"Dở khóc, dở cười" chuyện những nàng dâu mới về nhà chồng ăn Tết

29/01/2012 17:00
Thành Chung
(GDVN) - Không ít nàng dâu mới về nhà chồng, đặc biệt các nàng thành phố được phen "xanh mặt" vì không đảm đương được việc nhà, nội trợ khi về quê ăn Tết.
Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, Thanh Phương, từng học Đại học Thương mại, hiện đang là kế toán của một công ty lớn trên phố Hai Bà Trưng, mới kết hôn được hai tháng trước Tết. Chồng Phương là người Hải Dương, cũng đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội. Họ quen nhau từ những năm tháng học đại học, được gần 4 năm rồi cưới. 
Không ít nàng dâu mới, đặc biệt nàng dâu thành phố được phen "dở khóc, dở cười" khi về quê chồng ăn Tết đầu tiên. (Ảnh minh họa).
Không ít nàng dâu mới, đặc biệt nàng dâu thành phố được phen "dở khóc, dở cười" khi về quê chồng ăn Tết đầu tiên. (Ảnh minh họa).

Là con út trong gia đình khá giả có 2 anh em nên từ nhỏ Phương đã được bố mẹ rất chiều chuộng. Tuy có được mẹ dạy nấu ăn nhưng cô cũng chỉ biết làm những món đơn giản, hơn nữa, mọi thứ đều mua sẵn ở ngoài chợ nên về nhà, cô chỉ cần thêm chút gia vị rồi xào nấu là có một bữa cơm ngon. 
Khi còn hẹn hò, mỗi lần về quê, Phương chỉ phụ giúp làm các món xào nấu đơn giản hoặc rửa bát bởi cô là khách tới chơi nhưng Tết năm nay thì lại khác. 
Do đã trở thành dâu con trong gia đình, lại là dâu mới, nên trong cái Tết đầu tiên này, Phương phải về quê chồng từ 28 tháng Chạp để chuẩn bị cỗ bàn. Vì gia đình chồng ở quê nên việc làm thịt gà, gói bánh chưng ngày Tết vẫn được duy trì theo đúng phong tục. Năm nay, có cô dâu mới về nhà, mẹ chồng muốn Phương trổ tài "nữ công gia chánh". 
Ngày thứ hai về nhà, nhằm ngày 29, mẹ chồng cô có lời "nhờ" làm thịt con gà để chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Chưa bao giờ động vào con gà sống chứ đừng nói là cắt cổ rồi vặt lông nhưng cô vẫn phải "buộc lòng" vâng lời mẹ chồng. 
Đang cầm con gà chưa biết tính sao thì may mắn là chồng cô biết vợ không biết làm thịt gà nên anh vào phụ giúp.
"Mình sợ nhất cái phần cắt tiết, chồng bảo giữ lấy cái chân để anh cắt cổ mà mình nhắm mắt, nhắm mũi. Ai dè, đang giữ, chồng vừa cứa một nhát, con gà nó giãy giụa, mình sợ quá buông tay ra, thế là chồng mình cũng bất ngờ thả tay ra. 
Vậy là con gà với nhát cứa ở cổ giãy đành đạnh, rồi chạy loanh quanh. Phải nhờ cả bố mẹ chồng ra giúp sức mới bắt được nó. Cũng may bố mẹ chồng đều dễ tính nên khi bắt được con gà chỉ bật cười trước sự vụng của vợ chồng son nhà mình", Phương tâm sự.
Cũng như Phương, câu chuyện của cô dâu "thành phố" Hoài Thanh về quê chồng ăn Tết cũng khiến không ít người phì cười. Là con gái duy nhất trong gia đình bố mẹ đều là công chức nhà nước nên ngay từ nhỏ Thanh đã được bố mẹ rất chiều chuộng. Cũng vì sợ con khổ nên mẹ cô không hề bắt cô làm một việc gì nặng nhọc cả. 
Vừa tốt nghiệp đại học Ngoại thương và đi làm được gần nửa năm thì Thanh "theo chàng về dinh". Chồng Thanh là một chàng trai quê Hưng Yên. Tết năm nay, do là dâu mới, lại là dâu cả nên cô phải theo chồng về quê ăn Tết. Vừa háo hức nhưng cô cũng lại vừa lo lắng vì đây là cái Tết đầu tiên cô xa bố mẹ và đây cũng là dịp cô phải chứng tỏ là một người con dâu đảm trước mặt mọi người. 
Bố mẹ chồng đều là những người hiền lành và tâm lý nhưng 4 ngày Tết ở quê chồng cũng khiến Thanh gặp không ít chuyện "dở khóc, dở cười".
Đầu tiên là chuyện phải thay đổi thói quen, giờ giấc sinh hoạt. Nếu ở trên thành phố, thông thường giờ thức giấc thường là 7 giờ thì về quê cô phải dậy sớm hơn, 5h30 - 6 giờ sáng đã phải thức giấc theo thói quen ở quê.

Đến chuyện đi chợ sắm Tết, vì để con dâu mới có được sự thoải mái, mẹ chồng đã giao cho cô toàn quyền sắm sửa.
Để mẹ chồng vừa ý, cô đã cẩn thận hỏi ý bà là sắm gì cho ngày tết... Mẹ chồng cô nói: "Con cứ tùy ý mua.” Nhưng Thanh vẫn đi chợ với một tâm trạng đầy thấp thỏm, lo âu.  
Mặc dù đã từng đưa mẹ đẻ đi sắm Tết bao nhiêu lần, nhưng phần lớn là đứng để mẹ mua, cô cũng không để ý xem mẹ mua những gì, mua như thế nào. 
"Thế là khi về nhà mở đống hàng Tết ra xem thì có thứ không cần thiết lắm thì mình lại mua nhiều quá trong khi nhiều thứ cần thiết mình lại quên mất không mua. Cũng may là người tâm lý, nên mẹ chồng mình chỉ cười và lại đi mua giúp mình", Thanh tâm sự.
Có lẽ chuyện phải đối mặt với việc làm mâm cỗ cúng gia tiên vào ngày tất niên làm cho Thanh ngại ngùng nhất. 
Gà luộc để cúng phải mổ moi mà cô lại mổ phanh và luộc quá lửa nên khi chặt ra, chỉ toàn là những miếng thịt gà nham nhở. Món xào thì cô cho nhầm thứ tự, rau trước rồi mới đến thịt, bóng, mộc nhĩ, nấm hương, nên thịt với bóng thì dai mà rau thì nhừ...
"Bố chồng mình nhìn mâm cỗ thì phì cười, lắc đầu còn mẹ chồng biết mình xấu hổ, gần khóc thì bà chạy đi tới ôm mình và thủ thỉ không biết thì học dần, không sao con ạ, để mẹ làm lại cho. Cũng từ hôm đấy, cứ ba bữa, bà lại gọi mình xuống bếp chỉ bảo từng li, từng tý nấu các món.

 Cũng nhờ vậy mà, sau mấy ngày Tết trở về thành phố mình đã có thể làm những món ăn từ đơn giản đến khá phức tạp”. Thanh chia sẻ.
Thành Chung