Gần 300 nhân viên trường mầm non ở Hà Tĩnh bị chấm dứt hợp đồng sẽ đi về đâu?

04/12/2018 09:23
BÀI VÀ ẢNH: LÊ VĂN VỴ
(GDVN) - Hàng trăm lao động hợp đồng ở các trường mầm non tại Hà Tĩnh mất ăn, mất ngủ, lo lắng, bất an trước nguy cơ mất việc.

Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc phát triển giáo dục mầm non, phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo;

Công văn số 6151/UBND-KGVX ngày 05/10/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện chấm dứt chính sách hỗ trợ hợp đồng đối với nhân viên y tế, kế toán mầm non theo Quyết định 240 ngày 18/01/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đã khiến gần 300 nhân viên kế toán, y tế hợp đồng ở các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đối mặt với nguy cơ mất việc làm.

Mặc dù, thông tin đang ở văn bản, nhưng khiến cho hàng trăm lao động hợp đồng ở các trường mầm non mất ăn, mất ngủ, lo lắng, bất an.

“Đang đi làm nhận được tin, chúng em dở khóc, dở cười, tiến thoái lưỡng nan. Hơn cả buồn là thất vọng. Hơn cả thất vọng là bế tắc”, cô Trần Thị Thúy (Đức Thọ) cho biết.

Ôm trong mình nỗi buồn, các cô không chỉ viết “Đơn trình bày nguyện vọng”, “Tâm thư” mà còn lên xe vào Hà Tĩnh kêu cứu lãnh đạo tỉnh.

Nhân viên kế toán, y tế hợp đồng Đức Thọ bày tỏ nỗi thất vọng và bế tắc
Nhân viên kế toán, y tế hợp đồng Đức Thọ bày tỏ nỗi thất vọng và bế tắc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 30/12/2009, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 50/2009/QĐ-UBND về việc: 

“Hỗ trợ sinh hoạt phí cho giáo viên mầm non ngoài biên chế, hỗ trợ kinh phí cho nhân viên làm công tác y tế, kế toán tại các trường mầm non bán công, dân lập”.

Theo đó, ngày 15/01/2010, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính Hà Tĩnh có Hướng dẫn liên ngành số 69/HDLN-SGD&ĐT-STC nhằm thực hiện Quyết định số 50/2009/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Trên căn bản văn bản chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, các huyện, thị thành lập Hội đồng xét tuyển nhân viên hợp đồng về công tác y tế học đường và kế toán trong các trường mầm non.

Chúng tôi đang có trong tay Công văn của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo gửi Hiệu trưởng các trường mầm non.

Cụ thể, tại huyện Đức Thọ, ngày 13 tháng 4 năm 2010, đồng chí Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo gửi Công văn về Trường đồng ý để Hiệu trưởng ký Hợp đồng với trường hợp cụ thể (mà đã được Hội đồng xét duyệt) và hoàn thành Hồ sơ Hợp đồng trước ngày 16/4/2010 gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo để theo dõi và quản lý.

Tất cả các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh đều thực hiện ký hợp đồng với lộ trình chặt chẽ như Đức Thọ đã làm.

“Để được ký hợp đồng phải đảm bảo các tiêu chuẩn lựa chọn, phải đúng trình tự, chứ không phải dễ dàng”, cô Phan Thị Hương (Mầm non Tân Hương) chia sẻ.

Trong “Tâm thư”gửi lãnh đạo các cấp ngày 19/11/2018, các cô cung cấp thông tin, hầu hết nhân viên Kế toán, y tế hợp đồng  vào tháng 4/2010, còn một số trường hợp khác được ký trước đó.

Do vậy, người hợp đồng lâu nhất là 13 năm, người ít nhất là 8 năm.

Về chế độ, nhân viên kế toán, y tế học đường, ngoài khoản hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, còn được nhận nguồn hỗ trợ từ đóng góp của phụ huynh học sinh và của Uỷ ban nhân dân xã.

Hai nguồn này, lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn huy động, nên mỗi nơi mức hỗ trợ khác nhau.

Mặt khác, trong “Tâm thư” gửi các cấp lãnh đạo, các cô trình bày, trước năm 2013, mỗi tháng lương các cô chỉ 500.000 đồng, từ tháng 1 năm 2013, với Quyết định 240 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, các cô được hưởng lương theo hệ số 1.0.

Tháng 7/2018, trong Bảng lương của 53 trường hợp được hợp đồng  ở Phòng Giáo dục và Đào tạo Đức Thọ là 1.390.000 đồng/tháng. Các cơ sở khác cũng tương tự.

Nhưng Bảo hiểm xã hội lại thu mức lương tối thiểu theo vùng, nên mỗi tháng các cô phải bỏ tiền túi vào đóng bảo hiểm trên 500.000 đồng/tháng.

Mặc dầu mức lương thấp, nhưng đội ngũ kế toán và y tế học đường hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những đóng góp cho phát triển của bậc học mầm non.

Về công việc, ngoài công việc chuyên môn tài chính (với nhân viên Kế toán), tư vấn về chăm sóc sức khỏe, kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc phòng chữa bệnh cho học sinh (đối với nhân viên y tế), các cô sẵn sàng thêm những nhiệm vụ được giao ngoài Hợp đồng như văn thư, tạp vụ, hỗ trợ cô chăm nuôi trẻ và các công việc khác theo phân công của Hiệu trưởng mà không hề một tiếng phàn nàn.

Gần 300 nhân viên trường mầm non ở Hà Tĩnh bị chấm dứt hợp đồng sẽ đi về đâu? ảnh 7Hà Nội đang thiếu gần 12.000 giáo viên 

Lãnh đạo trường cũng như lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ nhân viên hợp đồng trong thời gian qua.

Đây là đội ngũ đã được sàng lọc, thông qua xét tuyển.

Hàng ngàn hồ sơ xét tuyển nhưng các hội đồng xét tuyển chỉ tuyển chọn được gần 300 hồ sơ khá nhất được Hợp đồng.

Từ khi nhận hợp đồng, các cô đã hoàn thành cam kết đã nêu trong hợp đồng và nuôi hy vọng sau một thời gian hợp đồng sẽ được tuyển dụng chính thức.

Gần 10 năm trôi qua, niềm hy vọng ấy có nguy cơ tan vỡ.

Cô Trần Thị Thu Hiền (Mầm non Đức Lạng) ngậm ngùi: “Chúng em được ký hợp đồng khi tuổi đời còn rất trẻ từ 23 đến 27. Nhiều bạn cùng trang lứa nộp hồ sơ Hợp đồng, nhưng bị loại.

Ở thời điểm đó, chúng em rất vui mừng vì, mình may mắn có cơ hội được hợp đồng.

Các bạn không được xét hợp đồng đã ra đi, tìm kiếm cơ hội nơi khác và bây giờ ổn định nghề nghiệp.

Còn chúng em tưởng may mắn, gắn bó với giáo dục, nhưng bỗng dưng có nguy cơ mất việc. Mất việc khi tuổi đời chúng em không còn trẻ hầu hết đã từ 33 đến 40.

Gần 300 nhân viên trường mầm non ở Hà Tĩnh bị chấm dứt hợp đồng sẽ đi về đâu? ảnh 8Ký thừa, ký sai trên 400 giáo viên hợp đồng, Thanh Oai lập đề án giải quyết

Đa số chị em đã xây dựng gia đình, đã có con, gắn bó với địa phương, sinh sống ổn định.

Cho nên mất việc vào thời điểm này, nghĩa là đánh mất cơ hội. Chúng em không có cơ hội để làm lại cuộc đời nữa! Thật là cay đắng”.

Năm 2010, gần 300 nhân viên kế toán và y tế được hợp đồng vào các trường mầm non bán công, dân lập.

Nhưng sau đó, tại Hà Tĩnh, các trường mầm non bán công, dân lập được chuyển sang công lập. 

“Theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV ngày 16 tháng 03 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về việc Quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thì trong các trường mầm non công lập vẫn giữ 2 vị trí nhân viên kế toán, nhân viên y tế học đường như Thông tư 71/2007/TTTL-BGD-BNV ngày 28/11/2007 đã quy định.

Vậy thì chúng em không hiểu tại sao ở Hà Tĩnh lại đi ngược lại quy định này?”, cô Đinh Thị Th. (Mầm non Đức Thịnh) phàn nàn.

BÀI VÀ ẢNH: LÊ VĂN VỴ