Độc giả mách kinh nghiệm thoát thân vụ cháy chung cư 25 tầng Sài Gòn

04/10/2012 12:56
Nguyễn Hùng/vnexpress
Bạn đọc Nguyễn Hùng - một người dân ở chung cư Phúc Thịnh xảy ra cháy đêm 3/10 , vừa gửi đến tòa soạn bài viết kể lại câu chuyện thoát thân của mình, chia sẻ kinh nghiệm với những độc giả đang sống ở chung cư.

Tôi sống ở tầng 8, khi nghe mùi khét tôi đi thang máy xuống báo bảo vệ, không kịp khóa cửa. Xuống đến nơi được 2 phút thì cúp điện. Tôi thấy cảnh tượng thật hỗn loạn và xin chia sẻ vài điều như sau:

1. Hiện tại thang cuốn chữa cháy mới chỉ ứng cứu được tới tầng 10 để đưa người xuống đất. Do đó mọi người nên biết để lựa chọn tầng chung cư cho phù hợp. Trong trường hợp bạn ở tầng cao quá, nên quan sát xem lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã tiếp cận tới tầng nào rồi, nếu có thể, xuống thang bộ tới tầng thang cuốn có thể tiếp cận để được cứu nhanh.

ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

2. Chuông chữa cháy không bao giờ thừa. Ở chung cư Phúc Thịnh, rất nhiều lần chuông chữa cháy kêu vì nhiều lý do khác nhau. Trong vụ cháy vừa rồi, chuông có hoạt động (tuy chỉ trong thời gian ngắn rồi tắt), và có thể nhiều người chủ quan khi thấy chuông reo như mọi khi. Do đó cần luôn cảnh giác, không coi thường khi chuông báo cháy kêu và nên để ý ngay xem xung quanh và các tầng khác có chuyện gì không.

3. Các tòa nhà có nhiều lô (block) gần nhau thì nên thiết kế để có thể thông qua nhau tại tầng sân thượng. Khi đám cháy xảy ra tại khu C, tôi được biết có cụ già đã chạy lên sân thượng và xuống bằng cầu thang bộ của lô B bên cạnh không bị cháy. Chúng tôi đã ở chung cư Phúc Thịnh trên 2 năm, tại sao ban quản lý tòa nhà không có thông báo hay hướng dẫn về việc trên?

4. Khi phát hiện cháy mọi người nên đập cửa và báo ngay cho các nhà bên cạnh liền kề mình và cùng xuống. Việc đi cùng nhiều người trong bóng tối để xuống đất sẽ đỡ hoảng loạn và lo lắng hơn so với đi một mình.

5. Ở chung cư thì mọi tài sản quý giá nên gửi ngân hàng. Ngoài việc đỡ lo trộm viếng nhà, thì khi cháy cũng đỡ lo về tài sản. Tôi không hiểu tại sao khi lực lượng chữa cháy và chính quyền địa phương đang làm nhiệm vụ thì một số người lại đòi lên nhà trong điều kiện tối om và nước lênh láng trán nhà.

6. Khi đã thoát xuống bên dưới, nếu đã an toàn thì chỉ cần báo cho một người thân, và nhờ người đó báo lại cho người thân khác đã an toàn. Có nhiều trường hợp không báo, người thân không liên lạc được thì rất lo lắng (có trường hợp người thân bên dưới chạy lên trên để tìm người nhà của mình). Trường hợp khác thì lại bị giật điện thoại ngay khi đang hỗn loạn. Còn tôi vì không khóa cửa nên cũng bị mất điện thoại để trong phòng.

7. Không việc gì là không thể trong đó có cháy do đó mọi người nên chuẩn bị các vận dụng cần thiết cho cháy như đèn pin để ra tín hiệu cầu cứu, các thiết bị chữa cháy trong phòng...

8. Đặt việc quan tâm cháy nổ lên đầu.Ngay từ khi đi coi chung cư để mua, các bạn nên đặc biệt quan tâm đến việc PCCC ở chung cư. Hãy quan tâm đến đường vào chung cư xem có tiện để các xe PCCC dễ tiếp cận và quay xe tiếp nước khi đám cháy xảy ra hay không. Như trường hợp ở chung cư Phúc Thịnh, tôi nhận thấy lực lượng PCCC rất vất vả và mất nhiều thời gian mới có thể ứng cứu. Nên kiểm tra hệ thống PCCC của chung cư có hiện đại hay không.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Nguyễn Hùng/vnexpress