"Con chim đầu đàn ngành xây dựng Vinaconex đang bị bỏ lại phía sau"

15/08/2012 14:00
Độc giả Nguyễn Hữu Hưng
(GDVN) - "Từng được mệnh danh là con chim đầu đàn của ngành xây dựng, luôn tiên phong, nhạy bén với thị trường, đúng hẹn và khẳng định chất lượng nhưng giờ đây những khoản nợ ngân hàng đang đè nặng lên Vinaconex làm người ta mường tượng, dường như 'con chim' đó đang bị bỏ lại và bay phía cuối đàn...", độc giả Nguyễn Hữu Hưng bày tỏ.
Ngay sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải thông tin theo báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2012, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) đang vay và nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 400 tỷ, còn nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 712 tỷ đồng, đồng thời số lỗ cũng lên tới 757 tỷ đồng, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Hữu Hưng. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng ý kiến của độc giả Nguyễn Hữu Hưng bày tỏ xung quanh vấn đề này, mời bạn đọc cùng theo dõi:

Thực sự sau khi đọc được những thông tin về báo cáo tài chính với khoản lỗ lên tới hơn 700 tỷ đồng cùng khoản nợ các ngân hàng lên tới hơn ngàn tỷ của Vinaconex, tôi cảm thấy rất thất vọng và sửng sốt.

Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, từ lâu trong "làng xây dựng" Việt Nam, cùng với nhiều cái tên khác, Vinaconex luôn được coi như một cánh chim đầu đàn.

Với tôn chỉ “Xây những giá trị, dựng những ước mơ” và mục tiêu là “Không ngừng mở rộng, không ngừng vươn xa”, Vinaconex luôn tiên phong và nhạy bén với thị trường.

Đơn vị: Tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.

Dù là đơn vị hoạt động đa doanh trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, xây lắp, tư vấn đầu tư - thiết kế - khảo sát quy hoạch, kinh doanh xuât nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ ngành xây dựng và các ngành kinh tế khác... nhưng Vinaconex luôn đúng hẹn và khẳng định thương hiệu, chất lượng.

Nhiều công trình lớn đã ghi dấu tên tuổi của Vinaconex  nhưng hiên nay, những hình ảnh đó lại thay bằng hàng loạt khoản nợ ngân hàng đè nặng nên đơn vị này.

Theo báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) mà tôi theo dõi được thì, đơn vị đang vay và nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 400 tỷ, còn nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 712 tỷ đồng.

Với khoản nợ dài hạn tới hạn trả, Vinaconex đang vay ngân hàng nước ngoài hơn một nửa (khoảng 467,4 tỷ đồng), còn vay ngân hàng và quỹ trong nước gần 246 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo báo cáo quý II, mặc dù VCG báo lãi gần 127,5 tỷ, tuy nhiên 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này vẫn âm tới 757 tỷ đồng.

Hàng loạt dự án "hút" vốn, chậm tiến độ

Những con số trong bản báo cáo được đưa ra đã làm cho tôi và chắc chắn nhiều người khác cảm thấy sửng sốt. Nhưng quả thực, tôi vẫn thấy nó có lý. Tại sao ư?

Nếu chúng ta nhìn vào thực tế hoạt động hiện nay của Vinaconex sẽ thấy, rất nhiều công trình, dự án của Tổng công ty này đang có vấn đề như chậm tiến độ cũng như gây lỗ.

Đơn vị: Tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.

Trọng điểm dẫn đến khó khăn của Vinaconex ở đây phải nói đến là dự án Xi măng Cẩm Phả. Theo báo cáo tình hình quản trị kinh doanh của Vinaconex, 6 tháng, HĐQT công ty đã họp tới 9 cuộc và ra 26 quyết định. Trong đó, có rất nhiều quyết định liên quan tới Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả như tăng vốn điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo lãnh vốn vay cả năm...

Trước đó như một số báo đã thông tin, báo cáo tài chính vào quí I/ 2012 của VCG cho thấy công ty mẹ VCG lỗ 876 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh cũng vì xi măng Cẩm Phả.

Bên cạnh đó hàng loạt các dự án bất động sản khác mà Vinaconex làm chủ đầu tư hoặc góp vốn, liên doanh cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ.

Có thể nói đến như dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng thuộc phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Vinaconex làm chủ đầu tư. sau lễ khởi công hoành tráng hồi đầu năm 2011thì đến nay vẫn không có một bóng công nhân cũng như máy móc thi công. Thay vào đó là cảnh hoang tàn, cỏ mọc um tùm...

Hay khu đô thị Splendora được do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh - liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư đến nay đã được khởi công giai đoạn 2. Mặc dù vậy, nhiều khu vực của "siêu dự án" rộng hơn 260 ha này cũng đang trong tình trạng bỏ hoang.

Dự án chung cư cao cấp Diamond Tower nằm ở Nam An Khánh được chuyển giao lại cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC làm chủ đầu tư cũng; dự án Park City trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội) do liên doanh giữa CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành... cũng cùng chung cảnh ngộ...

Còn nhiều các dự án bất động sản khác của Vinaconex ũng đang trong tình trạng chậm tiến độ, quây kín  nữa nhưng do dung lượng bài viết mà tôi không tiện kể tên ra ở đây.

Với cá nhân tôi, như những gì đã nói ở trên, tôi thực sự sửng sốt trước những thông tin về các con số này. Quả thực, những số liệu được công bố về khoản lỗ lên tới hơn 700 tỷ đồng và số vốn đang nợ tại các ngân hàng lên tới cả ngàn tỷ đồng  đã làm cho những người dân như tôi mường tượng thấy một hình ảnh ở đây, dường như con chim đầu đàn trong ngành xây dựng Việt Nam là Vinaconex lại đang bị bỏ lại ở phía cuối đàn...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Độc giả Nguyễn Hữu Hưng