Hàng trăm hộ dân ở Hà Nội phải dùng nước nhiễm thạch tín vượt 43 lần

28/09/2012 06:50
Thành Chung
(GDVN) - Hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu hiện đang sinh sống tại các khu nhà tái định cư B3, B4, B5 thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) đã phải chịu sống với nguồn nước bị ô nhiễm thạch tín (asen) vượt quá 43 lần cho phép trong nhiều năm nay do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội cung cấp.

6 năm tái định cư cùng nước nhiễm thạch tín

Trong đơn phản ánh gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều hộ dân sống tại tổ dân phố số 22 (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Ngày 24/11/2006, UBND TP Hà Nội có quyết định xây dựng các khu nhà ở B3, B4, B5 tại thị trấn Cầu Diễn để phục vụ việc tái định cho 115 hộ dân di dời tại 7 khu nhà gỗ tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm).
6 năm qua, hàng trăm hộ dân sống tại tổ dân phố số 22 (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) đã phái chịu cảnh sử dụng nước nhiễm độc nặng
6 năm qua, hàng trăm hộ dân sống tại tổ dân phố số 22 (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) đã phái chịu cảnh sử dụng nước nhiễm độc nặng

Thực hiện quyết định này, 115 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đã nghiêm chỉnh chấp hành việc di dời để chuyển đến khu tái định cư tại thị trấn Cầu Diễn sinh sống.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
"Khi di chuyển đến nơi ở mới, các hộ dân chúng tôi đều có chung mong muốn sẽ được sống an toàn và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, kể từ khi các hộ dân chuyển đến đây sinh sống, các hộ dân này vẫn hàng ngày phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm các tạp chất, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về nước sạch", ông Hoàng Tiến An một cư dân đang sinh sống tại nhà B3 phản ánh. Nguy hiểm hơn, trong những lần người dân mang nguồn nước mà mình vẫn dùng để sinh hoạt đi kiểm nghiệm đã cho những kết quả nước nhiễm asen (thạch tín - PV) cao gấp nhiều lần cho phép. Theo kết luận của Viện Công nghệ Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) mà người dân cung cấp cho phóng viên thì những mẫu nước được đưa đi kiểm nghiệm có các chỉ tiêu asen (thạch tín - PV) không đạt Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng ăn uống. Một số mẫu còn có các chỉ tiêu độ đục, Coliform và nitrat cũng không đạt chuẩn. Trong kết quả xét nghiệm do chính Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội được cho là đơn vị cung cấp nước cho các hộ dân tại đây lấy mẫu ngày 13/3/2012, Viện Công nghệ Môi trường, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cho kết quả hàm lượng nitrat (NO3) cao gấp nhiều lần cho phép (165,9 tức là gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép);

Phiếu xét nghiệm cho thấy hàm lượng Asen vượt 43 lần cho phép tại khu dân cư này
Phiếu xét nghiệm cho thấy hàm lượng Asen vượt 43 lần cho phép tại khu dân cư này
Kết quả xét nghiệm do Công ty này lẫy mẫu ngày 28/3/2012, Viện Công nghệ môi trường đã kết luận: Mẫu nước trên có các chỉ tiêu nitrat không đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống” (kết quả xét nghiệm số 76/KQ-VCNMT ngày 11/4/2012). Ngày 9/5/2012, ông Đinh Văn Long, cư dân khu tái định cư lấy mẫu đi xét nghiệm và Viện Công nghệ môi trường có phiếu kết quả số 118/KQ-VCNMT ngày 15/5/2012 kết luận: “Mẫu nước trên có các chỉ tiêu Asen không đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống”, hàm lượng Asen (As) có trong nước ăn cao gấp 43 lần cho phép. "Nước nhiễm độc này, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn như chúng tôi mà nguy hiểm hơn là các cháu nhỏ. Tính bình quân, mỗi hộ có 2 cháu nhỏ nhưng vậy có đến hàng trăm cháu, thế mà phải sử dụng nước nhiễm độc thế này. Những bệnh về da, đau mắt, bệnh đường ruột, đại tràng... là chuyện thường xuyên xảy ra tại đây", ông An cho biết.
Trạm cấp nước khu nhà ở Cầu Diễn với nguồn nước được xác định bị nhiễm độc nặng.
Trạm cấp nước khu nhà ở Cầu Diễn với nguồn nước được xác định bị nhiễm độc nặng.

Ông Kiên, một cư dân khác ở đây cũng bày tỏ: "Nước nhiễm độc như thế nên để đảm bảo nước dùng các hộ có điều kiện phải đầu tư thêm cả chục triệu đồng để lắp thêm các hệ thống lọc nước. Còn những hộ không có điều kiện thì buộc phải dùng nguyên nước nhiễm độc đó để tắm giặt, ăn uống, thực sự với kết quả xét nghiệm như vậy cũng đủ thấy, nguồn nước đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt của các cháu nhỏ như thế nào rồi. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố sớm vào cuộc giúp đỡ, cung cấp nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe...".Mỏi mắt chờ nước sạch...
Theo ông An cho biết, sau khi phát hiện nguồn nước nhiễm độc, với mức độ nguy hại cao như vậy, đại diện khu dân cư đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đề nghị cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cho sức khỏe người dân. Ban quản lý khu tái định cư thuộc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội (trực thuộc Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) và UBND thị trấn Cầu Diễn đã nhiều lần họp để ghi nhận ý kiến người dân, Công ty nước sạch thành phố Hà Nội cũng cam kết cung cấp nước sạch cho 115 hộ dân tái định cư Cầu Diễn vào cuối năm 2011.  “Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, đã gần hết năm 2012 và tính ra đã 6 năm chúng tôi về đây sinh sống nhưng nước sạch để dùng thì vẫn chưa thấy đâu cả. Chúng tôi đã phải hi sinh, đã phải chuyển từ một khu trung tâm về đây, những tưởng được rộng rãi, hưởng cuộc sống được tốt hơn thế mà nước thì nhiễm độc đến thế này, sức khỏe lại bị ảnh hưởng, vậy thì có đáng chăng?”, ông An bức xúc nói.
Từng trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội) cho biết, Asen trong nước không có màu, mùi, vị. Cụ thể sẽ gây ra nhiều bệnh khác nhau trong đó đặc trưng nhất là ung thư da, phổi, gan thận...

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới bạn đọc...

Thành Chung