Chuyện tàu xe ngày lễ

26/04/2013 20:03
Trần Mai
(GDVN) - Chuyện tàu xe dịp nghỉ lễ luôn là vấn đề nóng hiện nay. Đã thành thông lệ, những ngày này, tình trạng các bến xe chật cứng người, cháy vé xe khách hay bỏ bến của những tuyến bus nội đô không còn xa lạ với bất kì 1 ai. Lựa chọn phương tiện đi lại thuận tiện và an toàn khiến không ít người đau đầu.

Tàu hỏa – lựa chọn của khá nhiều người

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay kéo dài đến 5 ngày (từ 27/4/2013 đến hết 1/5/2013) . Vì thế áp lực lưu thông và vấn đề đi lại không còn là chuyện nhỏ. Học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tập trung ở các đô thị lớn đổ dồn về các nhà ga, bến tàu để về quê thăm gia đình hay đi tham quan du lịch.

Cung không đủ cầu là 1 thực trạng diễn ra phổ biến trong những dịp như thế này. Ai cũng mong bắt được xe về quê, nhưng không phải ai cũng may mắn theo đúng lịch trình và thời gian.

Chưa đến giờ tàu chạy nhưng ba cửa bán vé tàu đi Hà Nội - Hải Phòng đã chật cứng
Chưa đến giờ tàu chạy nhưng ba cửa bán vé tàu đi Hà Nội - Hải Phòng đã chật cứng

Bên cạnh các phương tiện đi lại có thể chủ động về thời gian như xe máy, xe bus, xe khách thì tàu hỏa là chọn lựa của không ít người. Với ưu điểm nhanh, thoáng và không say, đây được xem là giải pháp đi lại khá an toàn. Tuy nhiên, không nằm ngoài quy luật chung về chuyện tàu xe ngày lễ, đi tàu cũng đâu phải chuyện dễ dàng.

Cháy vé tàu…

Cảnh từng dòng người xếp hàng dài chờ mua vé tại ga Long Biên chiều 26/4 là điều không khó lí giải. Cũng như rất nhiều dịp nghỉ lễ, tình trạng quá tải lượng người mua vé về Hải Phòng, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên diễn ra ngay từ đầu giờ chiều. Ba cửa bán vé chật cứng người, cảnh đợi chờ này khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.

Phần đông là các bạn sinh viên
Phần đông là các bạn sinh viên

Bạn Cao Thùy Liên – sinh viên Cao đẳng Du lich Hà Nội tỏ ra sốt ruột khi chưa mua được vé: “ Mình bắt xe bus từ Cổ Nhuế ra đến ga mới hơn 1 rưỡi mà vẫn chưa mua được vé vì quá đông. Sợ không còn vé, đi xe khách về thì mệt lắm”. Nhìn phía trước còn đến gần chục người, Liên lắc đầu thở dài. Ở hàng ghế chờ, bác Thủy – quê Cẩm Giàng, Hải Dương cũng thấp thỏm không yên. Bác tâm sự: “ Bác không chen được vào trong nên nhờ 1 cháu sinh viên mua giúp, ngồi đợi mà cũng sốt ruột chỉ lo chưa đến lượt thì hết vé”.

Chuyến tàu Hà Nội đi Hải Phòng chạy lúc 15h20 thì chưa đến 15h, vé ngồi cứng cũng như ghế phụ đã hết. Nhiều người ngán ngẩm tìm phương tiện khác về quê, số khác chấp nhận đợi chuyến tàu muộn. Đợi cũng dở mà không đợi cũng mệt. Chị Hương (Lương Tài – Bắc Ninh) chia sẻ: “Mình đành ra bến Long Biên bắt xe bus về chứ đợi chuyến tàu sau( 18h10) thì muộn quá. Nhà mình gần ga Cẩm Giàng nên đi tàu tiện lắm. Giờ mà đi xe bus thì say xe nhưng cũng phải cố đi thôi”. Dù muốn dù không, bất kì ai chọn giải pháp nào cũng đành chấp nhận những bất tiện gặp phải.

Hết vé…đành trốn vé!

Trước giờ tàu chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, cửa kiểm soát vé nhốn nháo người. Hai nhân viên soát vé tỏ ra khá nghiêm ngặt việc kiểm tra vé của hành khách trước khi vào sân ga. Nhưng “vải thưa vẫn che được mắt Thánh”, ở không xa cửa soát vé, hành khách đã qua cửa tìm mọi cách đưa vé vào trong cho người quen của mình. Phạm Tuấn Anh( sinh viên năm 4- Khoa Luật, ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho hay: “Mình mua vé cách đây 2 hôm trước. Vừa rồi gặp đứa bạn cấp 3 ở ga, nó không mua được vé nên 2 đứa nghĩ cách trốn vé. Mình cũng trốn vé nhiều lần rồi và thấy cũng nhiều người làm vậy lắm”.

Mệt mỏi đợi tới giờ tàu chạy
Mệt mỏi đợi tới giờ tàu chạy

Cũng theo Tuấn Anh, lên tàu mình vẫn có thể mua vé, mặc dù quy định là phạt gấp đôi nhưng giá vé mua bổ sung vẫn giữ như giá vé gốc. Cách này được các bạn sinh viên áp dụng khá phổ biến và không ít người lớn tuổi cũng đã chọn cách này. Bác Dương (52 tuổi, quê Hải Phòng) ra Hà Nội bế cháu cho vợ chồng con trai cả ở Thanh Xuân cho biết: “Bác cũng không mua được vé về, không biết làm thế nào thì mấy cháu sinh viên ngồi cùng ghế chờ bảo bác cứ yên tâm, đợi lát nữa bọn cháu qua cửa soát vé thì sẽ đưa vé vào trong cho bác. Cũng lo lắm nhưng thấy mấy đứa có vẻ khá chắc chắn nên bác cũng thử xem sao”.

Chuyện tưởng như thú vị ấy lại là một hiện trạng khá phổ biến trong các chuyến tàu, đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ. Vấn đề an toàn giao thông đường sắt không chỉ là chuyện tai nạn do va chạm với những phương tiện lưu thông khác mà nguy cơ tiềm ẩn còn nằm ở chính ý thức của mỗi người. Nếu lượng hành khách vượt quá quy định và trọng tải thì đây chính là một mối lo ngại về an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến tàu.

Thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc tích cực của các ban ngành liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách trên mỗi chuyến đi.

Trần Mai