Facebook: Mạng xã hội đa sắc màu và 'mảng tối' tồn tại trong giới trẻ

20/04/2013 07:14
Trần Mai
(GDVN) -Sự lên ngôi của trang mạng xã hội facebook tại Việt Nam không phải là một hiện tượng lạ. Cùng với Zingme, Yume, Tamtay, My space…thì facebook xuất hiện ngay lập tức được đưa vào tầm ngắm của hàng trăm triệu người. Giới trẻ đón nhận và khai thác facebook cũng với muôn màu vạn sắc.
Cầu nối thông tin 
Bạn trẻ tìm kiếm gì trên facebook khi mà đã có quá nhiều trang tin, quá nhiều công cụ tìm kiếm thông tin hữu hiệu khác? Chỉ cần gõ từ khóa trên google, các bạn có thể truy cập được một lượng tin tức khổng lồ. 
Riêng với facebook, thông tin ấy không chỉ dưới dạng cứng mà cả những “tin mềm” -  đấy là những chia sẻ trực tiếp, những thông tin kết nối cộng đồng trực tuyến, những nhịp cầu sẻ chia giữa bạn bè, người thân và cả những người chưa quen biết. 
Tán gẫu, trao đổi thông tin, bài vở; tìm kiếm những hội nhóm mang ý nghĩa cộng đồng,… là điều mà giới trẻ hướng đến. Thay vì chat yahoo với một vài người bạn thì online facebook các bạn trẻ có thể cùng lúc nói chuyện trực tuyến với nhiều người bạn, với nhóm vừa có thể cập nhật tin tức, trạng thái của bạn bè hay ghé thăm các diễn đàn bổ ích mà bạn tham gia. 

Mạng xã hội facebook được giới trẻ đặc biệt quan tâm
Mạng xã hội facebook được giới trẻ đặc biệt quan tâm

Bạn Nguyễn Đức Thiện, sinh viên K48 Kinh tế đối ngoại - ĐH Ngoại thương cho biết: “Mình lên face chủ yếu để biết thông tin về đời sống, xu hướng của giới trẻ, tình hình của bạn bè cũng như các hoạt động của sinh viên đặc biệt là sinh viên FTU. Giải trí cũng có, học nhóm thì tập trung vào mùa thi. Hầu hết bạn bè trong list của mình đều là sinh viên FTU nên khi cần trao đổi kiến thức sẽ rất tiện”. 
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các diễn đàn bổ ích khác như diễn đàn nhà báo trẻ, tại đây những ai yêu thích báo chí, những phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp tại các cơ quan báo có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những tin tức, thắc mắc, băn khoăn về những vấn đề báo chí đăng tải… đây là cơ hội để các bạn trẻ trau dồi, rèn nhiều hơn nữa những kĩ năng về nghề báo. 
Ngoài ra, các hội nhóm được lập ra cũng nhằm những mục đích gắn kết các thành viên, các fan dành cho một thần tượng, một hoạt động xã hội cộng đồng. Qua đó các bạn trẻ học hỏi và chia sẻ được nhiều hơn nữa những điều chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường và gia đình.

Mảng tối vẫn tồn tại

Nói đi cũng phải nói lại, song hành với mặt tốt bao giờ cũng có những hạn chế. Cũng  giống như một thế giới ảo, nếu không tỉnh táo, các bạn sẽ trở thành “nạn nhân” của facebook. Không ít bạn trẻ than thở rằng “Mình bị nghiện facebook hay sao ấy, một ngày mà không online vài lần chắc chịu không nổi”. Có bạn còn treo những status không có nội dung kiểu như “Chém đê”, “ Chán…”, “ Ôi cái cuộc đời này!!!!”…..Với những trang tin rao vặt thì nhan nhản comment với những lời lẽ tục tĩu.
Lí giải cho việc lãng phí thời gian trên facebook, Trịnh Ngọc – sinh viên ĐH Công Đoàn chia sẻ: “Thời đại thông tin mà, vào face đôi khi chỉ là để mình cảm thấy đang kết nối với thế giới”.
Đó mới chỉ là vài biểu hiện không mấy tích cực khi giới trẻ chọn lựa facebook để giải trí, để giết thời gian một cách vô nghĩa. Không ít những rùm beng và phản cảm liên quan đến chuyện face thể hiện phần nào đấy lối sống của giới trẻ hiện nay: vô cảm, thờ ơ, bi quan chán nản… 
Đã có thời điểm cư dân mạng chưa hết sửng sốt về hành động của một cô gái trẻ tạo dáng chụp hình trên bia mộ Liệt sĩ thì không lâu sau đó, hình ảnh một chàng trai ngồi  trên tượng đài Lý Thái Tổ chụp ảnh được đăng tải trên facebook đã thể hiện sự thiếu ý thức và vô văn hóa trầm trọng. 
Phải chăng các bạn trẻ giờ đây quá thờ ơ, coi việc gây sốc, gây cười, gây chú ý để tạo nên những fan, những hội phát cuồng vì trao lưu này, trao lưu nọ? Sự nhảm nhí và lối sống như vậy dù ít dù nhiều cũng phản ánh một thực trạng: có lẽ các bạn trẻ quá phóng thoáng trong suy nghĩ, xem những trang mạng xã hội như trò giải trí, mua vui tầm thường mà chưa đi vào khai thác những mặt tích cực của nó.
Suy nghĩ về thực trạng này, Phạm Thùy – sinh viên năm 2 Viện ĐH Mở bức xúc: “Mình không biết các bạn nghĩ gì khi để những status câu khách với mong muốn chém gió nhau nhưng dù gì nó cũng rất phản cảm. Mình nghĩ rằng “face” là mặt, không lí gì chúng ta lại tự bôi bẩn mặt mình như vậy”.
Không thể phủ nhận được vai trò của mạng xã hội với đời sống của con người hiện này. Nhưng lạm dụng nó với những mục đích vô bổ thì không đáng. Chỉ có thể thay đổi lối sống tích cực khi suy nghĩ của mỗi người được thay đổi nhân văn và tốt đẹp hơn, nhất là với giới trẻ thì điều ấy là vô cùng cần thiết.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Trần Mai