"Hành động phản cảm trong quảng cáo Vim vi phạm Luật Quảng cáo 2012"

10/09/2012 07:10
Độc giả Nguyễn Văn
(GDVN) - "Nhiều bậc phụ huynh phản ánh hình ảnh sờ tay vào bồn cấu rất mất vệ sinh trong đoạn quảng cáo Vim đã khiến nhiều trẻ học theo. Đối chiếu với qui định tại Luật Quảng cáo mới được Quốc hội ban hành và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2013 thì quảng cáo này rõ ràng đã vi phạm. Và dù Luật chưa có hiệu lực nhưng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xem xét, xử lý đối với tác hại mà quảng cáo này gây ra với trẻ em...", độc giả Nguyễn Văn nhấn mạnh.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết liên quan đến đoạn quảng cáo nước tẩy rửa Vim, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Văn nhấn mạnh, với những hành động mất vệ sinh, phản cảm trong đoạn quảng cáo của Vim đã khiến trẻ em học theo. Đối chiếu với qui định tại Luật Quảng cáo thì rõ ràng, đoạn quảng cáo này đã vi phạm. Mời độc giả cùng theo dõi:
Tôi đã xem đoạn quảng cáo nước tẩy rửa Vim phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trong thời gian gần đây. Đồng thời, tôi cũng đã theo dõi nhiều ý kiến của độc giả phản hồi về đoạn quảng cáo này. Cá nhân tôi nhận thấy rằng, đây không phải là đoạn quảng cáo đầu tiên có những hình ảnh phản cảm được phát sóng trên truyền hình, bởi trước đây đã có khá nhiều các đoạn quảng cáo mà dư luận, báo chí đã lên tiếng phản ứng.
Quảng cáo Vim - diệt mọi vi khuẩn gây bệnh đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả
Quảng cáo Vim - diệt mọi vi khuẩn gây bệnh đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả

Tuy nhiên, ở đoạn quảng cáo này, những hình ảnh đó không phải chỉ dừng lại mức độ phản cảm mà tôi thấy nó còn kinh khủng hơn rất nhiều.
Người phụ nữ trong đoạn quảng cáo không chỉ vi phạm một hiểu biết sơ đẳng nhất là phải đeo găng tay và khẩu trang khi sử dụng các loại nước tẩy rửa nhà vệ sinh mà hành động đưa tay vào quẹt bồn cầu còn cho thấy sự quá mất vệ sinh, ghê rợn. Tôi không phải là một chuyên gia để có thể đánh giá về chất lượng của sản phẩm Vim sạch đến đâu nhưng là một người tiêu dùng bình thường, tôi cũng đủ để hiểu, bồn cầu trong nhà vệ sinh là nơi dùng để làm gì và nó như thế nào. Chưa nói đến, việc người phụ nữ đó còn giơ tay lên rồi đập cả vào tay một cô bé đứng bên cạnh. Đó là những hành động không thể chấp nhận được. Qua theo dõi trên các diễn đàn và các ý kiến của nhiều độc giả khác đã phản ánh tới đây, tôi thấy đã có không ít cháu nhỏ xem những hình ảnh hết sức phản cảm này và tai hại hơn là các cháu đã học theo những hình ảnh này. Thêm vào đó, mới đây thôi, khi đi tới nhà một người bạn trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), tôi cũng đã được nghe kể lại câu chuyện thực không ai dám nghĩ tới. Cô bé chừng 3,5 tuổi, con gái của gia đình anh bạn tôi, sau khi xem xong đoạn quảng cáo Vim từ  trên truyền hình đã bắt chước ngay lập tức hành động quẹt tay vào bồn cầu sau khi đi vệ sinh xong.
Độc giả phát hiện ra những quảng cáo nào phản cảm, những sản phẩm kém chất lượng thuộc nhãn hàng của Unilever xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn,hoặc BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thật là quá kinh khủng, gia đình bạn tôi chỉ còn biết đứng sững người, nhìn nhau trước sự bắt chước không thể ngờ của cô bé.  Quảng cáo theo tôi hiểu là phải giúp đưa hình ảnh và những thông tin hữu dụng để người tiêu dùng hiểu về sản phẩm của nhà sản xuất.  Nhưng với kiểu quảng cáo như của Vim thì chẳng khác gì là kiểu tạo ra một "scandal" với hình ảnh phản cảm, mất vệ sinh để gây ấn tượng, buộc người xem phải nhớ tới sản phẩm của mình. 
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip
Đó là kiểu quảng cáo của doanh nghiệp chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, bỏ mặc những quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, một kiểu làm ăn chộp giật, không lâu bền... Và tác hại của đoạn quảng cáo Vim mất vệ sinh này gây ra với trẻ em thì đã quá rõ khi không ít cháu đã bắt chước làm theo. Tôi không phải là một chuyên gia Luật nên cũng không nắm rõ được các qui định hiện tại đối với quảng cáo hiện nay như thế nào. Nhưng qua theo dõi, Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đối chiếu vào đó, tôi thấy rằng, những tác hại của hành động phản cảm trong quảng cáo Vim đối với trẻ em đã vi phạm vào khoản 14, điều 8 qui định về Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Theo đó: "Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em" là hành vi bị cấm. Hiện nay, dù Luật Quảng cáo này chưa có hiệu lực thi hành nhưng cá nhân tôi mong muốn và đề nghị các cơ quan chức năng nhà nước quản lý về quảng cáo cần vào cuộc, xem xét thật kỹ càng những tác động tiêu cực mà đoạn quảng cáo phản cảm của Vim đã gây ra với trẻ em nói riêng và xã hội nói chung. Từ đó có những hình thức xử lý thích đáng, nghiêm minh, có tính làm gương cao... Mong muốn lớn nhất của không chỉ tôi và nhiều bậc phụ huynh là không nên để những đoạn quảng cáo có hành động phản cảm, gây tác hại với trẻ em như của Vim ở đây xuất hiện trên truyền hình, trước công chúng...* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Độc giả phát hiện ra những quảng cáo nào phản cảm, những sản phẩm kém chất lượng thuộc nhãn hàng của Unilever xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn,hoặc BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Độc giả Nguyễn Văn