Đừng ‘ném đá’ cụ già ăn xin vì 25 lượng vàng

31/12/2013 15:08
Theo Vnexpress
(GDVN) - Sao chúng ta cứ nhìn vào số tiền cụ kiếm được, rồi nói cụ thế này thế kia, mà không ai nghĩ đến số tiền lẻ cho cụ được bao nhiêu: 500 đồng hay 1.000, 2.000 đồng?

Câu chuyện “Cụ già ăn xin tích cóp được 25 lượng vàng trong 20 năm” bị 4 thanh niên (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) tổ chức cướp đêm 21/12, khiến nhiều người ngỡ ngàng.

"Tiền bà con cho mình phải biết tiết kiệm, không thể xài hoang phí", cụ Cưng nêu quan điểm và cho biết cuối tháng chỉ biết mua vàng cất giữ trong người. Ảnh: Tố Trâm
"Tiền bà con cho mình phải biết tiết kiệm, không thể xài hoang phí", cụ Cưng nêu quan điểm và cho biết cuối tháng chỉ biết mua vàng cất giữ trong người. Ảnh: Tố Trâm

Có người thì thốt lên: “Kinh khủng quá, đi ăn xin mà có trong tay 25 lượng vàng, tương đương cả tỷ bạc. Cả đời mình làm cũng không bằng đi ăn xin”. Có người thì lấy con đi học đại học ra để so bì với cụ: “Tôi có con học đại học cho tới bây giờ đã gần 15 năm, không dư được 200 triệu đồng mà cụ ăn xin 20 năm có hơn 1 tỷ, khâm phục!”. Thậm chí đến cả nhân viên văn phòng cũng  ganh tỵ: "Tính ra ông lão ăn mày có thu nhập còn cao hơn nhiều người làm công chức, nhân viên văn phòng mình nữa"…

Tôi giật mình trước những lời trách móc, so bì đó của các bạn với một cụ già 86 tuổi. Buồn cười hơn là cả một người mẹ lấy đứa con có trình độ đại học ra so sánh với cụ.

Bởi người có trình độ, biết vận dụng kiến thức để kiếm tiền thì chắc chắn sẽ có lương cao hơn ông lão ăn xin rất nhiều. Nếu như mỗi tháng biết tiết kiệm như ông lão thì 20 năm sau người đó còn có nhiều gấp bội lần so với 25 cây vàng của ông cụ bây giờ.

Nếu trách thì hãy trách đứa con bạn nuôi cho ăn học, có trình độ, biết kiếm tiền mà không biết tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích. Trách những con người kiếm tiền tiêu xài hoang phí... Còn cụ Cưng chỉ xin ăn và dành dụm tiền không dám tiêu xài. “Tiền bà con cho mình phải biết tiết kiệm, không thể xài hoang phí", cụ nói thế.

Vì vậy, chúng ta đừng nhìn vào số tiền cụ kiếm được mà nói cụ thế này thế kia. Chúng ta nên nghĩ đến những lúc người ta cho cụ 500 đồng hay 1.000, 2.000 đồng, những lúc cụ ngủ ở đầu đường xó chợ, tắm giặt ở sông suối, không dám tiêu xài một đồng, ốm đau bệnh tật tự lo liệu...

Trên thế gian này có bao nhiều người ăn xin mà biết tiết kiệm như cụ. Bây giờ, chúng ta ra đường tìm được người ăn xin như cụ hiếm lắm. Bởi đa phần những người ăn xin ngày nay mà tôi gặp, họ chỉ cần có ít tiền là lại đi vào quán nhậu nhẹt, cờ bạc… vì họ nghĩ tiền xin được quá dễ dàng.

Tôi hiểu, đất nước mình còn nghèo, người dân vẫn còn khổ, việc ăn xin là không tránh khỏi. Nhưng bây giờ thật giả không phân biệt được và ăn xin gần như đã trở thành một cái nghề với nhiều người. Các bạn nghĩ gì khi một người khách nước ngoài đến Việt Nam thấy rất nhiều những người lê lết đi ăn xin ngoài đường phố? Tôi nói thật, tôi cũng vô cùng xấu hổ.

Phải chăng cái nghề này họ thấy dễ ăn, thấy bở nên nhiều người lao vào đóng giả nghèo khó, lợi dụng lòng thương hại để đào tiền người tốt? Như vậy, chúng ta có nên cho ăn xin tiền nữa không?

Theo Vnexpress