“Cho dù có 10 hay 20 năm nữa thì Sầm Sơn cũng vẫn chặt chém như vậy?”

21/07/2012 06:00
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) -Cái tên Sầm Sơn không biết từ khi nào đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít khách du lịch gần xa. Sau hàng loạt bài viết về thái độ phục vụ cũng như việc chặt chém khách mới đây lại càng khiến cho khu du lịch ở đây trở nên tai tiếng và thiếu thiện cảm.
Báo Giáo dục Việt Nam vừa đăng tải loạt bài phản ánh về tình hình phục vụ cũng như nạn chặt chém khách tại bãi biển này thì cũng đồng thời nhận được hàng loạt ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Như một số bài viết đã đăng tải, ở bài viết này tòa soạn cũng xin trích dẫn những chia sẻ của độc giả về khu du lịch mà cứ mỗi lần nhắc đến người ta lại lên án gay gắt và ngao ngán lòng...

“Tốt nhất tránh xa đi du lịch ở biển Sầm Sơn”

Đó là ý kiến của độc giả Linh khi theo dõi loạt bài về tình trạng chặt chém khách du lịch ở Sầm Sơn. Không chỉ có Linh mà còn nhiều độc giả khác cũng có thái độ đồng tình. Khách du lịch đã đến Sầm Sơn từ nhiều năm trước đều có thái độ rất gay gắt.

Độc giả Hoàng Anh chia sẻ: “Tốt nhất hãy tránh xa Sầm Sơn ra, mình cũng dính một lần. Chụp 1 ảnh giá 25.000đ nhưng khi tính tiền ra 125.000đ vì người chụp bảo 25.000đ/1 người mà đoàn chúng tôi có tất cả 5 người đứng chụp. Đi hát 70.000đ/ 1 giờ ra tính 700.000đ do chúng tôi đi 10 người. Nếu chính quyền ở đây không có những biện pháp mạnh tay để cải tổ thì du lịch Sầm Sơn chắc sẽ càng vắng khách”. 
Rất nhiều độc giả lên án và hướng ứng tẩy chay bãi biển Sầm Sơn. (Ảnh: internet)
Rất nhiều độc giả lên án và hướng ứng tẩy chay bãi biển Sầm Sơn. (Ảnh: internet)
Một độc giả khác cũng chia sẻ về chuyến đi nhớ đời của mình: “Cách đây 10 năm, tôi có tổ chức cho cơ quan đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, trong kỳ nghỉ đó, nhiều người trong đoàn chúng tôi đã bị mắc vào cái bẫy chặt chém như báo đã nêu.

Dù bị mất tiền oan ức nhưng phải cắn răng mà trả nếu không thì bị đe dọa, hành hung. Buổi tối ra ngồi bãi cát thì bị móc túi, nhiều người mất cả tiền và điện thoại. Từ đó đến nay chúng tôi cạch đi nghỉ mát Sầm Sơn và khuyên bạn bè, đồng nghiệp không nên đến đó để rồi tiền mất, tật mang, mua thêm cái bực vào người”. 
Tình trạng này có lẽ là tình trạng chung của hầu hết các khu du lịch hay nghỉ mát ở Việt Nam. Nhưng chắc hẳn chưa ở đâu lộng hành và tai quái như ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Độc giả ở địa chỉ email thaiduyhai@... cho biết: “Đến giờ phút này mà vẫn còn du khách đi nghỉ mát Sầm Sơn là sao?.

Tôi đã từng một lần đi những không thể chấp nhận được thái độ ứng xử, cách mời chào, ô nhiễm môi trường và các tệ nạn xã hội khác như mại dâm, cách chặt chém giá của các hộ kinh doanh làm tôi phải sợ. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ: Một chai bia Hà Nội mà phải trả đến cái giá cao cắt cổ là 25.000đ thì hỏi làm sao mà chịu được. Trong lúc đó tại các điểm hấp dẫn khác như Cửa Lò thì chỉ có từ 12.000đ đến 15.000đ…”.

“Mình cũng có một lần đi biển ở đó mà cạch đến già. Chuyện là cả già đình mình đi 3 người 1 em bé.  Hôm đó bé nhà mình khát nước nên mình mua cho 1 quả dừa. Lúc hỏi mua nó bảo 25 ngàn, mình ngồi nghỉ cho bé uống xong đến khi đứng dậy trả tiền chủ quán bảo ngay là 30 ngàn. Sau đó mình hỏi là lúc mua chị bảo là 25 ngàn cơ mà, thế là chủ quán bảo con mình ngồi nghế của họ nên tính thêm 5 ngàn.

Từ lần sau ai đi chơi ở đó phải hỏi có tính tiền nghế không? Nếu mua đồ mà ngồi tại đấy là bị trảm tiền thêm đó. Không muốn mất tiền thì phải ngồi xuống đất nhưng ngồi xa ra chủ quán không cho ngồi gần đâu” -  Câu chuyện của độc giả tên Hậu.
Độc giả Quốc Hưng thì thản nhiên: “Tình trạng chặt chém này đã có từ lâu. Cả nhà tôi đã tẩy chay Sầm Sơn từ nhiều năm nay rồi. Có ai bắt đi đến Sầm Sơn để nghe chửi và căng thẳng nơm nớp vì bị dọa nạt như vậy. Đến khi không ai đến nữa thì tự bản thân chính quyền và nhân dân sẽ rút ra bài học cho chính mình. Sự đói nghèo đeo đẳng sẽ là bài học đắt giá”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước sự việc khu du lịch nổi tiếng nay trở thành tai tiếng Sầm Sơn, bên cạnh việc lên án, kêu gọi tẩy chay bãi biển này một số độc giả cũng tỏ ra lo lắng cho một khu di lịch đẹp của đất nước rồi tương lai sẽ ra sao. Để có điều tiếng không hay như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?. 
Biển Sầm Sơn khi hoàng hôn xuống (Ảnh: Internet)
Biển Sầm Sơn khi hoàng hôn xuống (Ảnh: Internet)
Là một người dân Thanh Hóa, độc giả Hữu Bằng bùi ngùi chia sẻ: “Tôi là người Thanh hóa cũng thấy buồn và xấu hổ vì tiếng xấu Sầm Sơn. Lãnh đạo địa phương không biết cách giáo hóa nhân dân làm du lịch để xảy ra những chuyện buồn này...Và nếu như lãnh đạo địa phương nơi đây không quyết tâm và cứng rắn với những vấn nạn này thì cho dù có 10 hay 20 năm nữa thì Sầm Sơn cũng vẫn chặt chém như vậy?
Độc giả ở địa chỉ email thaiduyhai@... cũng bày tỏ quan điểm: “Quan điểm của tôi thứ nhất là cần phải xem lại công tác quản lý Nhà nước về su lịch của Sầm Sơn. Thứ hai là vai trò trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo nơi có các hoạt động đó.

Nếu để xảy ra tình trạng như thế thì cần kiểm điểm, phê bình và có biện pháp xử lý kịp thời. Thứ ba là công tác quản lý giá của Sầm Sơn quá kém. Thứ tư là ý thức, văn hóa ứng xử trong du lịch của các hộ kinh doanh. Có vẻ như những hoạt động du lịch tại Sầm Sơn không được tập huấn và không được lãnh đạo của Sầm Sơn quan tâm xác đáng”.
Nước ta có bờ biển dài là một lợi thế lớn về du lịch. Đây là những ý kiến phản hồi của độc giả, của khách du lịch trong nước. Còn nếu là người nước ngoài, họ sẽ nói gì về du lịch của Việt Nam nói chung và của Sầm Sơn nói riêng? Có thế mạnh nhưng ta lại không biết tận dụng, trân trọng và phát huy lợi thế ấy. “Du lịch phát triển được tại địa phương là phải do chính những con người tại đó làm ra, từ người đứng đầu đến người làm dịch vụ, nhưng ở Sầm Sơn, mọi người dường như chỉ tranh nhau mà sống, tranh nhau kiếm tiền lẻ, tranh nhau theo kiểu chộp giật... Xem Thái lan họ làm du lịch, mê quá đi. Học tập cái hay của người Thái, tại sao không? Vậy ai sẽ là người đem cái văn hóa du lịch đó về cho Sầm Sơn??? Chả ai cả...10 năm, 20 năm, 30 năm nữa vẫn vậy và vẫn nghèo... Buồn cho bờ biển đẹp nhưng mãi mãi xấu trong lòng người du khách – ý kiến phản hồi xác đáng của độc giả từ địa chỉ email trantrang@...
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Hương Trà (tổng hợp)