Cựu Chủ tịch huyện bị kiểm điểm vì điều chuyển cô giáo sắp đến ngày sinh nở

09/02/2017 08:44
Trần Việt
(GDVN) - Ông Trần Quang Tấn, hiện là Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang đã bị yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc ban hành quyết định trái quy định của Bộ Luật Lao động.

Sắp đến ngày sinh nở, vẫn bị Chủ tịch huyện ký quyết định điều động, luân chuyển công tác 

Mặc dù đang trong quá trình mang thai đôi và sắp đến ngày sinh nở nhưng cô Trần Thị Thấm, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Nhuận vẫn bị ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (thời kỳ năm 2014) ký quyết định luân chuyển, điều động công tác.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý viên chức ngành giáo dục, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã giao cho Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý và sử dụng viên chức sự nghiệp giáo dục.

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (thời kỳ năm 2014), đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công thương thời hạn 05 năm từ ngày 01/01/2016. Ảnh (Cổng thông tin điện tử Bắc Giang)
Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (thời kỳ năm 2014), đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công thương thời hạn 05 năm từ ngày 01/01/2016. Ảnh (Cổng thông tin điện tử Bắc Giang)

Việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, giáo viên: Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành Hướng dẫn số 257/UBND-GD&ĐT ngày 28/04/2014 hướng dẫn luân chuyển , chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, viên chức ngành giáo dục năm 2014.

Ngày 28/07/2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Ngạn có Tờ trình số 25/TTr-GD&ĐT đề nghị điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 30 trường hợp, trong đó có bà Trần Thị Thấm (có thời gian công tác tại Trường mầm non Phú Nhuận 4 năm, kể từ ngày 16/08/2010 theo Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 06/08/2010 của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn).

Căn cứ đề xuất của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ huyện Lục Ngạn đã thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ban hành Quyết định số 4745/QĐ-UBND điều động bà Trần Thị Thấm, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Nhuận sang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Quang từ ngày 16/8/2014.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngày 12/8/2014, bà Thấm đã có đơn xin nghỉ thai sản (đơn đề ngày 10/8/2014) gửi Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Nhuận.

Do chưa có thông tin về việc bà Thấm xin nghỉ chế độ thai sản nên ngày 13/08/2014, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn có Quyết định số 4745/QĐ- UBND điều động bà Trần Thị Thấm.

Sau khi có quyết định điều động, bà Thấm có đơn đề nghị xem xét việc điều động bà từ Trường mầm non Phú Nhuận về Trường mầm non Tân Quang, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã giao cho Trưởng phòng Nội vụ đối thoại trực tiếp với bà Thấm.

Qua đối thoại, bà Thấm có nguyện vọng ở lại trường cũ công tác. Xét điều kiện hoàn cảnh của bà Thấm có nhiều khó khăn, hai vợ chồng đều đi công tác (chồng cũng là giáo viên thuộc huyện), bà Thấm lại sinh đôi.

Sau khi nhận được ý kiến của bà Thấm, ngày 18/12/2014 (tức là sau 04 tháng), Phòng Nội vụ huyện mới đề xuất Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ban hành Quyết định số 7030/QĐ-UBND  về việc dừng thi hành quyết định điều động cán bộ, viên chức đối với bà Thấm.

Tuy nhiên, với việc ban hành quyết định điều động, luân chuyển công tác đối với người đang trong thời kỳ mang thai, sắp sinh nở của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe cho người lao động và đó có thể cũng được coi là hành động thiếu nhân văn.

Ký quyết định trái quy định, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chỉ bị yêu cầu rút kinh nghiệm

Sau khi quyết định luân chuyển, điều động cán bộ được ban hành, bà Trần Thị Thấm đã gửi đơn tố cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ký quyết định trái quy định của Bộ luật Lao động về quy định riêng đối với lao động nữ.

Ngày 30/12/2016 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kết luận nội dung tố cáo đối với Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn số 4228/KL-UBND do ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký.

Tại kết luận số 4228/KL-UBND chỉ rõ: Ngày 05/05/2016, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định số 666/QĐ-UBND về việc thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ xác minh nội dung công dân tố cáo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (thời điểm 2014) ký quyết định điều động đối với bà Trần Thị Thấm trái quy định của Bộ luật Lao động về quy định riêng đối với lao động nữ.

Kết luận nội dung tố cáo đối với Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (thời điểm năm 2014) do ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký đã yêu cầu ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương nghiêm túc rút kinh nghiêm trong việc ban hành quyết định điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức trong huyện. Ảnh Trần Việt.
Kết luận nội dung tố cáo đối với Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (thời điểm năm 2014) do ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký đã yêu cầu ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương nghiêm túc rút kinh nghiêm trong việc ban hành quyết định điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức trong huyện. Ảnh Trần Việt.

Trong quá trình tổng hợp hồ sơ, xét duyệt danh sách luân chuyển, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không tổ chức gặp gỡ, trao đổi với từng người trong danh sách điều động, luân chuyển mà chỉ trao đổi với các hiệu trưởng trên hội nghị nên có thiếu sót với trường hợp bà Thấm đang mang thai sắp sinh con.

Mặt khác, quá trình rà soát thẩm định của phòng chuyên môn do chưa hiểu và nắm rõ các quy định của Bộ luật Lao động đối với lao động là nữ nên có sai sót trong việc tham mưu dẫn đến việc ban hành quyết định điều động đối với bà Thấm trái quy định tại khoản 2, Điều 154 và khoản 1, Điều 155, Bộ luật Lao động.

Tại buổi làm việc, ngày 10/06/2016 với lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn và bà Trần Thị Thấm, bà Thấm đã tự nguyện xin rút đơn tố cáo và xác nhận đã gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh;

Sai phạm của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn trong việc điều động đối với bà Thấm cũng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, quyết định điều động cũng chưa thực hiện, đồng thời Chủ tịch huyện Lục Ngạn đã ban hành quyết định dừng thi hành quyết định điều động với bà Thấm nên:

Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc ban hành quyết định điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong huyện.

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Nội vụ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cá nhân có sai phạm nêu trên báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và Sở Nội vụ theo quy định.

Như vậy, với việc ký quyết định điều động, luân chuyển công tác cán bộ với người lao động đang trong thời kỳ thai sản trái với quy định của Bộ luật Lao động thì đáng lẽ ra ông Trần Quang Tấn nên phải chịu hình thức kỉ luật nặng hơn nhưng không hiểu sao vì lý do gì mà UBND tỉnh Bắc Giang chỉ yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Qua tìm hiểu được biết, ngày 25/12/2015, Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định điều động ông Trần Quang Tấn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn về giữ cương vị Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang thời hạn 5 năm từ ngày 01/01/2016.

Tại khoản 2, Điều 154 và khoản 1, Điều 155, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rõ: 

1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.

2. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

3. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.

4. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trần Việt