Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp

17/09/2018 06:00
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Huyện Hậu Lộc đưa ra căn cứ điều động, thuyên chuyển giáo viên một cách rất mơ hồ, có dấu hiệu áp đặt, mất dân chủ, sai quy định.

Giáo viên hoang mang vì bị “đánh úp”

Việc giáo viên bị thuyên chuyển, điều động một cách vô lý, trái luật không chỉ diễn ra ở một số cơ sở giáo dục tại tỉnh Thanh Hóa, mà nó khá phổ biến ở nhiều địa phương khác.

Do đó, việc giáo viên hoang mang, suy sụp sau khi nhận quyết định thuyên chuyển không tuân thủ quy định pháp luật là điều có thể cảm thông được.

Sự việc một số giáo viên tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa được điều động, thuyên chuyển không tuân thủ các quy định pháp luật cho thấy một thấy một nghịch lý đang tồn tại đó là, cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật lại chính là đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác cán bộ.

Câu chuyện điều động, thuyên chuyển giáo viên tại huyện Hậu Lộc bắt đầu từ việc, cô Trần Thị Phương, giáo viên môn Văn – Công dân, công tác tại trường trung học cơ sở Hoa Lộc được điều động, thuyên chuyển về trường trung học cơ sở Ngư Lộc vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2018.

Tiếp đó, vào cuối tháng 8/2018, huyện Hậu Lộc bất ngờ ra quyết định điều động, thuyên chuyển thầy Lại Văn Thăng, giáo viên môn Văn công tác tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc về công tác tại trường trung học cơ sở Hoa Lộc, thế chỗ của giáo viên Trần Thị Phương.

Đáng nói là việc điều động, thuyên chuyển giáo viên tại các cơ sở giáo dục nói trên có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về nguyên tắc sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính.

Sự việc khiến thầy Lại Văn Thăng không khỏi bức xúc vì việc làm này ảnh hưởng tới tâm lý, quyền lợi của bản thân: “Ngày 27/8/2018 tôi nhận được quyết định điều động và thuyên chuyển công tác từ trường trung học cơ sở Ngư Lộc về trường trung học cơ sở Hoa Lộc. Hôm có quyết định, họ gọi tôi đến hội trường huyện Hậu Lộc và đưa quyết định điều động, thuyên chuyển.

Các giáo viên hoàn toàn không biết trước việc điều động, thuyên chuyển này nên hết sức bất ngờ với quyết định trên.

Khi giáo viên thắc mắc và khóc lóc về quyết định điều động thuyên chuyển nêu trên thì huyện chỉ đưa ra giải thích chung chung rồi khuyên giáo viên phải chia sẻ khó khăn với ngành.

Tôi gặng hỏi thì lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc mới nói việc điều động, thuyên chuyển này nhằm đưa giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu”, thầy Lại Văn Thăng cho biết.

Giáo viên cho rằng, quan điểm nêu trên của huyện Hậu Lộc là không hợp lý khi áp dụng vào trường hợp của thầy:

“Tôi không thuộc đối tượng dôi dư căn cứ theo kế hoạch biên chế năm 2018-2019, và trong quá trình công tác tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tại sao phải chuyển đi?

Trong khi đó, nếu cô Phương chuyển đến trường trung học cơ sở Ngư Lộc công tác thì trường trung học trung học cơ sở Hoa Lộc (nơi cô Phương từng công tác) sẽ bị thiếu giáo viên Văn - Công dân.

Tại sao lại có chuyện điều động, thuyên chuyển giáo viên từ nơi thiếu tới nơi thừa? Thế hóa ra, nơi thiếu càng thiếu, nơi thừa càng thừa à?

Việc thuyên chuyển là một chủ trương của huyện, nhưng tôi thắc mắc tại sao trước khi thuyên chuyển không có sự báo trước, không có việc đưa ra hội đồng nhà trường bàn bạc họp, xét và thông qua tôi mà huyện lại làm một cách rất bất ngờ như vậy?", thầy Thăng băn khoăn.

Trường trung học cơ sở Ngư Lộc - nơi thầy Lại Văn Thăng từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.
Trường trung học cơ sở Ngư Lộc - nơi thầy Lại Văn Thăng từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.

Các tài liệu mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy, những phản ánh trên là có cơ sở.

Đặt trường hợp, nếu cơ quan có thẩm quyền cho rằng, việc điều động, thuyên chuyển giáo viên nhằm mục đích đưa giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, thì trong vụ việc này, huyện Hậu Lộc có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan tới công tác cán bộ (nói chung).

Thứ nhất: Vi phạm nguyên tắc điều động, thuyên chuyển.

Theo kế hoạch biên chế năm học của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, năm học 2018 – 2019, trường trung học cơ sở Ngư Lộc thừa 2,5 giáo viên tổ xã hội, sau khi cô Trần Thị Phương được điều về cơ sở giáo dục này công tác.

Điều này đồng nghĩa với việc số lượng giáo viên dư thừa tổ xã hội tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc đã thừa nay lại càng thừa thêm.

Cũng theo kế hoạch biên chế hằng năm, việc chuyển cô Phương tới trường trung học cơ sở Ngư Lộc để công tác cũng đồng nghĩa với việc trường trung học cơ sở Hoa Lộc này bỗng “khuyết” đi một giáo viên Văn - Công dân.

Để “chữa cháy” cho việc thiếu giáo viên môn Văn – Công dân, cuối tháng 8/2018, Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc bất ngờ ra quyết định điều động thầy Lại Văn Thăng về “thế chỗ” cô Phương trong khi giáo viên này chỉ có chuyên môn Văn, đồng thời điều động một giáo viên khác tại trường trung học cơ sở Hòa Lộc về dạy bộ môn Công dân...

Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp ảnh 2Thu sai phải trả lại tiền, lãnh đạo trường trung học cơ sở Ngư Lộc bị kiểm điểm

Việc làm này của huyện Hậu Lộc được cho là trái với nguyên tắc sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính được quy định tại văn bản số 9656/UBND-VX, ngày 28/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, văn bản này nêu rõ, chỉ được điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính dôi dư từ trường này sang trường thừa sang trường thiếu giữa các trường trong phạm vi huyện hoặc giữa các huyện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tính phù hợp với nhu cầu của các đơn vị trong chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.

Thứ 2: Việc điều động, thuyên chuyển đối với thầy giáo Lại Văn Thăng có dấu hiệu vi phạm quy trình.

Theo đó, giáo viên chỉ biết mình bị điều động thuyên chuyển khi Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc trao quyết định điều động thuyên chuyển. Việc làm này được cho là bất hợp lý trong việc tổ chức, triển khai thực hiện, quy định tại mục [8.1], văn bản số 9656/UBND-VX.

Theo đó, cơ quan được giao nhiệm vụ và cơ quan có thẩm quyền trong việc điều động, thuyên chuyển không thực hiện đúng quy trình nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng.

Thứ 3: Xác định không đúng đối tượng điều động, thuyên chuyển.

Theo kế hoạch biên chế năm học 2018-2019, thì số giáo viên dôi dư tổ xã hội trường trung học cơ sở Ngư Lộc được xác định là hai giáo viên khác chứ không phải là trường hợp của thầy Lại Văn Thăng.

Nhưng thay vì việc điều chuyển, sắp xếp giáo viên thuộc diện dôi dư này theo quy định tại văn bản số 9656/UBND-VX, thì huyện Hậu Lộc lại điều động, thuyên chuyển thầy Lại Văn Thăng – đối tượng không thuộc diện dôi dư.

Điều này là trái với hướng dẫn tại mục [3.1], văn bản số 9656/UBND-VX. Theo đó, nội dung tại mục này nêu rõ hình thức điều động giữa các trường trong phạm vi huyện: "Đối với giáo viên trung học cơ sở dôi dư phải sắp xếp, bố trí điều động làm nhân viên hành chính tại trường (nếu còn thiếu biên chế) hoặc về công tác, giảng dạy tại các trường trung học cơ sở còn thiếu biên chế theo quy định".

Trong quyết định điều động, luân chuyển đối với thầy giáo Lại Văn Thăng, cơ quan có thẩm quyền chỉ viện dẫn chung chung về việc phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ mà không nêu rõ những căn cứ có tính pháp lý cụ thể khác về nguyên tắc sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính và các văn bản hướng dẫn chi tiết khác có liên quan tới việc điều động, luân chuyển. Ảnh của Quốc Toản.
Trong quyết định điều động, luân chuyển đối với thầy giáo Lại Văn Thăng, cơ quan có thẩm quyền chỉ viện dẫn chung chung về việc phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ mà không nêu rõ những căn cứ có tính pháp lý cụ thể khác về nguyên tắc sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính và các văn bản hướng dẫn chi tiết khác có liên quan tới việc điều động, luân chuyển.  Ảnh của Quốc Toản.

Thứ 4: Thiếu căn cứ pháp lý trong việc ban hành quyết định điều động, luân chuyển.

Theo đó, trong quyết định điều động, luân chuyển đối với thầy giáo Lại Văn Thăng, cơ quan có thẩm quyền chỉ viện dẫn chung chung về việc phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ mà không nêu rõ những căn cứ có tính pháp lý cụ thể về nguyên tắc sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính và các văn bản hướng dẫn chi tiết khác về việc điều động, thuyên chuyển cán bộ.

Quyết định điều động, luân chuyển không nêu rõ thời gian điều động, thuyên chuyển. Điều này cũng được cho là trái quy định tại phần thứ 4 (thời gian điều động), công văn số 9656/UBND-VX...

Trước những băn khoăn liên quan tới việc điều động thuyên chuyển giáo viên tại huyện Hậu Lộc có nhiều dấu hiệu bất hợp lý, Thầy Lại Văn Thăng, cựu giáo viên trường trung học cơ Ngư Lộc đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ việc điều chuyển giáo viên có dấu hiệu bất hợp lý, đồng thời trả lại công bằng cho thầy (chuyển trả thầy về trường cũ) trong vụ việc nói trên.

Huyện điều động, thuyên chuyển giáo viên theo kiểu tù mù?

Cần phải nói thêm rằng, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 10/9, các lý giải của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc được cho là rất mơ hồ, bởi cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, chứng cứ (bằng văn bản) để khẳng định việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong trường hợp nói trên là đúng quy định. 

Ông Phạm Cao Thương, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc chỉ nêu "suông" 3 lý do chính để thực hiện việc điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với cô Trần Thị Phương và thầy Lại Văn Thăng.

Cụ thể, ngoài việc sắp xếp lại đội ngũ giáo viên dôi dư, việc thuyên chuyển, điều động còn nhằm mục đích tăng cường chất lượng đại trà cho trường trung học cơ sở Ngư lộc.

Mặt khác, nếu giáo viên làm việc ở một trường quá lâu ở một môi trường thì sẽ trì trệ. Việc điều chuyển cô Phương từ trường trung học cơ sở Hoa lộc về Ngư Lộc cũng căn cứ vào đơn xin chuyển công tác của cô Trần Thị Phương.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các lý giải trên của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc được cho là rất mơ hồ, bởi cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, chứng cứ (bằng văn bản) để khẳng định việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong trường hợp nói trên là đúng. Trong ảnh, ông Phạm Cao Thương, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Ảnh của Quốc Toản.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các lý giải trên của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc được cho là rất mơ hồ, bởi cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, chứng cứ (bằng văn bản) để khẳng định việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong trường hợp nói trên là đúng. Trong ảnh, ông Phạm Cao Thương, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Ảnh của Quốc Toản.

Các lý giải trên được cho là chưa hợp lý, bởi lẽ nếu lấy lý do điều động, thuyên chuyển giáo viên trong vụ việc trên với mục đích tăng cường chất lượng đại trà, thì cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện việc này ngay từ đầu năm học chứ không phải lấy cớ “tăng cường chất lượng đại trà” để điều động thuyên chuyển giáo viên bất ngờ theo kiểu “đánh úp" và vào thời điểm thực hiện chẳng giống ai như vậy. 

Mặt khác, khi được hỏi về cái gọi là văn bản “tăng cường chất lượng đại trà” thì ông Thương cho biết, việc điều động, thuyên chuyển này chỉ căn cứ vào “tinh thần chỉ đạo” chứ không có văn bản gì.

Phóng viên tiếp tục hỏi về việc cái gọi là "tinh thần chỉ đạo" dựa trên căn cứ hoặc theo văn bản quy phạm pháp luật nào (?), thì ông Thương không trả lời được.

Đáng chú ý là, việc điều động thuyên chuyển cô Trần Thị Phương trong trường hợp này được thực hiện vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6. Đây cũng là thời điểm được cho là hết sức "nhạy cảm" (ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc sắp nghỉ hưu). Vị này cũng là người tham gia vào việc điều động, thuyên chuyển giáo viên Trần Thị Phương từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc đến trường trung học cơ sở Ngư Lộc).

Nếu lấy lý do giáo viên làm việc ở một trường quá lâu thì sẽ trì trệ, thì cũng chưa thuyết phục thậm chí quan điểm này còn mang tính phiến diện bởi lẽ, hằng năm giáo viên có (được) đánh giá năng lực theo các tiêu chuẩn năng lực giáo viên...

Mặt khác cũng không có quy định bắt buộc nào nói về việc điều động, thuyên chuyển giáo viên từ trường này (trường cấp 2) đến trường khác chỉ vì họ đã công tác lâu năm tại trường cũ.

Hơn thế, nếu cơ quan có thẩm quyền tư duy theo cách hiểu này thì không phù hợp, ít nhất là đối với trường hợp của thầy Lại Văn Thăng, bởi lẽ, thầy Thăng từng là giáo viên giỏi huyện, luôn hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong nhiều năm liền thầy giáo này đều có học sinh giỏi tỉnh, huyện, góp phần đem lại thành tích của trường trong những năm học qua.  

Về việc cô Phương có đơn chuyển công tác vì hoàn cảnh gia đình cũng không có cơ sở, bởi trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc không đưa ra được căn cứ (đơn xin chuyển công tác của cô phương) với lý do: “Đơn xin chuyển trường của cô Phương không còn, tôi (chỉ ông Thương) không lưu, không giữ nữa”, ông Thương nói.

Việc điều cô Trần Thị Phương từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc về thế chỗ thầy Lại Văn Thăng tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc là sai. Muốn sắp xếp đội ngũ cho phù hợp phải điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu, điều từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều. Trong khi đó, trường Hoa Lộc đang ổn định thì điều đi làm gì? Điều đến nơi thừa (trường trung học cơ sở Ngư Lộc) để ngồi chơi à? Tôi sẽ làm việc thêm với huyện về vấn đề này", ông Nguyễn Văn Ấp - Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cho biết.

Được biết, cô Phương từng dạy trường trung học cơ sở Ngư Lộc, sau đó chuyển công tác tới trường trung học cơ sở Hoa Lộc.

Khi kết thúc năm học 2017-2018, cô Phương bất ngờ được điều động, thuyên chuyển về trường trung học cơ sở Ngư Lộc với các lý do nêu trên.

Về việc này, thầy Lại Văn Thăng cho rằng, việc điều động và thuyên chuyển cô Phương thay thế vị trí của thầy tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc là hết sức bất thường, không đúng với các quy định pháp luật hiện hành về điều động, thuyên chuyển giáo viên...

“Tại sao những lúc trường trung học cơ sở Ngư Lộc khó khăn, không có giáo viên nào xung phong về vùng khó? Trong khi bản thân tôi đã cống hiến cho vùng khó nhiều năm, thì nay lại buộc phải đánh đổi cho một giáo viên trước đây đã từng chuyển đi khỏi vùng khó?

Đến nay khi vùng khó có chế độ (bãi ngang) thì chính giáo viên ấy lại được quay về. Điều này thật mất công bằng”, thầy Lại Văn Thăng cho biết. 

Trước những bất thường trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong vụ việc nói trên, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc cho biết, lãnh đạo huyện đã nắm được thông tin vụ việc, đồng thời yêu cầu cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát theo phản ánh.

“Tôi đã yêu cầu ngành giáo dục kiểm tra lại trường hợp điều động, thuyên chuyển này. Nếu thuyên chuyển, điều động không đúng, yêu cầu hủy và thu hồi quyết định điều động giáo viên đó ngay. Ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân”, ông Luệ nói.

Đến nay, đã hết thời hạn trả lời khiếu nại của công dân về việc điều động, luân chuyển giáo viên trong vụ việc nói trên, nhưng Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc chưa có phúc đáp theo quy định.

Còn nữa!

QUỐC TOẢN