Giáo sư Lê Thi kể chuyện bị chửi xơi xơi và đuổi "như đuổi tà"

13/07/2012 07:59
H.Sơn - T.Chung
(GDVN) - "Mặc cả là quyền của người mua, bán hay không là quyền của họ ấy thế mình vẫn bị mắng, bị đuổi vì mặc cả thế thì ra chỗ khác mà mua. Có chỗ nếu mình mà mặc cả trả giá sẽ bị mắng, thậm chí sẽ đuổi đi, đốt vía đấy. Tôi cũng từng gặp chuyện đó” – GS Lê Thi nhớ lại.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ khách hàng của một bộ phận các chủ nhà hàng ở Hà Nội phục vụ theo kiểu bún mắng, cháo chửi, thậm chí còn có những hành động rất thiếu tôn trọng với khách hàng. Nhiều độc giả cho rằng, văn hóa bán hàng hay văn hóa ẩm thực của người Hà Nội nay đã bị phai nhạt, biến đổi đi rất nhiều, không còn giữ được những nét đẹp của ngày xưa nữa. Để độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Lê Thi, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, nguyên giám đốc Trung tâm về Phụ nữ và Gia đình (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới).Văn hóa bán hàng, phục vụ ngày nay bị lệch lạc đi nhiều Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong kháng chiến chống Pháp, GS Lê Thi (tên thật Dương Thị Hoa) là cán bộ phụ nữ ở khu Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công tác phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang, rồi các phong trào phụ nữ trong nội thành Hà Nội bị tạm chiếm, bà luôn là người hoạt động tích cực.
GS. Lê Thi cũng có lần bị mắng và đuổi đi chỗ khác vì mua hàng mặc cả
GS. Lê Thi cũng có lần bị mắng và đuổi đi chỗ khác vì mua hàng mặc cả
GS Lê Thi còn được biết đến là một trong hai nữ sinh Hà Nội may mắn và vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 và bà là con của GS Dương Quảng Hàm.
Trong căn nhà gỗ hai tầng cũ ở khu tập thể trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), chúng tôi được trò chuyện với một vị giáo sư hết sức bình dị, đời thường này. Và khi đề cập đến chủ đề ứng xử văn hóa, văn hóa bán hàng, vị nữ giáo sư 86 tuổi này rất ngạc nhiên về sự xuất hiện của “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” hiện nay. “Buồn thật. Hà Nội bây giờ lại có cả “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm”, chứ quán ăn mắng, chửi ngày xưa làm gì có. Thời xưa, khách đến được tiếp đón tận tình, được chiều chuộng và luôn được coi là “thượng đế”. Nếu có cũng chỉ ở thời bao cấp tem phiếu mới có chuyện khách hàng bị mắng, chửi vì người ta có quyền khi hàng hóa khan hiếm, người mua nhiều” – GS Lê Thi chia sẻ. Theo bà, trong văn hóa ứng xử việc chủ quán mà chửi khách hàng là không đúng. Đó cũng có thể do nền kinh tế thị trường, sự du nhập văn hóa đã tạo nên văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực, văn hóa bán hàng bị lệch lạc và thượng khách bị mắng chửi. "Tôi đi ăn quán mà bị mắng chửi sẽ đứng dậy, không ăn nữa và nói với chủ quán cần có thái độ lịch sự, tử tế và không bao giờ quay trở lại đó luôn vì mình mất tiền không thể bị mẳng chửi được" - bà thẳng thắn cho biết. “Giờ cuộc sống xô bồ khiến cho người ta nghĩ nhiều đến lợi ích của mình trước rồi mới xem đến những chuyện khác nữa. Như thế, ít nhiều khiến con người có những thay đổi cung cách phục vụ và văn hóa ứng xử, văn hóa bán hàng sẽ bị lệch lạc đi nhiều. Nhưng dù có như thế nào thì mọi người cũng cần đến phép lịch sự chung rồi mới nói đến chuyện khác. Có lẽ cần thay đổi nhận thức của người bán hàng và người chủ phải tôn trọng văn hóa bán hàng được coi là chuẩn mực” - GS Lê Thi nói. GS Lê Thi cho biết thêm, trước kia, con gái Hà Nội không bao giờ ăn quán, hoặc rất ít ngồi ăn quán mà tất cả đều ở nhà, nếu đi ăn quán thì cũng cùng gia đình. Chỉ có nam giới, công nhân đi làm mới thường xuyên ăn cơm quán. Nữ vào ăn rất ít, có chỉ là bất đắc dĩ. Mọi người đều có ý thức để ứng xử có văn hóa. "Hiện nay, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã bị thay đổi đi nhiều rồi. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay   coi quyền tự do cá nhân là số 1 dẫn đến chưa chuẩn trong giao tiếp ứng xử, rồi ăn mặc không đúng với thuần phong mỹ tục, rất khó coi. Như thế, việc coi trọng con người với con người cũng không được đề cao nữa và văn hóa ứng xử sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực" - bà nhận định.“Tôi từng bị chủ hàng nói thách và đuổi đi” Khi đề cập đến chuyện văn hóa bán hàng hiện nay còn rất nhiều “sạn”, GS Lê Thi cũng bày tỏ một lần đi chợ bị chủ hàng mắng và đuổi đi vì mua hàng mặc cả.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
“Tôi đi mua một bộ quần áo ở chợ Hôm, khi đó chủ hàng nói giá 300 nghìn đồng. Sau đó, tôi chỉ trả 150 nghìn đồng thôi. Nhưng chủ hàng nói: Giá bán như thế bà lại còn mặc cả à, mặc cả nhiều thế. "Mặc cả là quyền của người mua, bán hay không là quyền của họ ấy thế mình vẫn bị chửi xơi xơi và bị đuổi như đuổi tà vì mặc cả thế thì ra chỗ khác mà mua. Có chỗ nếu mình mà mặc cả trả giá sẽ bị mắng, thậm chí sẽ đuổi đi, đốt vía đấy. Tôi cũng từng gặp chuyện đó” – GS Lê Thi nhớ lại.. Theo GS Lê Thi để rõ nguyên nhân vấn đề cần phải nhìn ở nhiều góc độ. Tại sao trước không có nay lại xuất hiện "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm"? Mình phải xem quán ăn đó có gì đặc biệt  không, có phải đồ ăn ngon, rẻ hay cũng do một phần chúng ta quá dễ dãi dấn đến chủ quán có mắng, chửi một tí cũng không sao? "Để chấn chỉnh, giải quyết "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm" cần có sự lên tiếng của khách hàng. Đồng thời, các cấp chính quyền cần có động thái mạnh, phạt thật nặng nếu phát hiện các cửa hàng tiếp tục tái phạm" - GS Lê Thi đề nghị.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
H.Sơn - T.Chung