Độc giả 'khen', 'chê' nảy lửa với đề án thu phí giao thông đường bộ

10/04/2012 06:31
Thành Chung (tổng hợp)
(GDVN) - "Những người có xe chưa hẳn đã giàu. Tại sao không nghĩ cách chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư mà cứ tập trung thu phí với mức quá cao...", độc giả Thái Vững bày tỏ.
Ngay sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết xung quanh đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến của bạn đọc trên khắp cả nước gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ những ý kiến trái chiều về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên và mới đây đã đưa ra quyết định chưa thu trong năm nay.Bất cập và chưa hợp lý Xung quanh câu chuyện đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đa phần các ý kiến, phản hồi của độc giả gửi về tòa soạn đều bày tỏ sự không đồng tình với việc thu phí này bởi nó còn rất nhiều những điểm bất cập và chưa hợp lý.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Dân trí).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Dân trí).

"Trong tất cả các chính sách thu phí nói trên, tôi không đồng tình với ý kiến thu phí đối với xe máy, cho dù là chỉ ở 5 thành phố lớn. Nói thật là tôi không thể hiểu nổi tư duy của các nhà làm luật về điều khoản này. Suy cho cùng thì phần lớn người dân hiện nay đi lại bằng xe máy, ùn tắc giao thông là một rủi ro không mong muốn của việc đi lại bằng xe máy.

 Chúng ta chống ùn tắc giao thông vì nó làm ảnh hưởng đến việc đi lại bằng xe máy. Bây giờ lại lập luận rằng phải hạn chế xe máy để chống ùn tắc giao thông. Thử hỏi, nếu không thể đi được xe máy thì chúng tôi cần chống ùn tắc giao thông để làm gì? Làm như bộ trưởng Thăng là áp dụng luật nước ngoài vào Việt Nam thiếu thực tế, lấy điều phải chứng minh để chứng minh lại giả thuyết", độc giả Minh Tuân bày tỏ. Cùng quan điểm đó độc giả Nguyễn Hoàng Kha cũng đặt câu hỏi: "Bản thân tôi không có ý kiến gì về việc thu phí, ai sao thì mình vậy thôi. Nhưng điều tôi quan tâm liệu số tiền thu được thật sự dùng vào đầu tư cơ sở hạ tầng bao nhiêu phần trăm thôi. Rất nhiều công trình bị rút ruột thì làm sao người dân chúng tôi yên tâm mà đóng thuế, đóng phí cơ chứ? Nếu số tiền mình đóng để phục vụ cho toàn xã hội này thì thật ý nghĩa rồi nhưng còn hàng triệu người gom góp tiền bạc để ko biết tiền về đâu thì có công bằng không?". Còn độc giả Thái Vững cho rằng: "Dân ta còn khổ lắm, những người có xe chưa hẳn đã giàu. Tại sao không nghĩ cách chống thất thoát lãng phí trong đầu tư mà cứ tập trung vào thu phí với mức quá cao. Trong khi đó để sử dụng một chiếc xe đã chịu quá nhiều loại thuế và phí rồi. Tôi không đồng tình với việc thu phí chỉ để giảm ùn tắc ở các thành phố lớn,mà bắt nhân dân cả nước phải chịu". "Tôi được biết, trong xăng dầu đã có vài loại phí. Mua phương tiện giao thông cũng nộp gần chục loại thuế và phí. Tất cả những thuế và phí đó, về nguyên tắc là để phát triển và duy tu hệ thống giao thông. Bù lại, người dân được gì?. Một con đường chưa kịp khánh thành đã hỏng. Không một nơi nào trong thành phố không bị đào bới. Tiền thuế của các con dân chúng tôi được sử dụng tuỳ tiện, không hiệu quả. Liệu chúng tôi có phải nộp thuế môi trường vì đang hít vào và thở ra không?", độc giả Anh Tuấn bức xúc đặt câu hỏi. Không chỉ vậy, độc giả Trí Trung cũng đưa ra: "Thu phí giao thông thì các nước đã làm nhiều rồi, đâu phải là bây giờ tự nghĩ ra mà tác giả nói tầm nhìn sâu xa. Chỉ có khác là nước người ta thu nhập cao gấp vài chục lần so với Việt Nam nhưng chỉ phải nộp bằng 1/10 Việt Nam mà thôi".Một đề án mạnh dạn, quyết định có tầm nhìn? Bên cạnh những ý kiến phản đối, thì cũng có không ít độc giả lại cho rằng việc trình đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cho thấy sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và đồng thời thể hiện tầm nhìn xa của Bộ trưởng Đinh La Thăng. "Tôi đồng ý với những giải pháp mạnh mẽ của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Đất nước chúng ta cần những người dám làm và dám nhận trách nhiệm về mình. Và theo cá nhân tôi, Bộ trưởng Đinh La Thăng là một người mạnh mẽ đầy quyết tâm. Công dân cảm ơn Bộ trưởng Thăng và hy vọng đất nước chúng ta sẽ có những người như ông", độc giả Thanh Luận chia sẻ.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cùng quan điểm đó, độc giả Trần Thanh Vân cũng phân tích: "Tôi thấy, tình hình giao thông hiện nay, tình hình cơ sở hạ tầng yếu kém hiện nay, không phải là do lỗi của bộ trưởng Thăng, mà đó là kết quả để lại của những đời bộ trưởng trước. Và chúng ta đã nói rất nhiều về thực trạng này, nhưng không một bộ trưởng nào trước bộ trưởng Thăng có những quyết sách quyết liệt như hiện nay.  Nhưng không hiểu sao, khi bộ trưởng Thăng đề ra các biện pháp giải quyết, có thể có những kết quả khả quan, đột phá thì mọi người lại phản đối. Không lẽ, bộ trưởng Thăng nên noi gương các bộ trưởng trước đây, cứ để tình hình giao thông càng ngày càng kém đi?. Do đó, tôi cũng mong mọi người, hãy ủng hộ bộ trưởng Thăng, để chúng ta sẽ có một hệ thống giao thông tốt hơn. Hãy hy sinh lợi ích nhỏ của mình, vì lợi ích to lớn cho toàn xã hội". Độc giả Trần Ngọc Ninh trong một bài viết đã được đăng tải trên báo GDVN cũng nhấn mạnh: "Với mọi giải pháp và đặc biệt ở giải pháp thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, có thể trong thời gian đầu với tầm nhìn chưa được xa, chưa thấy hết các vấn đề tích cực sau này, nhiều người sẽ cho rằng, việc thu như vậy là bất hợp lí, tiền chúng tôi bỏ ra rồi nhưng những gì nhận lại chưa nhiều... Nhưng, mọi người hãy thử nhìn lên xa hơn một chút, trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo, sẽ thấy có những chuyển biến rất tích cực về các vấn đề này".Tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam rất mong nhận được ý kiến đóng góp, những phản hồi của độc giả xung quan vấn đề thu phí giao thông. Mọi ý kiến và bài viết xin gửi về địa chỉ: bandoc@giaoduc.net.vn
Thành Chung (tổng hợp)