Công an được 'nổ súng': Lợi bất cập hại

14/03/2013 13:43
TS Đỗ Chí Nghĩa (Vietnamnet)
Chống người thi hành công vụ là một hành vi nguy hiểm. Thế nhưng để vô hiệu hoá hành vi ấy thì có nhiều cách mà nổ súng chỉ là cách cuối cùng.

Trước hết, phải xem xét tính chất và hành vi chống đối. Cãi chửi, xúc phạm, miệt thị, không tuân thủ lệnh của người thực thi công vụ hợp pháp là mức độ nhẹ nhất và cũng thường gặp nhất. Tiếp đó hành động vũ lực bằng chân tay tự phát kiểu tát, đấm đá, giật cầu vai, bảng hiệu. Cuối cùng mới là hành vi dùng hung khí tấn công quyết liệt, dùng súng hoặc các công cụ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thực thi công vụ, chẳng hạn các vụ lái xe vi phạm đâm thẳng vào cảnh sát giao thông...

Trong ba trường nêu trên, chỉ trường hợp thứ ba mới cần cân nhắc đến việc sử dụng súng để ngăn chặn. Cân nhắc vì có những trường hợp cách hành xử của người thi hành công vụ đã đẩy đối tượng đến đường cùng tuyệt vọng, hoặc chống đối theo quán tính.

Chẳng hạn, lẽ ra có thể nhảy sang một bên để tránh lái xe manh động thì cảnh sát lại chọn giải pháp chặn ngang đầu xe đang chạy tốc độ cao, hoặc nhảy lên nắp capo. Chưa kể, nếu nổ súng giữa đường, chỗ đông người tụ tập, có thể làm chết người dân vô tội.

Hình ảnh chống người thi hành công vụ giữa thủ đô.
Hình ảnh chống người thi hành công vụ giữa thủ đô.

Ngay trường hợp lái xe cố tình đâm vào cảnh sát, nếu được nổ súng bắn thẳng ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ thì sinh mạng cả chục hành khách trên xe sẽ ra sao? Nếu lái xe trúng đạn, xe mất lái khi chạy nhanh, hậu quả sẽ thế nào?

Người thực thi pháp luật trước hết sẽ làm theo luật, liệu trong lúc gấp gáp, căng thẳng có đủ thời gian cân nhắc làm thế nào cho thật nhân văn?

Còn nhớ, cách đây mấy năm, hai sĩ quan không quân đã gặp nạn vì máy bay có sự cố trong khi tập. Điều đáng nói, các anh đã chủ động chọn sự hy sinh khi không nhảy dù mà cố lái máy bay ra xa khu dân cư. Nếu tai nạn ấy gây thiệt hại sinh mạng người dân thì cũng không thể quy trách nhiệm vì nó là chuyện không may. Nhưng cách hành xử của các anh cho thấy tấm lòng vì dân của anh bộ đội Cụ Hồ không suy suyển.

Người dân cũng tin và hy vọng lực lượng cảnh sát nhân dân khi được tăng thêm quyền và công cụ mạnh cũng chỉ vì dân, sẽ cân nhắc thấu đáo, đầy tình người và nhân văn khi quyết đinh nổ súng hay không. Thế nhưng, những vụ lạm quyền, lạm dụng súng và các công cụ hỗ trợ khác khi thi hành công vụ làm chết người gia tăng cũng đang khiến người dân lo ngại.

Đứng trước sinh mạng con người, quy định chung chung hay trông chờ vào hành xử và nhận thức cụ thể của cá nhân thi hành công vụ không phải là cách thích hợp trong một nhà nước pháp quyền.

Chưa kể khi cảnh sát được tăng quyền dùng súng thì tội phạm cũng sẽ manh động hơn để đối phó. Sự lo ngại của dư luận về quy định cho phép bắn thẳng vào đối tượng chống người thi hành công vụ mà thiếu những quy định thật chi tiết, sát thực, cụ thể và thuyết phục đi kèm sẽ thành tiếng kêu cứu nếu những quy định này làm phát sinh những cái chết đau lòng.

Họng súng thì vô tình, luật pháp phải rào kín kẽ hở để viên đạn không thể chạm vào lằn ranh quyền sống chính đáng của con người, không để sự lạm quyền đâu đó làm nhạt nhoà những tấm gương vì dân, vì nước như hai phi công quả cảm đã chọn cái chết để bảo vệ sinh mạng nhân dân.

TS Đỗ Chí Nghĩa (Vietnamnet)