Hà Nội: "Người mua" vắng bóng tại chợ lao động dịp cuối năm

13/01/2012 13:10
Thành Chung
(GDVN) - Dịp cận Tết được coi là mùa làm ăn nhưng năm nay, tại các chợ lao động ở thủ đô, cảnh trăm "người bán" nhưng chẳng có lấy "người mua" lại đang diễn ra.
Mới 8 giờ sáng, dọc các con đường Nguyễn Trãi, khu vực Ngã Tư Sở, cầu vượt Mai Dịch, chợ Long Biên, Đồng Xuân (Hà Nội)… hàng trăm người lao động, chủ yếu ở khu vực ngoại thành và tỉnh lẻ tụ tập chờ việc.
Tại “chợ” lao động gần cổng chợ Phùng Khoang (Từ Liêm), dù trời giá rét nhưng ngay từ 7 rưỡi sáng, hàng chục người lao động đã tụ tập với những chiếc xe đạp, xẻng … sẵn sàng chờ việc. 

Những người lao động nữ ngồi túm tụm trong cảnh "đói việc" tại khu vực gần cổng chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội).
Những người lao động nữ ngồi túm tụm trong cảnh "đói việc" tại khu vực gần cổng chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội).

Cứ thấy ai đỗ sát vỉa hè, là họ lại ùa ra hỏi: “Anh, chị cần người à, ở đây có đủ đàn ông lẫn đàn bà, phá dỡ nhà, đào móng, khuân vác hay dọn dẹp, kể cả thông tắc vệ sinh chúng tôi làm được hết…”. Có khi nhầm họ lại “tiu ngỉu” quay vào chỗ đang ngồi dở trên vỉa hè của mình. 

“Cuối năm rồi mà chả có mấy việc gì cả, bọn chị lên được chục ngày mà vẫn cứ ngồi chơi, buôn chuyện với nhau thế này đây”, chị Phạm Thị Hoa, quê ở Vụ Bản, Nam Định chia sẻ.
Anh Lê Văn Dũng, quê Nghĩa Hưng, Nam Định có hơn chục năm “bươn chải” qua các chợ lao động tại thủ đô chia sẻ : “Nhà 4 khẩu nhưng chỉ có hơn 2 xào ruộng, vụ rồi thu hoạch cũng kém, mà đất kém, không trồng được cây vụ đông nên thu hoạch xong vụ lúa là hai vợ chồng tôi dẫn nhau lên đây, chỉ mong làm sao kiếm thêm ít tiền lo học cho con, nhưng toàn ngồi không, nhìn nhau là chính đây, chán lắm”.
Cũng theo anh Dũng: "Dịp giữa năm còn việc nhiều, mỗi ngày hai vợ chồng làm bình thường cũng kiếm 300.000 – 350.000 đồng, nhưng từ tháng 10 đến giờ, việc ít nên mỗi ngày giờ hai vợ chồng chỉ cần kiếm được 200.000 - 250.000 đồng cũng là một ước mơ.

Tại khu vực trong chợ Long Biên, ngồi túm tụm cùng với hơn chục người phụ nữ khác bên những đôi quang gánh, chờ gọi việc, chị Nguyễn Thị Vân (quê Ân Thi, Hưng Yên) chia sẻ: “Mấy năm về trước, hoa quả về dồn dập dịp cuối năm này thì còn có nhiều việc chứ năm nay, đến giờ vẫn bình bình, lượng mua chậm, mà người lao động như bọn chị từ quê ra dịp cuối năm này cứ mỗi ngày một nhiều thành ra việc cũng ít dần, như năm ngoái mỗi ngày cứ chịu khó gánh cũng kiếm được 60.000 – 80.000 đồng, chứ năm nay khó lắm.”

Ngoài việc nhiều công ty ra đời chuyên nhận các công trình phổ thông để cạnh tranh với cánh lao động phổ thông tại các chợ,  anh Phạm Xuân Hùng (quê Thái Bình) cho rằng “Mấy năm trở lại đây, các gia đình ở Hà Nội có sang sửa lớn thì toàn làm vào đầu, giữa năm còn cuối năm, giá cả leo thang nên có sang sửa nhỏ hay dọn dẹp gì thì họ toàn làm lấy cả, cái gì vất lắm thì mới thuê người”.

Dù ít việc nhưng những người lao động này vẫn cố bám trụ lại để mong kiếm lấy một chút tiền để về lo Tết cho gia đình.
Dù ít việc nhưng những người lao động này vẫn cố bám trụ lại để mong kiếm lấy một chút tiền để về lo Tết cho gia đình.

Còn theo anh Trần Mạnh Hùng (quê Thanh Hóa), do các “chợ” họp chủ yếu ở khu vực lòng đường, vỉa hè nên thường xuyên bị các lực lượng chức năng “dẹp”. “Nhiều lần khách đến gọi việc là các lực lượng chức năng lại xuất hiện dẹp chợ, thu dụng cụ, hỏi cả khách việc đỗ xe sai quy định, thành ra nhiều khách cũng ái ngại, chả đến tìm nữa”.

Việc ít, thu nhập eo hẹp nhưng giá phòng trọ, ăn uống leo thang hàng ngày nên nhiều người phải xoay sang nhận làm thêm ở một số công trình xây dựng đang thi công với nhiệm vụ xúc bùn đất hay nhận đào, san lấp đường, vỉa hè...

“Nhưng cũng chả được mấy hôm lại hết việc vì khi nào các công ty thiếu người mới đến lượt mình, mà công làm đêm cũng chỉ được 100.000 – 120.000 đồng là cùng mà nhiều khi làm một công đêm lại phải nghỉ mất hai công ngày, mất sức lắm”, anh Trịnh Văn Cường, quê Thái Bình đang chờ việc trên đường Bưởi tâm sự.
 
Nhiều người lại chuyển sang bán bánh mỳ, hoa quả dạo… “Minh làm lao động chân tay quen rồi sang bán mấy thứ lặt vặt đó vừa không có duyên, mối mang cũng chẳng có gì cả, công an thì đuổi, bắt thu  liên tục, thành ra cả tuần liền ế hết cả, cụt vốn… lại quay về với chợ này”, chị Nguyễn Thị Yến (quê Thanh Hóa) chia sẻ.

Dù việc ít, thu nhập không đáng là bao lại còn trăm bề nỗi lo nhưng những người lao động tỉnh lẻ vẫn cố bám trụ lại đến cận Tết, như lời của chị Nguyễn Thị Hà (quê Bắc Giang, đang chờ việc ở chợ Long Biên): “Việc năm nay tuy là có ít, thu nhập không nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải cố bám trụ thôi, chứ dịp này về nhà cũng chẳng biết làm gì ra tiền cả, lại còn bọn trẻ ở nhà, từ đầu năm đến giờ chúng nó toàn mặc áo cũ đi học chứ đã có quần áo mới đâu nên cố làm, kiếm lấy ít nhiều để Tết về mua bộ quần áo mới cho con bằng bạn, bằng bè”.
Thành Chung