Điểm mặt công trình ngàn tỷ có thể gây lãng phí trong đầu tư công ở Hà Nam

21/06/2017 09:49
Trần Việt
(GDVN) - Nhà thi đấu đa năng Hà Nam có tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại nằm giữa một cánh đồng khiến ai cũng thấy xót xa.

Dự án Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam xây dựng trên địa bàn phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Dự án được xây dựng giữa cánh đồng, trên khu đất rộng 120ha. Hệ thống đường dẫn vào nhà thi đấu đã được đầu tư xây dựng với mặt cắt ngang là 100m, dự án cách trung tâm thành phố Phủ Lý chưa đầy 2km và cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, nằm ngay cạnh tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ -Ninh Bình.

Nhà thi đấu đa năng do tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 1000 tỷ đồng tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.
Nhà thi đấu đa năng do tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 1000 tỷ đồng tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

Được biết, Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam có quy mô xây dựng 05 tầng, sức chứa khoảng 7.500 chỗ ngồi với tổng diện tích sàn là trên 50.000m2, các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật: hệ thống điều hòa không khí, bảng điện tử, âm thanh ánh sáng… chủ đầu tư khẳng định đạt các tiêu chuẩn thi đấu quốc tế.

Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam được xây dựng để "đón lõng" việc đăng cai Đại hội Thể thao châu Á năm 2019 (ASIAD 18).

Tuy nhiên, vào tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin tổ chức vào một thời điểm khác thích hợp hơn.

Mặc dù, mới đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng nhiều hạng mục nhà thi đấu đã xuống cấp. Trong khi đó, việc xây dựng một nhà thi đấu “hoành tráng” giữa cánh đồng, ít người qua lại, bất tiện trong giao thông... khiến nhiều người xót xa về ngân sách của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/6/2017ông Nguyễn Anh Chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết:

“Cái này là thuộc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp của tỉnh làm chủ đầu tư, chỉ xây dựng trên địa bàn của phường thôi.

Hiện nay, đang trong quá trình thi công, chưa bàn giao, mà có bàn giao thì bàn giao cho Sở Văn hóa nên mọi thông tin tôi không nắm được đâu”.

Lý giải về việc Nhà thi đấu đa năng vì sao được xây dựng giữa cánh đồng? ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Hà Nam cho biết:

“Theo quy hoạch phát triển đô thị thì nhà thi đấu đa năng phải ra khu mới phù hợp, cạnh khu đô thị đại học, khu hành chính mới của tỉnh, thành phố Phủ Lý quy hoạch đồng bộ hết rồi.

Nhà thi đấu nằm giữa cánh đồng, ít người qua lại khiến công trình có này lạnh lẽo và dễ xuống cấp nhanh hơn.
Nhà thi đấu nằm giữa cánh đồng, ít người qua lại khiến công trình có này lạnh lẽo và dễ xuống cấp nhanh hơn.  

Khu này cũng được kết nối đường xá quy mô đẹp đẽ rồi, trông thì ở giữa thế thôi chứ nhà thi đấu đa năng là nằm trong quy hoạch giữa của thành phố đấy, tầm nhìn xa chứ”.

Theo tìm hiểu, dự án này do Công ty Xuân Thành thực hiện nhưng đến nay một số hạng mục bên ngoài nhà thi đấu chưa hoàn thành nên việc bàn giao cho tỉnh Hà Nam vẫn chưa được thực hiện.

Theo “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 quy định rõ quy mô được phép xây dựng đối với các nhà thi đấu tỉnh, thành...

Trong đó, đối với các nhà thi đấu thuộc các trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng, có tổng diện tích xây dựng trung tâm từ 40 - 50ha. Các trung tâm vùng được xây dựng một nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn thi đấu ở cấp quốc gia, quốc tế với khán đài có sức chứa 3.000 - 4.000 chỗ ngồi.

Thế nhưng, mặc dù không phải là trung tâm vùng, nhưng không hiểu bằng cách nào nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam vẫn được đầu tư tới hơn 1.000 tỉ đồng để xây dựng nhà thi đấu có khán đài 7.500 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì hiện nay, một số hạng mục của Nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam đang xuống cấp như: công trình nhà vệ sinh, thoát nước…

Bên cạnh đó, việc nhà thi đấu được đầu tư xây dựng giữa một cánh đồng vắng, không gần khu dân cư càng khiến công trình ít đưa vào sử dụng và sẽ nhanh chóng xuống cấp.

Cỏ cây mọc um tùm trong nhà thi đấu đa năng khiến người dân không khỏi xót xa.
Cỏ cây mọc um tùm trong nhà thi đấu đa năng khiến người dân không khỏi xót xa.

Ngày 20/6/2017, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: “Công trình nhà thi đấu đa năng của tỉnh là nằm trong quy hoạch rồi, khu vực này sau này tỉnh sẽ chuyển sang đó. Việc sử dụng tương lai sẽ rất tốt, hiện nay Công ty Xuân Thành vẫn chưa bàn giao trực tiếp cho tỉnh.

Người dân phản ánh công trình bị xuống cấp, hỏng thì qua kiểm tra, chúng tôi thấy có phần nhà vệ sinh là xuống cấp”.

Trong cuộc trao đổi, ông Đông thông tin đã nắm được việc mới đưa vào sử dụng nhưng hiện nay, có một số hạng mục xuống cấp như nhà vệ sinh, thoát nước vì chưa bàn giao nên việc khắc phục phải do nhà thầu lo.

Trước những thông tin mà người dân phản ánh nêu trên, đề nghị tỉnh Hà Nam sớm kiểm tra làm rõ việc có hay không công trình nghìn tỷ mới đưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, gây bức xúc cho nhân dân.

Tuy không phải là trung tâm vùng, nhưng vì sao lãnh đạo tỉnh Hà Nam vẫn quyết đầu tư công trình nhà thi đấu đa năng "ngốn" vốn ngân sách Nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng? Có hay không sự lãng phí, thất thoát trong đầu tư công xảy ra ở Hà Nam? Nếu có thì ai phải chịu trách nhiệm là câu hỏi cần sự giải đáp.

NHẬN DIỆN 3 LÃNG PHÍ, THẤT THOÁT TRONG ĐẦU TƯ CÔNG

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chính thức gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV.

Cụ thể, khi “nhận diện” lãng phí trong đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh 3 lãng phí lớn. Đó là lãng phí từ khâu phê duyệt dự án, lãng phí trong khâu bố trí vốn và thực hiện dự án; và lãng phí ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình.

Trong khi đó, lãng phí tại khâu phê duyệt dự án chủ yếu xuất phát từ quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ... Điều này dẫn tới dự án không hiệu quả, hoặc “đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư...

Một nguyên nhân khác, đó là quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới không khả thi trong quá trình thực hiện, công trình dở dang, không đủ vốn để hoàn thành; hoặc không có vốn để bố trí, lãng phí kinh phí chuẩn bị đầu tư...

Và cũng không loại trừ việc phê duyệt tổng mức đầu tư cao hơn thực tế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hệ thống đơn giá, định mức chưa phù hợp; năng lực của cơ quan kiểm tra, thẩm định dự án còn yếu. Điều này dẫn tới tình trạng chi phí đầu tư dự án cao hơn thực tế, tình trạng đội giá, thực hiện những hạng mục không cần thiết, không có hiệu quả sử dụng...

Trần Việt