Chua chát: Phận má hồng "đứng đường" kiếm tiền về ăn Tết

28/12/2011 06:52
Việt Dũng/phunutoday
"Chẳng ai muốn làm cái việc nhục nhã này cả, nhưng… Tết năm ngoái em đã không về quê được nên năm nay bắt buộc phải về thôi...".

Đi suốt gần hai năm trời làm sao mà về tay không được, ít nhất cũng phải có quà cho mọi người. Chỉ với 2 triệu tiền lương và 2 triệu tiền thưởng thì không thể đủ. Bần cùng bất đắc dĩ lắm em mới phải… đứng ngoài này. Chỉ làm vài đêm để kiếm thêm chút ít xong rồi thôi chứ em đâu dám hành nghề mãi…?_ Đó là những tâm sự, trải lòng chua chát của những cô gái, lao động mà tôi đã từng gặp và muốn đề cập trong bài viết này.

Vật lộn đủ nghề


Năm 2011 được đánh giá là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế nước nhà. Rất nhiều công ty đã đóng cửa và vô số doanh nghiệp làm ăn thất bát hơn năm ngoái. Cũng vì thế mà mức thưởng Tết năm nay có phần thấp hơn những năm trước khá nhiều. Đặc biệt là đối với đội ngũ công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, giá cả leo thang, đồng lương ít ỏi, cộng thêm với một khoản thưởng Tết chẳng đáng là bao đã khiến không ít người phải đau đầu, phiền não mỗi khi tính đến chuyện về quê ăn Tết.

Bán hoa quả cũng là một trong những nghề làm thêm được nhiều công nhân lựa chọn khi tiền thưởng tết quá ít
Bán hoa quả là một trong những nghề làm thêm được nhiều công nhân lựa chọn khi tiền thưởng Tết quá ít

Bởi vậy, ngay từ bây giờ đã có không ít người tự tìm cho mình những giải pháp để đối phó với thời kỳ bão giá. Người bức bí không còn cách nào đành phải ngậm ngùi ở lại vì không có đủ tiền về quê. Người thì cố chắt bóp chi tiêu, dành dụm từng đồng để dành tiền về quê ăn tết. Và cũng không ít người tự tìm ra giải pháp để thoá gỡ tình hình tài chính bằng các công việc làm thêm.

“Tính ra, cả lương và thưởng Tết năm nay của tôi rơi vào gần 4 triệu đồng, cả hai vợ chồng là khoảng 8 triệu. Gia đình 4 người trong đó có 2 vợ chồng và 2 đứa con đang tuổi lớn. Năm ngoái đã không về quê ăn Tết với ông bà rồi nên năm nay có thế nào cũng phải về. Tôi tính sơ qua mọi chi phí tàu xe, quà cáp đã 8 triệu rồi, chưa tính đến chuyện sau khi từ quê lên thì cả nhà sống bằng gì? Bí quá nên đành phải chịu khó đi bán thêm hoa quả dạo sau mỗi ca làm để kiếm thêm, chứ không sau này chẳng biết sống thế nào” - Chị Quỳnh Hoa, công nhân khu công nghiệp Vĩnh Tuy chia sẻ.

Vậy là hai vợ chồng chị Hoa cứ thay phiên nhau đi bán hoa quả dạo để kiếm thêm tiền về quê ăn Tết. Đầu tư cho gánh hàng cũng chẳng nhiều, chiếc xe đạp cũ ở nhà được tận dụng tối đa. Cứ tinh mơ là chồng chị Hoa lại lục đục dậy, chạy ra chợ đầu mối hoa quả Long Biên để mua hàng, rồi sáng ra hai vợ chồng thay nhau đi bán.

Hôm nào chị Hoa làm ca sáng thì chồng chị đi bán, đến chiều chị lại chạy về thay cho chồng đi làm, cứ như vậy thay phiên nhau. Vướng phải hôm không đổi ca được, cả hai vợ chồng cùng làm ca sáng hoặc ca chiều thì đành phải ngậm ngùi tạm gác công việc làm thêm, chỉ làm nửa buổi. Công việc cơm nước, dọn dẹp trong nhà đều giao cho cô con gái lớn mới học lớp 7 gánh vác.

Có những khi cả tuần liền hai vợ chồng chị Hoa chỉ ngủ có 3 – 4 tiếng/ngày. Cả ngày hết vật lộn ở trong xưởng rồi lại lang thang khắp các nẻo đường, ngõ xóm với gánh hàng hoa quả đằng sau khiến cho anh chị không khỏi kiệt sức và nản chí.

Cứ tinh mơ là vợ chồng chị Hoa lại phải lặn lội ra chợ đầu mối Long Biên để lấy hoa quả cho kịp bán buổi sáng
Cứ tinh mơ là vợ chồng chị Hoa lại phải lặn lội ra chợ đầu mối Long Biên để lấy hoa quả cho kịp bán buổi sáng

“Bây giờ người ta họp chợ cũng nhiều, chỗ nào cũng thấy chợ, cũng thấy hàng bán hoa quả. Mấy ngày đầu mới làm, cả hai vợ chồng tôi đều thấy mệt mỏi, bán thì chẳng lãi được bao nhiêu, người đi bán cũng nhiều mà mất công mất sức. Nhưng nghĩ cho cùng, có bán sức thì cũng mới có đồng ra đồng vào, không làm thêm thì lấy đâu ra tiền về quê, tiền quà cáp, mừng tuổi cho các cháu. Mà cũng phải tính cả tiền chi tiêu khi ra giêng nữa” - chị Hoa tâm sự.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như vợ chồng chị Hoa, anh Nguyễn Văn Bình chưa phải chịu gánh nặng vợ con nhưng cũng không khỏi lo lắng khi ngày Tết đã cận kề.

“Tôi mới vào làm được có 3 tháng, lương chỉ được 1,5 triệu, nếu tính cả thưởng Tết nữa thì rơi vào khoảng 3 triệu. Đây là cái Tết đầu tiên khi tôi bắt đầu đi làm nên không thể không về và cũng không thể về tay không. Với 3 triệu ít ỏi thì biết phải xoay sở thế nào nên đành phải đi phụ xây dựng để kiếm thêm chút ít” – Anh Bình (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) chia sẻ.

Vậy là cứ sau mỗi giờ làm, anh Bình lại đăng ký đi phu hồ. Lúc thì trộn bê tông, xúc vữa ở các công trình xây dựng, khi thì xếp gạch ngói thậm chí là cả khuân vác. Làm ca sáng thì chiều xin đi làm, làm ca chiều thì làm thêm ca tối. Có khi anh xin đổi ca làm nguyên ca đêm cả tuần để tiết kiệm thêm thời gian ban ngày đi phụ xây dựng. Mỗi ngày như vậy, làm nửa ca thì được 50.000 đồng, làm nguyên ngày thì khi được 100.000, khi thì 150.000 tuỳ vào sức lực và công việc.

“Tôi đi làm được nửa tháng nay rồi, cũng tích cóp được thêm gần 1,5 triệu nữa. Cố gắng làm từ giờ đến Tết thì may ra cũng đủ mua quà cho bố mẹ, các em và có chút ít đi chơi với bạn bè. Tuy nhiên tôi cũng thấy lo vì công việc này tốn sức lắm, chẳng may bị bệnh thì tiền thuốc thang cũng quá tội.” – Anh Bình vừa vui mừng, vừa lo lắng tâm sự.

Kiếm tiền về quê, “đứng đường” cũng phải thử

Bên cạnh những người công nhân chọn cho mình công việc làm thêm chính đáng song đầy vất vả và vắt sức, thì cũng có những công nhân lựa chọn cho mình công việc “làm thêm” có phần nhàn nhã mà thu nhập lại cao hơn để mong sao có đủ tiền về quê ăn Tết.

Dạo một vòng quanh đường Phạm Văn Đồng vào lúc 22h, bỗng thấy ở đây có phần “đông đúc” hơn lúc trước. Đi chậm lại và chăm chú nhìn phía bên đường, cứ cách vài mét lại có cô chạy ra chèo kéo: “Đi không anh? Em ưu tiên cho giá rẻ”. Đi thêm một đoạn nữa thì chợt phát hiện có một vài cô gái đứng nép hẳn vào phía gốc cây, tỏ ra ngần ngại và sợ hãi. Hơi ngạc nhiên nên PV dừng lại hỏi: Có đi không em? Cô gái đắn đo giây lát rồi gật đầu. “Giá bao nhiêu?” “Dạ… em… không biết… à… 200 ạ… là chỉ một lúc ấy ạ”. Tôi suýt bật cười trước sự thành thật của cô gái. Tôi đồng ý và bảo cô gái trẻ lên xe.

Cô gái có ngoại hình cao ráo, khuôn mặt khá xinh xắn và thái độ rất e dè, không hề giống  với những cô gái hành nghề bán dâm mà tôi từng nghe đến. Chạy xe máy vòng quanh những con đường khu vực Cầu Giấy, tôi bắt đầu lân la hỏi chuyện và cô gái cũng bắt đầu mở lòng.

Cô tên là Trinh, quê ở Thanh Hoá, đã ra Hà Nội làm công nhân được 2 năm rồi. Theo như Trinh nói thì đây là lần đầu tiên cô “đi khách” nên vô cùng sợ hãi.

“Chẳng ai muốn làm cái việc nhục nhã này cả, nhưng… Tết năm ngoái em đã không về quê được nên năm nay bắt buộc phải về thôi. Đi suốt gần hai năm trời làm sao mà về tay không được, ít nhất cũng phải có quà cho mọi người. Chỉ với 2 triệu tiền lương và 2 triệu tiền thưởng thì không thể đủ. Bần cùng bất đắc dĩ lắm em mới phải… đứng ngoài này. Chỉ làm vài đêm để kiếm thêm chút ít xong rồi thôi chứ em đâu dám hành nghề mãi…”

Tôi hỏi Trinh sao không lựa chọn công việc nào trong sạch hơn mà phải làm nghề này, Trinh tâm sự: “Trước đây em cũng thử vài nghề rồi. Em đã theo chị ở cùng phòng đi bán rau ngoài chợ, rồi đi bưng bê ở quán sau giờ làm. Nhưng chỉ 1 tuần là em phải nghỉ, vì sức khoẻ của em yếu quá, không chịu nổi. Sau một tuần đi làm thêm đó em ốm suốt cả tháng trời. Bây giờ muốn kiếm đồng tiền trong sạch khó lắm anh à, vất vả lắm. Giá như có sức khoẻ thì em cũng cố đấy, nhưng… cần tiền quá nên đành phải thử thôi.”

Không phải hứng bụi ngoài đường như Trinh, cô công nhân có dáng người nhỏ nhắn Vi Thị Hoa (19 tuổi, Hữu Lũng – Lạng Sơn) mà tôi tình cờ quen trong một lần vào phòng chat cộng đồng trên mạng Yahoo có lợi thế am hiểu việc chat chít. Do vậy, thay vì phải đứng đường thì cô lên mạng tiếp thị mình, như cô nói thì đây là việc tìm người “cứu nét”.

Với cái nick chát Gaingheo…, Hoa không giấu giếm việc mình là công nhân một nhà máy ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nghe tôi hỏi vì sao lại làm thế, Hoa đáp gọn lỏn “em kiếm tiền mang về cho bố mẹ dịp Tết”.

Hoa
Hoa gửi wc cho tôi qua chat

Tôi là người khách thứ 2 trong tuần mà cô đồng ý gặp, đây cũng chính là lần thứ 2 cô chấp nhận đi với người đàn ông xa lạ. Cô gái 19 tuổi ngây thơ tới mức dẫn khách về phòng trọ tồi tàn của mình để…đỡ tốn tiền nhà nghỉ và an toàn. Phòng cô có một người bạn tên Ngân, người Thái Bình hơn cô 10 tuổi. Ngân và Hoa cùng chọn nghề này để kiếm tiền tiêu Tết, nhưng khác với Hoa, cô không biết tận dụng ưu thế về mạng nên phải ra đường chờ khách.

Trong căn phòng trọ tồi tài với chiếc phản, đống chăn màn chưa kịp gấp và ngột vài mùi ẩm thấp, Hoa kể chuyện như để tìm kiếm sự cảm thông từ tôi. Hoa bảo: “Nhà em ở huyện miền núi, mà cũng không ở gần thị trấn. Muốn vào nhà phải đi bộ tầm 5km từ đường lớn, xe máy không đi được. Học hết cấp 3, không chịu nổi cảnh khổ nên em quyết bỏ nhà xuống Hà Nội làm công nhân. Khổ nỗi, lương công nhân thấp, 1.800.000 đồng thì sống sao nổi, khéo chi tiêu thì vừa đủ. Tết đến, nghĩ cảnh về nhà phải có quà cáp, phải có tiền thì mới được cho đi làm tiếp nên em mới dấn thân vào con đường này”.

Theo Hoa, lên mạng kiếm khách vừa nhàn lại vừa an toàn. Có khách rồi thì dẫn về phòng, không sợ khách lừa hay quỵt vì chỉ cần hô một tiếng là cả xóm trọ đổ ra, chưa cần biết đúng sai thế nào, khách cứ ăn đòn rồi chạy một mạch, còn em lúc đó bịa ra lý do gì chả được. Tôi hỏi, kể thế không sợ tôi biết mà không đi nữa à? Hoa bảo: “anh biết cũng chả sao, anh sợ sẽ không dám quỵt em, mà anh không đi thì em tìm người khác”.

Hoa kể thêm, mỗi lần đi khách được 200.000, đến giờ tôi là người thứ 2 nên chưa biết đến khi nghỉ Tết sẽ kiếm được bao nhiêu. Nếu nhiều thì tốt, như thế cô lại có cái Tết rủng rỉnh, mua được cho bố mẹ cái áo, cái quần. Mua cho lũ em đang di học tập vở, một số áo quần đi chơi Tết. Còn hẩm hiu không có khách, thì chắc cũng kiếm được vài trăm nghìn đưa bố mẹ tiêu Tết, rồi sau đó lại có thể xuống Hà Nội làm công nhân tiếp.

“Anh cứ yên tâm là sau Tết cái nick của em sẽ không tồn tại nữa, em bí quá mới làm liều, chỉ cần kiếm tiền dịp này thôi còn sau đó sẽ trở lại là cô gái ngoan hiền. Em cũng sẽ đổi chỗ trọ và số điện thoại, anh có muốn gặp em cũng khó hơn lên trời. Sau Tết, em sẽ không làm nghề này nữa đâu” – Hoa khẳng định.

Việt Dũng/phunutoday