Gửi các sếp lương “khủng”

28/08/2013 16:11
Nguyễn Minh
(GDVN) - "Ở các nước phát triển, người lãnh đạo họ rất có lòng tự trọng, họ chỉ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, nhà nước trả công cho họ để họ phục vụ nhân dân tốt nhất, và đồng lương họ cầm là phù hợp với những công sức họ bỏ ra. Nếu họ làm sai, người dân sẽ đòi hỏi pháp luật phải trừng trị họ thích đáng hoặc là họ tự xin từ chức vì chưa làm tròn trách nhiệm của mình".
Trên đây là đánh giá của độc giả Nguyễn Minh trước những thông tin Giám đốc 03 công ty công ích Tp. Hồ Chí Minh nhận lương “khủng”. Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của độc giả Nguyễn Minh đến với bạn đọc:

Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP làm việc trên công trường - Ảnh: Tuổi trẻ
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP làm việc trên công trường - Ảnh: Tuổi trẻ


Mấy ngày qua, tôi đã theo dõi về thông tin Giám đốc 03 công ty công ích Tp. Hồ Chí Minh nhận lương “khủng”: Công ty Thoát nước đô thị TPHCM (TNĐT TPHCM), Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM (CSCC TPHCM) và Công ty Công trình giao thông Sài Gòn (CTGT SG), cụ thể lương của Giám đốc công ty TNĐT TP.HCM là 2,6 tỷ đồng/năm, lương của Giám đốc công ty CSCC TP.HCM là 2,2 tỷ đồng/năm và lương của Giám đốc công ty CTGT SG là 856 triệu đồng/năm.

Tôi tự đặt câu hỏi: Vì sao các vị lại có thể làm một việc trắng trợn và tham lam vô độ đến thế?

Sẽ không có gì bàn cãi khi đây là mức thu nhập hết sức khách quan và xứng đáng để tưởng thưởng cho những vị lãnh đạo công ty đã miệt mài tâm sức, cống hiến tài năng cho nhân dân và đất nước, đặc biệt là những công ty mà nhiệm vụ và trách nhiệm của nó là đem tới những điều thiết thực hàng ngày nhất, tạo ra một giá trị đích thực nhất, được toàn xã hội ghi nhận.

Nhưng không phải vậy, ai đã từng phải chịu đựng cảnh kẹt xe khi tham gia giao thông giờ cao điểm; ai đã từng ngửi mùi nước cống trào lên trên mặt đường từ những “lô cốt” được đào lên lấp xuống thường xuyên mỗi khi trời mưa xuống; ai đã từng trải qua cảm giác xe chết máy phải đẩy bộ hàng cây số dưới hàng mét nước ngập; ai đã từng nghe tiếng cãi vã xô xát nhau của người đi đường khi phải chen chúc nhau đi lên trước những khi mưa vừa tan trên đường phố Tp. Hồ Chí Minh, và hàng trăm chuyện giao thông thường ngày như vậy nữa.

Các vị Giám đốc này, chắc họ không thể không thấy và biết những con người lao động bình thường bán sức lao động của mình để đi đào đường, lấp cống, chui vào những nơi tăm tối dưới mặt đường xe đi để khai thông cống nước, lấy ra những thức dơ bẩn nhất trên đời này để đổi lấy những đồng lương ít ỏi và rẻ rúng.

Hay là các vị chỉ chuyên đi trên những chiếc xe hơi máy lạnh sáng có người đưa đi, chiều có kẻ đón về trên những con đường phẳng lỳ rộng rãi mà quên mất rằng, dưới những mặt đường kia là bao nhiêu con người đang còng lưng ra để làm những công việc mà các vị cho là không đáng quan tâm.

Các vị hãy dành một chút lòng tự trọng để nhìn vào những công việc mà mình đã làm cho nhân dân, tôi cam đoan rằng nếu các vị là những người cán bộ có lương tâm, chắc hẳn rằng sẽ cảm thấy vô cùng nhục nhã nếu nhận những đồng lương thu nhập mà người dân lao động có mơ ước cả đời cũng không có được, vì đó chính là nhưng đồng tiền thuế do chính họ đóng góp để nhà nước trả cho các vị.

Cả nước đang rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn nhất, tiết kiệm chi tiêu chặt chẽ, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, túi tiền người dân bị thu hẹp, giá cả tăng chóng mặt, bất ổn xã hội tiềm tàng… thế nhưng việc ấy không hề, đâu phải việc của quý vị ?

Các vị vẫn tự cho phép mình làm ít, làm giả, làm “bậy” để hợp thức hóa hưởng một mức lương mà tôi tin là ngay cả những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không dám tưởng tượng ra.

Có lẽ chưa ai trong các vị phải trải nghiệm sự khổ ải của người dân khi lưu thông trên những con đường nội thành đầy ổ voi, ổ gà, những con đường thi công hàng mấy năm trời ngổn ngang bụi bay mù mịt và “bơi” trên những con đường trung tâm sau những cơn mưa để trải nghiệm trong mùi nước cống nồng nặc.

Ở các nước phát triển, người lãnh đạo họ rất có lòng tự trọng, họ chỉ làm theo  năng lực, hưởng theo nhu cầu, nhà nước trả công cho họ để họ phục vụ nhân dân tốt nhất, và đồng lương họ cầm là phù hợp với những công sức họ bỏ ra. Nếu họ làm sai, người dân sẽ đòi hỏi pháp luật phải trừng trị họ thích đáng hoặc là họ tự xin từ chức vì chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Thế nhưng, năng lực các vị tới đâu, nhu cầu thế nào, đạo đức ra sao thì có lẽ người dân là hiểu rõ nhất.
Nếu việc làm trái quy định, trái pháp luật, trái lương tâm, trái đạo đức của các vị không bị phát giác và trừng trị thích đáng thì người dân họ còn biết tin vào ai nữa chứ !



Nguyễn Minh