GS Nguyễn Lân Dũng: Quảng cáo nước tẩy rửa Vim thiếu tính khoa học

28/08/2012 07:09
Hoàng Lực (thực hiện)
(GDVN) -“Quảng cáo cũng cần dựa trên nghiên cứu khoa học chính thức, không thể đưa ra các quảng cáo thiếu tính khoa học, gây hoang mang cho người dân” – GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét về các clip quảng cáo của nhãn hàng Vim.


Liên tục thời gian qua trên truyền hình VTV xuất hiện clip quảng cáo của nhãn hàng nước tẩy rửa bồn cầu Vim với hình ảnh đang được nhiều người cho rằng khá phản cảm. Để chứng minh cho chất lượng tẩy rửa của Vim, nhà quảng cáo đã cho nhân vật chính quẹt tay xuống bồn cầu vì…không còn phải lo đến vi khuẩn xâm hại? Hình ảnh trên bị dư luận “để ý” bởi nó gây cho người xem thấy “ghê ghê” vì quảng cáo này thường phát vào đúng những lúc bữa cơm đang ngon lành, đó là buổi trưa và buổi tối. 
Hình ảnh nhân vật trong Clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu cho tay vào bồn cầu gây cảm giác "ghê ghê", phản cảm với người xem (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh nhân vật trong Clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu cho tay vào bồn cầu gây cảm giác "ghê ghê", phản cảm với người xem (ảnh cắt từ clip)
Trước đó nhãn hàng Vim đã tung hàng loạt clip quảng cáo, trong đó hình ảnh các vi khuẩn, vi trùng được đồ họa rất ghê sợ. Nhiều người cho rằng cách làm như vậy là dọa, kích thích sự tò mò đối với người tiêu có tâm lý sợ từ đó tìm đến sản phẩm. Có người lại cho rằng cách làm PR như vậy là thiếu tế nhị, thiếu văn hóa.
Khoan nói đến câu chuyện VTV cho phát các quảng cáo phản cảm vào đúng lúc gia đình quây quần bên mâm cơm, các buổi trưa và buổi tối. Mà ngay trong các Clip quảng cáo cảu Vim – nước rửa bồn cầu, cũng tỏ ra thiếu sức thuyết phục về khoa học. Với nhiều chi tiết đáng để nói như cách phát hiện vi khuẩn, tên các loại vi khuẩn… Để độc giả có cái nhìn đa chiều, với nhiều góc cạnh khách nhau về việc thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim. PV báo điện tử GDVN đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Lân Dũng, nhà giáo nhân dân, nhà khoa học chuyên gia cao cấp Viện VSV&CNSH ĐHQG HN, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam. 
GS Nguyễn Lân Dũng (ở giữa) đang hướng dẫn sinh viên trong Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học ĐHQG HN
GS Nguyễn Lân Dũng (ở giữa) đang hướng dẫn sinh viên trong Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học ĐHQG HN
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, các quảng cáo liên quan đến khoa học cần được thẩm định bởi các nhà chuyên môn, mà điều đó hầu hết đã thiếu đi trong các quảng cáo hiện nay. GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Chẳng hạn quảng cáo nước mắm vô khuẩn - ở nồng độ muối của nước mắm thì mọi vi khuẩn nếu có đều chết hết vì tác dụng co nguyên sinh (plasmolysis) do áp suất thẩm thấu cao của nước mắm, đâu phải chỉ có loại nước mắm ấy mới vô khuẩn. Loại vi khuẩn ưa mặn (halophile) đâu có trong nước mắm”.  Thậm chí một kiến thức cơ bản về vi sinh vật nhưng bị các nhà quảng cáo làm đơn giản hóa khiến người xem cảm giác bực mình. Đó là việc dùng một loại kính lúp, hay một miếng thử quẹt để kiểm tra vi khuẩn. Đánh giá về các clip quảng cáo này GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, đó là “cách lừa” của nhà quảng cáo, đứng ở góc độ khoa học không thể nhận biết được vi khuẩn bằng cách đơn giản như vậy. 
Hình ảnh được cho là thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu, khi kiếm tra vi khuẩn bằng cách dùng miếng thử cho vào hầm cầu (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh được cho là thiếu tính khoa học trong clip quảng cáo của Vim-nước rửa bồn cầu, khi kiếm tra vi khuẩn bằng cách dùng miếng thử cho vào hầm cầu (ảnh cắt từ clip)
“Trong quảng cáo Vim - nước rửa bồn cầu, sau khi sử dụng thấy số lượng vi khuẩn giảm đi rõ rệt khi nhìn qua một cái kính cầm tay như kính lúp (!). Vi khuẩn thường có kích thước khoảng 0,5-1,2 phần nghìn của 1 mm, do đó chỉ có thể thấy được dưới kính hiển vi, chứ không phải qua kính lúp cầm tay” – GS Nguyễn Lân Dũng đánh giá trên góc độ khoa học.
Để có tính khoa học trong các quảng cáo này, theo GS Nguyễn Lân Dũng nếu muốn kiểm tra số lượng vi khuẩn trong hầm cầu, phải có các chuyên viên làm xét nghiệm. Đầu tiên cần phải lấy mẫu, pha loãng, đếm trên phòng đếm hồng cầu hay cấy trên đĩa thạch để suy ra từ số lượng khuẩn lạc hiện lên trên môi trường thạch. Không thể bằng việc dùng một miếng thử quẹt qua để tìm vi khuẩn. Đối với tên gọi các loại vi khuẩn được nhà quảng cáo đưa ra trong clip: Vi khuẩn tả, vàng da, nôn mửa… GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Hầm cầu không bao giờ có  những loài vi khuẩn giống nhau, cho nên không thể nói cụ thể luôn có những loài vi khuẩn nhất định nào đấy. Quảng cáo cần dựa trên các kết quả nghiên cứu chính thức đã được công bố trên các tạp chí khoa học”.
Các loại vi khuẩn trong clip quảng cáo của Vim gây ghê sợ cho người dân (ảnh cắt từ clip)
Các loại vi khuẩn trong clip quảng cáo của Vim gây ghê sợ cho người dân (ảnh cắt từ clip)
Có một thực tế, là hiện nay các nhãn hàng sau khi quảng cáo lượng người mua hàng tăng lên. Lý do là người tiêu dùng cảm thấy yên tâm khi xem  đoạn kết các clip quảng cáo luôn là tên một tổ chức khoa học, một bệnh viện, một viên nghiên cứu nào đó có uy tín. Nhằm lấy danh tiếng của các tổ chức khoa học đó để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của mình. 
Cụ thể trong clip quảng cáo của Vim- nước rửa bồn cầu, đoạn cuối clip là cam kết: “Viện Pasteur chứng nhận”. Về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Các Hội Khoa học chuyên ngành tránh để các doanh nhân mượn danh nghĩa khi đưa ra các quảng cáo với nội dung khoa học thiếu xác đáng, ảnh hưởng đến uy tín”. Để có giải pháp hạn chế các clip quảng cáo thiếu tính khoa học nói chung và trong clip quảng cáo Vim – nước rửa bồn cầu nói chung. GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Bộ Y tế, Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đều cần quan tâm đến các nội dung quảng cáo liên quan đến khoa học”.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực (thực hiện)