Đề án thu phí giao thông có "vượt qua" cửa ải Quốc hội, MTTQ?

30/03/2012 06:00
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Đề xuất thu phí khó thuyết phục ĐBQH, thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Đề xuất thu phí giao thông khó thuyết phục đại biểu Quốc hội
Nguồn tin trên báo Tiền phong cho hay, tại phiên họp vừa diễn ra của UBTV Quốc hội, việc nhiều ĐBQH đề nghị phải trình “Đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” cùng một loạt các đề xuất thu phí khác của Bộ GTVT ra kỳ họp Quốc hội lần này đang được công luận hết sức đồng tình.

Sau gần 3 tháng Bộ GTVT đề xuất “phí giao thông đường bộ”, từ khóa này có tới 5,3 triệu kết quả trên công cụ tìm kiếm Google. Độ nóng của vấn đề đã lan tới Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

MTTQ Việt Nam cũng đang đề nghị Bộ này gửi đề án sang để phản biện. Như vậy có thể hiểu, đề xuất thu phí của tân Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ không dễ bề thực hiện, nếu không thuyết phục được 500 đại biểu đại diện cho quyền lợi của trên 80 triệu người dân.

Xem ra lần “vượt vũ môn” này khó gấp bội “bài thi” trong phiên chất vấn nghị trường lần trước của tân Bộ trưởng Thăng.
Phi lý tiền phí

Báo điện tử Kinh tế và đô thị đưa tin, với đề xuất thu phí lưu hành giao thông đường bộ của Bộ GTVT, sắp tới, Việt Nam có thể nằm trong danh sách những nước có chi phí "nuôi" ô tô tốn kém nhất thế giới.
Nếu người sử dụng ô tô Việt Nam phải đóng thêm phí lưu hành giao thông đường bộ của Bộ GTVT thì trung bình mỗi năm, một người sử dụng ô tô phải tốn kém khoảng 120 triệu đồng/ năm để “nuôi” xe (bao gồm: tiền xăng xe, gửi xe, trông giữ... và tiền đóng phí).
Trong khi đó, nếu chỉ nhìn sang một quốc gia phát triển trong khu vực là Singapore, nổi tiếng với việc có nhiều loại phí được đưa vào như thuế nhiên liệu (50% giá bán cuối cùng), phí chống ùn tắc giao thông, phí lưu hành xe giờ cao điểm, phí đỗ xe vào loại cao nhất thế giới. Một lít xăng dao động trong khoảng từ  2,15 đến 2,52 SGD (35.000 đến 41.000 đồng/lít) tùy thuộc vào loại xăng. Trung bình, một người sở hữu ô tô sẽ phải chi khoảng 600 SGD một tháng cho xăng dầu, phí cầu đường, và bãi đậu xe, tương đương với 7.200 SGD/năm (khoảng 115 triệu đồng). 

Tuy mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng qua đó cũng có thể thấy một phần nghịch lý khi một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.300 USD/năm, nhưng người dân lại phải trả nhiều tiền hơn để mua cũng như "nuôi" một chiếc ô tô so với các nước có mức thu nhập gần 40 - 50.000 USD/năm. Mới nghe qua đã thấy thu phí giao thông đang bộc lộ nhiều phi lý.
Viện trưởng quy hoạch GTVT: "Không ấn nút cho thu phí xe máy"

Thông tin trên Infonet, TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT quả quyết: “Tôi đang sử dụng ô tô cá nhân. Nhưng nếu ở cương vị Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ ấn nút tán thành thu phí ô tô và bỏ qua xe máy”.

Chia sẻ về một số bất cập còn tồn tại trong việc thu phí, TS. Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra từng mức phí cụ thể để đảm bảo sự công bằng cho người sử dụng phương tiện.

Theo TS. Bình ô tô là phương tiện gây ùn tắc nên cần phải thu phí để hạn chế. Ảnh LD
Theo TS. Bình ô tô là phương tiện gây ùn tắc nên cần phải thu phí để hạn chế. Ảnh LD

Ngay cả đối với từng loại phương tiện cũng cần phải xem xét kỹ càng. Chẳng hạn với phương tiện xe máy, ở những vùng miền có hạ tầng cơ sở kém chất lượng thì phải đóng góp mức phí thấp hơn những vùng có hạ tầng tốt hơn. Nếu cứ đánh đồng thu một giá thì sẽ không công bằng.
“Bước đầu phí bảo trì chỉ nên thu ở một vài đô thị trọng điểm. Khi thu phí phải tính đến hạ tầng giao thông của từng vùng để đưa ra từng mức phí khác nhau để đảm bảo sự công bằng” – bà Bình nói.

Ý kiến người dân xung quanh việc thu phí bảo trì đường bộ

Nguồn tin trên báo Đại đoàn kết cho hay, xung quanh việc thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ dự kiến áp dụng từ 1/ 6 sắp tới, vẫn còn rất nhiều ý kiến của người dân không đồng tình về vấn đề này. Đa số người dân cho rằng nếu thực hiện sẽ nảy sinh tình trạng phí chồng phí, dồn gánh nặng lên người dân, nhất là trong tình trạng "bão giá” hiện nay.

Luật sư Thái Văn Chung (Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ “trong các loại phí, lệ phí mà Bộ GTVT gần đây đưa ra, tôi ủng hộ việc thu phí bảo trì đường bộ vì đương nhiên khi chúng ta sử dụng đường bộ thì phải có trách nhiệm với việc bảo trì, sửa chữa khi hệ thống giao thông xuống cấp. Tuy nhiên, tôi cho rằng phương pháp thu và mức thu như thông tin là chưa phù hợp”.
Ông Vũ Anh Hoàng, Ban Tuyên huấn (UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh) nói “trong cùng một thời điểm mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nhiều đề án thu phí giao thông như vậy là rất bất hợp lý. Điều đó được thể hiện ở chỗ, những năm lại đây tình trạng lạm phát, giá các loại hàng hóa tiêu dùng tăng chóng mặt và chưa có nhiều biểu hiện ngưng lại. Trong khi đó, thu nhập của người dân lại cải thiện chẳng được là bao. Sự không tương thích trên đã làm cho chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút đi trông thấy.

Đặc biệt là đề án thu phí với mục đích hạn chế xe cá nhân, được xem là chủ trương rất thiếu thực tế, sẽ không có nhiều tác dụng, bởi có thu thì nhu cầu đi lại của người dân vẫn cứ diễn ra ngược lại "phí đè lên phí”, đời sống của người dân sẽ càng thêm khó khăn”.
Thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt

Trên trang Bee.net.vn đăng tải ý kiến của ông Ngô Văn Cầu, nguyên phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị “vì sao tắc đường ư! Cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo. Không phải vì không có đất, không có tiền mà vì các bác lãnh đạo có hàng nghìn lý do abc để trì hoãn”.
Đưa ra quan điểm cá nhân về việc thu phí bảo trì đường bộ để hạn chế phương tiện cá nhân, ông nói “tại sao người dân mình khổ thế! Thu nhập thấp, đến khi có tiền mua xe thì phải mua với giá đắt gấp 3 lần ở Mỹ. Khi đưa xe vào sử dụng thì phải sử dụng các loại phí chồng phí. Tôi nghĩ đó không phải là giải pháp lâu dài đâu”.

Thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt
Thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt

Ông Cầu cũng chia sẻ thêm “năm 1994 tôi sang Singapore để chuyển giao công nghệ điều hành xe buýt. Tôi quá ngạc nhiên bởi một đất nước chỉ có 3 triệu dân nhưng có tới 3000 xe buýt và 3 tuyến tàu điện ngầm. Trung bình, 1000 người dân có 1 chiếc xe buýt. Hệ thống giao thông đó có rất ít nút giao cắt và gần như không bao giờ xẩy ra tình trạng ùn tắc. 

Trong khi đó, Hà Nội có tới 6 triệu dân mà chỉ có chưa đến 1000 chiếc xe buýt. Ách tắc giao thông là tất yếu. Vấn đề này chúng tôi cũng đã nói từ lâu, nhưng người ta mới chỉ quan tâm đến xây chung cư, siêu thị, văn phòng, mà bỏ quên việc này”.
Hải Phong (Tổng hợp)