GS Ngô Đức Thịnh: Cần lên án mạnh mẽ việc dùng những từ ngữ không đẹp

04/04/2012 07:14
Tuệ Tâm
(GDVN) - Báo chí là diễn đàn để mọi người dân có thể tranh luận, đóng góp ý kiến xây dựng chứ không phải biến tranh luận thành sự mạt sát, nói xấu nhau...
Xung quanh câu chuyện Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến phản biện của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân cùng bàn về câu chuyện này. Không ít ý kiến phản biện được nhiều bạn đọc đánh giá cao đó là những trao đổi của một số ca sĩ quen thuộc trong làng âm nhạc Việt Nam.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Tuy nhiên, ngay sau đó, không hiểu vì lý do gì trên một trang tin điện tử lại liên tiếp xuất hiện 2 bài viết: "Kính thưa “quý cô cái gì cũng muốn”...đăng vào ngày 28/3, đưa ra nhận định: Mỹ Linh quá ngô nghê, hàm lượng "chất xám" không nhiều, thậm chí còn dám bình luận: "Chiếc xe Mitsubishi Grandis có 7 chỗ ngồi mà Mỹ Linh đang sử dụng khi ra đường đã chiếm diện tích bằng 4 người đi xe máy. Hẳn nữ ca sỹ cũng muốn đóng phí cho “đỡ ngại” với mọi người"!?. Và tiếp tục trong bài viết đăng ngày 1/4, "Thu phí để hạn chế ôtô, xe máy: Thích thì phải trả tiền" trang tin này còn dùng cách viết mang tính mạt sát khi gọi ca sĩ là "ả ca sĩ".  Trước hết ở đây, chúng ta cần phải tiếp tục khẳng định ngay, việc các ca sĩ dù nổi tiếng đến đâu, có sức ảnh hưởng rộng rãi đến đâu đi nữa thì trong quản lý hành chính họ cũng chỉ là một công dân. Và đã là một công dân thì theo các qui định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã qui định thì họ được quyền tham gia đóng góp, góp ý vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Và những ý kiến của họ cũng cho thấy sự phát triển, tiến bộ của xã hội chúng ta đã ngày càng dân chủ, văn minh hơn. Thêm vào đó, việc họ có nhận xét một số câu dù tốt hay xấu nhưng trong khuôn khổ văn hóa, pháp luật cho phép khi đánh giá về những người "công bộc" của mình trong lúc thực hiện các công việc có liên quan đến lợi ích của người dân thì cũng là một điều hết sức bình thường của văn hóa tranh luận trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nó cũng không có gì quá to tát để người làm báo nâng tầm lên và cho rằng đấy là sự chê bai, nói xấu... Và chắc chắn cũng chẳng một "công bộc" nào lại sử dụng những từ mang tính mạt sát: "ả ca sĩ", để nói lại về một ca sĩ nào đó có nhận xét thằng thắn cách làm việc của mình. Vậy mà ở đây, một cơ quan được xác định là nơi "định hướng dư luận" lại đưa ra những ý kiến hết sức chủ quan, áp đặt, mạt sát như vậy, liệu có chấp nhận được (?). Mỗi người làm báo và chắc chắn không ít người dân cũng hiểu rằng, vai trò, chức năng của báo chí đã được nhấn mạnh rất rõ là diễn đàn, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và ngược lại, tức là báo chí sẽ là nơi để người dân bày tỏ, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình trước những chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vào tháng 9/1962, tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam, Bác Hồ đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong cách thể hiện, người cho rằng “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung, cách viết”. Mục đích viết để làm gì? Viết để cho ai xem” để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối để các cộng đồng hiểu nhau hơn. Những lời Bác dạy càng phải được mỗi người làm báo khắc ghi hơn trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng, Nhà nước ta đang tích cực đẩy mạnh công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.  Vì thế, việc các công dân nào đó, dù ở bất kỳ ngành, nghề nào, dù nổi tiếng hay không nổi tiếng xuất hiện trên báo chí bày tỏ, chia sẻ những ý kiến, phản biện về các vấn đề trong khuôn khổ pháp luật cho phép cũng là điều bình thường và nên được tôn trọng, đánh giá cao. 

Báo chí là diễn đàn để người dân tranh luận, đóng góp chứ không phải là nơi để mạt sát nhau (Ảnh minh họa: Internet).
Báo chí là diễn đàn để người dân tranh luận, đóng góp chứ không phải là nơi để mạt sát nhau (Ảnh minh họa: Internet).
Cũng cần nhấn mạnh, việc đưa ra những nhận xét, đánh giá, trao đổi lại với những ý kiến còn chưa đúng, chưa hợp lý của người dân là điều nên làm với một cơ quan báo chí nhưng không có nghĩa là biến những cái đó thành sự chê bai, soi mói, thậm chí là mạt sát những ý kiến của người dân như vậy.  Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, báo chí được đánh giá là nơi định hướng dư luận, mỗi bài báo viết ra đều có những sự ảnh hưởng nhất định đối với một lượng độc giả nên việc thông tin, cách viết phải được rất coi trọng nhưng với cách làm cố tình "bới móc", mạt sát như vậy của trang tin này thì liệu rằng, có còn người dân nào còn dám lên tiếng phản biện, tranh luận, đóng góp ý kiến (?). Và liệu rằng xã hội có thật sự văn minh, dân chủ, không khí tranh luận có thực sự sôi nổi khi mà còn những nơi đang cố tình đi "thụt lùi" trong sự phát triển chung thế này (?). Đứng trên góc độ văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, việc có những ý kiến trái chiều xung quanh một sự việc là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên khi trao đổi, phản biện lại nhau thì việc dùng những ngôn từ không đẹp, mang tính mạt sát là điều cần phải lên án mạnh mẽ, đặc biệt trên một cơ quan truyền thông. "Trong một vấn đề chắc chắn bao giờ cũng có những ý kiến trái chiều khác nhau. Ở đây cũng vậy, một bên là đưa ra vấn đề thu phí, đồng tình với thu phí còn một bên đưa ra các ý kiến phản biện lại việc đó, đây là điều rất bình thường. Tuy nhiên, việc trao đổi, phản biện lại với nhau mà dùng ngôn từ không đẹp đã không nên rồi thì việc dùng những ngôn từ, cách gọi mang tính mạt sát  ả nọ, ả kia như ở hàng tôm, hàng cá ngoài chợ với nhau thì lại càng không thể chấp nhận. Và điều đó càng cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa khi nó lại xuất hiện trên một cơ quan truyền thông nào đấy. Điều đó sẽ rất ảnh hưởng đến việc tiếp nhận của công chúng và đó là hành vi phi văn hóa trong xã hội ngày càng dân chủ, văn minh này", GS Thịnh khẳng định. Một nhà báo có uy tín trong làng báo Việt Nam (xin được giấu tên) cũng bày tỏ, người viết báo phải cực kỳ cẩn trọng trong dùng câu chữ, việc dùng những câu chữ không chuẩn, không đẹp đã là một tối kị trong làm báo chứ đừng nói gì đến câu chữ mang tính mạt sát người khác. "Người làm báo, cơ quan báo chí đưa ra vấn đề trong khuôn khổ pháp luật cho phép để người dân cùng tranh luận, phản biện là hoàn toàn đúng và cần phát huy. Nhưng người làm báo cần phải hiểu, nhận thức rõ rằng, tranh luận là để mọi người cùng xây dựng, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách chứ không phải biến tranh luận thành mạt sát nhau, có những lời lẽ không hay... Điều này là phi khách quan và cho thấy cơ quan đó đã thiếu tôn trọng độc giả, cần phải lên án mạnh mẽ", nhà báo này nhấn mạnh.
Tuệ Tâm