Chùa Trăm Gian bị xâm hại đến mức nào?

05/09/2012 10:24
Theo VTV
Vì sao Chùa Trăm gian bị xâm phạm và xâm phạm tới mức nào. Tình trạng hiện nay của ngôi chùa ra sao. Liệu có thể phục hồi lại những gì đã mất…? Đây là những câu hỏi mà nhiều người muốn biết vào lúc này.

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện xâm phạm Chùa Trăm Gian - ngôi chùa được khởi dựng từ đời vua Lý Cao Tông nằm trên địa bàn xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã làm nóng các trang báo trong nước. Nhiều thông tin được đưa ra, nhiều bài bình luận trên các mặt báo, nhiều cuộc phỏng vấn với các chuyên gia đã chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của xã hội với di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này. Tuy nhiên, việc có nhiều thông tin đến dồn dập cũng khiến nhiều người chưa hiểu rõ thực hư câu chuyện.

Ảnh: VNN
Ảnh: VNN

Những hình ảnh mới nhất về chùa Trăm Gian được ghi lại trong ngày 3/9 cho thấy, trong các hạng mục làm nên giá trị của ngôi chùa, có 3 hạng mục bị làm mới, đó là: bậc cấp trước sân tiền Đường, nhà Tổ và gác Khánh. Những công trình này được thi công nhưng không dựa trên thiết kế đã được phê duyệt.
Vì sao lại xảy ra sự việc đáng tiếc này? Thời gian qua, hai hạng mục nhà Tổ và gác Khánh đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ. Cuối năm 2011, các ngành chức năng của TP.Hà Nội và huyện Chương Mỹ đã có văn bản trình thành phố cho phép hạ giải ngay. Tuy nhiên, do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, thành phố chưa bố trí được nguồn kinh phí. Trong khi đang chờ kinh phí thì cách đây hơn 1 tháng, nhà chùa đã tự ý tháo dỡ, rồi thay mới toàn bộ 2 hạng mục này. Đây là việc làm vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Sư thầy Thích Đàm Khoa, Trụ trì chùa Trăm Gian, Chương Mỹ, Hà Nội cho rằng: “Nhà chùa nghĩ, nếu cứ để như thế mà không được tu sửa thì nó sập xuống, các phật tử nói nhiều lắm. Cũng vì thế nên tâm chúng tôi nghĩ là mình làm để cho người ta khỏi nghĩ rằng mình ở chùa mà không sửa sang gì. Do nhận thức của nhà chùa cũng không được biết về Luật Di sản văn hóa nên thấy đó là điều sai sót”.
Tin ngôi cổ tự bị xâm hại khiến nhiều người lo lắng, sốt ruột thậm chí là đau xót. Tuy nhiên, điều cần làm rõ lúc này là, ngôi chùa đã bị xâm hại đến mức độ nào? Nhà nghiên cứu Di sản Văn hóa Dân gian Trần Lâm Biền, người đã nghiên cứu tại chùa Trăm Gian cách đây gần 60 năm cho rằng, hiện những dấu tích cũ ở chùa không còn nhiều, giá trị chủ yếu nằm ở gác chuông (thế kỷ 17) và nền cao của tòa Thượng điện, thuộc quãng thời gian từ thời Lý đến thời Mạc. Phải khách quan nhìn nhận, kiến trúc của nhà Tổ và gác Khánh không liên quan gì đến các dấu tích ngàn năm, niên đại cũng chỉ khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà thôi, chưa nói đến kiến trúc ấy cũng không có gì đặc biệt.
“Tất cả các kiến trúc đó chỉ là kiến trúc phụ, nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến các kiến trúc chính. Nơi thờ tự chính, ngôi chùa chính thì người ta chưa động đến. Như vậy, ảnh hưởng của nó chỉ có giới hạn thôi. Nói chung là không có sự tác động tàn bạo đối với di sản này” - GS Trần Lâm Biền nói.
Một quan điểm khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đây là sự xâm hại di tích nghiêm trọng. Với các hiện vật có tuổi đời 100 năm đã có thể coi là báu vật. Chúng ta phải nhìn nhận, giá trị của ngôi chùa chính là ở các lớp phủ thời gian. Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy cho biết: “Chúng ta chưa thấy được giá trị của những di sản như thế. Rất nhiều người nghĩ rằng, đồ thay rồi, 20 năm nữa, 30 năm nữa nó sẽ trở thành cổ. Nếu nghĩ như thế thì quá thiển cận. Bởi vì, đúng là sau 20, 30 năm nữa, nó cổ thật, nhưng nếu chúng ta giữ lại được thêm 30 năm hay 50 năm nữa thì nó lại càng cổ hơn”.
Như vậy, vẫn còn những quan điểm chưa đồng nhất trong sự việc này. Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, trước khi phục hồi, Cục Di sản Văn hóa, TP.Hà Nội và Viện Bảo tồn Di tích nên phối hợp thành lập một Hội đồng chuyên môn để đánh giá một cách khách quan và trách nhiệm nhất về những mất mát của di tích, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp hợp lý và hiệu quả.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VTV