Gom thực phẩm ngoài chợ, Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm xin... rút kinh nghiệm

25/12/2015 10:01
Hải Ninh-Phan Thiên
(GDVN) - Ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm nhưng Nhà trường không biết rõ nguồn thực phẩm lấy từ đâu. Đó đang là thực trạng tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Ngoài phụ huynh học sinh lo lắng về nguồn thực phẩm cung cấp suất ăn cho con em tại trường học bán trú thì những nhà quản lý cũng đang "nhọc" nỗi lo về nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc được hợp thức hóa bằng con dấu của những Công ty, cơ sở sản xuất...ký kết với nơi nhận cung cấp (trường học).

Vấn đề này đang được toàn xã hội quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ tương lai của đất nước.

Ngoài thị trường, người tiêu dùng đang chú trọng xem xét khi mua nguồn thực phẩm hàng ngày.

Nguy hại hơn khi Nhà trường hoàn toàn tin tưởng vào những giấy tờ đã được các cơ quan chức năng cấp cho đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm mà thiếu sự kiểm tra, giám sát.

Một buổi ăn nhẹ cuối cùng trước khi tan học của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Phan Thiên
Một buổi ăn nhẹ cuối cùng trước khi tan học của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Phan Thiên

Phụ huynh Lê Văn T., có con đang theo học tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (KĐT Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng: "Tôi rất không yên tâm khi con tôi ăn bán trú tại trường này vì thầy cô không những tự nấu ăn mà còn thường xuyên mua thực phẩm ngoài chợ, không kiểm soát được nguồn gốc. Tuy nhiên, giờ cũng không biết làm cách nào, nếu giám sát, ý kiến nhiều quá thì thầy cô lại sinh ra ghét con mình...".

Hiệu trưởng "bối rối" về nguồn gốc thực phẩm tại Trường Thành Công B, "khoán trắng" trách nhiệm cho doanh nghiệp

Một phụ huynh khác tiết lộ: "Tại trường Đoàn Thị Điểm, mọi việc suất ăn, bếp núc, mua thực phẩm đều do thầy cô phụ trách. Thường là họ mua gom một số đại lý ngoài chợ về, các đại lý này cũng thu gom của người khác nên không thể xác định được nguồn gốc nó trôi nổi từ đâu".

Hệ thống giáo dục của Trường Đoàn thị Điểm có 5 cơ sở. Tại Hà Nội có 4 cơ sở, và Quảng Ninh có 1 cơ sở. Ảnh: Phan Thiên
Hệ thống giáo dục của Trường Đoàn thị Điểm có 5 cơ sở. Tại Hà Nội có 4 cơ sở, và Quảng Ninh có 1 cơ sở. Ảnh: Phan Thiên

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình kiểm soát thực phẩm cung cấp cho học sinh bán trú, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: Trường hiện có hơn 3.000 học sinh được chia làm 2 cơ sở, một là ở Mỹ Đình 2, cơ sở 2 là ở Xuân Đỉnh.

Bà Hiền khẳng định: "Chúng tôi xác định việc bán trú của các em học sinh còn là nhiệm vụ quan trọng hơn việc giảng dạy...".

Một góc sân vui chơi cho học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (cơ sở 2 - Mỹ Đình). Ảnh: Phan Thiên
Một góc sân vui chơi cho học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (cơ sở 2 - Mỹ Đình). Ảnh: Phan Thiên

"Tất cả các cơ sở đào tạo của Trường Đoàn Thị Điểm không giống như các trường công lập khác. Mọi công việc đều được Nhà trường làm đều là từ A đến Z, trường cũng không liên kết với bất cứ đơn vị nào", bà Hiền cho biết.

Gom thực phẩm ngoài chợ, Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm xin... rút kinh nghiệm ảnh 4

Vụ “bữa ăn thịt thối”: Nhà trường trốn tránh, an toàn thực phẩm bó tay

(GDVN) – Trong quá trình tác nghiệp vụ việc “bữa ăn thịt thối” có liên quan đến hai trường: Hiệp Bình Chánh, THCS Linh Đông, lãnh đạo nhà trường liên tục né tránh PV.

Trái với lời khẳng định "bán trú là nhiệm vụ quan trọng", khi kiểm tra hồ sơ thực phẩm, phóng viên bất ngờ phát hiện ra cách mua thực phẩm "có 1 không 2" của Trường Đoàn Thị Điểm.

Đó là, hầu hết các thực phẩm đều được thu gom ở các đại lý ngoài chợ, một số thực phẩm có Công ty cung ứng nhưng Nhà trường cũng không xác định được đấy có phải là sản phẩm do chính Công ty đó sản xuất hay lại đi thu gom ở nơi khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Hiệu trưởng phụ trách bán trú tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cung cấp các giấy tờ, hợp đồng liên quan đến các Công ty, cơ sở cung cấp thực phẩm cho Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Tuy nhiên, một số hợp đồng ký với Công ty lại không hề có điều khoản thể hiện việc sản phẩm phải do chính công ty đó sản xuất. Do đó, doanh nghiệp có thể đi mua thực phẩm trôi nổi ở nơi khác cũng không vi phạm hợp đồng. 

Hầu hết các hợp đồng còn lại, Nhà trường đều ký với các cá nhân. Các cá nhân này hiện đang kinh doanh ở các ki-ốt ngoài chợ. Hồ sơ kèm theo ngoài có giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh... thì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề này, lãnh đạo Trường Đoàn Thị Điểm cũng đành "bó tay", vì không biết nguồn gốc từ đâu.

Buổi làm việc giữa đại diện Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Phan Thiên
Buổi làm việc giữa đại diện Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Phan Thiên

Về việc này, bà Hiền thừa nhận là Nhà trường còn thiếu sót trong việc đó. Ví như, nguồn thịt lợn của Nhà trường được nhập từ Công ty Vi Anh. Tuy nhiên, nguồn thịt lợn có phải do chính cơ sở Vi Anh giết mổ hay đi mua thu gom ở nơi khác thì bà Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng không trả lời được.

Các thực thực phẩm khác như: tôm, cá, chả cá, nấm, trứng... thì Nhà trường thu mua của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở các chợ. Không hề có giấy tờ thể hiện nguồn gốc. Nhà trường cũng không hề biết các thực phẩm này được nhập ở đâu về.

Sau buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hiền, Hiểu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm xin rút kinh nghiệm và sẽ sớm khắc phục những tồn tại.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin.

Mọi thông tin phản ánh, góp ý, tố giác về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, trong đó có nguồn cung cấp thực phẩm trôi nổi, không rõ ràng... xin gửi về Ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tầng 6, tòa nhà 25T1, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội. Email: duyphong@giaoduc.net.vn, ĐT: 0942852555.
Hải Ninh-Phan Thiên