khỏi gầm xe trước khi khởi hành.

Vụ nổ xe Dream gây chết người tại Bắc Ninh
Vụ nổ xe Dream gây chết người tại Bắc Ninh.

Các dây điện trên xe bị chuột cắn hoặc bị hư hỏng phần nhựa bọc cũng là nguyên nhân gây chập cháy. Hãy bảo dưỡng chiếc xe của bạn thường xuyên để kiểm tra và khắc phục những lỗi dây điện.

Không gắn thêm các thiết bị điện trên xe

Những thiết bị điện ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ gây quá tải điện hoặc ảnh hưởng đến cơ cấu của hệ thống điện. Đó cũng là nguyên nhân gây cháy nổ.

Thông thường, tất cả điện được điều khiển tập trung và kiểm soát bởi cầu chì. Nếu cháy chập, cầu chì sẽ là bộ phận đảm bảo an toàn. Nhưng nếu do lắp đặt sai nguyên tắc (do nhà sản xuất hoặc do lắp thêm các thiết bị điện, do thợ sửa chữa bảo dưỡng tay nghề kém), dẫn tới đấu tắt, thậm chí tháo bỏ cầu chì, dễ dẫn tới cháy nổ.

Cẩn thận khi sử dụng xe

Hút thuốc lá và vứt tàn thuốc bừa bãi sẽ dễ dẫn tới cháy nổ xe. Hãy để ý một chút và vứt tàn thuốc vào nơi quy định.

Không để ý tới những vệt nước lạ dưới gầm xe, cũng có thể dẫn đến cháy nổ. Một chút chảy xăng, dầu, hay ống thoát xăng thừa có thể là nguyên nhân dẫn tới bắt lửa và cháy xe.

Thường xuyên lau sạch nắp bình xăng và xung quanh để làm sạch xăng khô đọng lại, giảm tối đa nguy cơ bắt lửa tới bình xăng gây cháy.

Bảo dưỡng định kỳ

Bảo dưỡng là cách tốt nhất để kiểm soát độ an toàn của chiếc xe. Không phải ai cũng là chuyên gia xe cộ, bởi vậy việc đem xe tới “bệnh viện” đúng lịch là cách tốt nhất để đảm bảo chiếc xe an toàn.

Những hệ thống dễ gây cháy nổ như hệ thống điện, bugi, bộ chế hòa khí, bình xăng... cần được kiểm tra kĩ để tránh dò xăng, hở điện gây cháy nổ.

Rất khó chữa cháy một chiếc xe đang cháy, bởi xăng tồn tại ở bình xăng, bộ chế hòa khí và trong động cơ đã bắt lửa, việc cứu chữa cũng không đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu xảy ra cháy xe, hãy ngay lập tức rời bỏ chiếc xe. Tính mạng của bạn quan trọng hơn tài sản.

Tô Tùng/Tienphong