Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh không nắm Luật báo chí, hay có mục đích gì?

10/08/2018 08:36
Phương Linh
(GDVN) - Những lời mà Hiệu trưởng, tổ trưởng môn Văn của Trường Nguyễn Văn Linh nói ra, chứng tỏ rằng, họ không nắm gì về Luật báo chí.

Ngày 8,21/7/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải hai bài viết “Tổ trưởng môn Văn Trường Nguyễn Văn Linh tự ý sửa điểm bài thi?” và bài “Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh trốn trả lời kiến nghị của giáo viên”

Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh không nắm Luật Báo chí?

Các bài viết này phản ánh về việc 5/7 thầy cô thuộc tổ Văn của Trường Nguyễn Văn Linh (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) có đơn kiến nghị lên Hiệu trưởng, tố tổ trưởng môn Văn của trường này tự sửa điểm bài thi phúc khảo học kỳ 1 tại trường.

Ngày 24,30/7/2018, cả bà Trần Thị Thanh – Hiệu trưởng và cô Lê Thị Thùy Trang – tổ trưởng môn Văn của Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh đã có đơn khiếu nại, yêu cầu được làm rõ thêm một số thông tin, cải chính và xin lỗi.

Dù hai lá đơn trên được viết ra bởi hai tổ chức khác nhau, nhưng nội dung lại rất giống nhau, khi đưa ra những yêu cầu làm rõ thêm một số thông tin không phù hợp với pháp luật quy định.

Theo đó, cả bà Thanh lẫn cô Trang đều yêu cầu làm rõ, ai là người cung cấp thông tin, chỉ đạo phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đi tìm hiểu, xác minh vụ việc kiến nghị của 5 thầy cô thuộc tổ Văn của nhà trường.

Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Luật Báo chí năm 1999 đã quy định rõ: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, hoặc Chánh án Tòa án nhân dân từ cấp tỉnh, hoặc tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Tương tự như vậy, Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định như vậy, nhưng áp dụng cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. 

Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh trốn trả lời kiến nghị của giáo viên

Như vậy, trong trường hợp này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không cần cho bà Thanh, cô Trang biết ai là người cung cấp thông tin cho mình.

Ngày 5/7/2018, khi đến làm việc với bà Trần Thị Thanh – Hiệu trưởng tại Trường Nguyễn Văn Linh về các kiến nghị của giáo viên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã xuất trình thẻ nhà báo được cấp theo đúng quy định.

Đầu buổi làm việc này, bà Thanh còn cẩn thận chụp hình lại thẻ nhà báo của phóng viên, lưu trong điện thoại cá nhân.

Trong suốt buổi làm việc, cũng như phóng viên, bà Thanh còn cẩn thận ghi âm lại nội dung buổi làm việc này.

Khoản 2, điều 25 của Luật Báo chí năm 2016 có nêu rõ: Nhà báo được đến cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Điều đáng lưu ý, tại buổi làm việc ngày 5/7, bà Trần Thị Thanh cũng hoàn toàn không đòi hỏi phải có công văn giới thiệu của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, như đơn khiếu nại nêu ra.

Bài “Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh trốn trả lời kiến nghị của giáo viên” được xuất bản ngày 21/7, phản ánh việc các thầy cô tổ Văn có đơn kiến nghị ký, gửi trường từ ngày 19/5, nhưng cho đến thời điểm bài báo đăng là khoảng hai tháng trôi qua, nhưng vẫn chưa được trường trả lời.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã từng đến trường (trừ buổi làm việc ngày 5/7) để gặp Hiệu trưởng, hỏi về thông tin kết quả giải quyết kiến nghị của giáo viên, nhưng khi nghe tới tên, đơn vị công tác xong được một lúc sau khi xin ý kiến lãnh đạo, quay ra thì bảo vệ báo Hiệu trưởng đi họp. 

Tổ trưởng môn Văn trường Nguyễn Văn Linh tự ý sửa điểm bài thi?

Trong một tin nhắn gửi cho phóng viên sáng ngày 16/7, bà Trần Thị Thanh cũng không nêu ra được thời gian cụ thể, khi nào sẽ trả lời kiến nghị của các giáo viên.

Còn đối với bài “Tổ trưởng môn Văn Trường Nguyễn Văn Linh tự ý sửa điểm bài thi?” cũng không có nội dung nào kết luận rằng, cô Lê Thị Thùy Trang gây ra việc này, mà tất cả thông tin đều chỉ rõ, đây là các phản ánh, kiến nghị của các thầy cô.

Hiện nhà trường đã lập tổ xác minh, tiến hành làm rõ.

Có hạ điểm bài kiểm tra của học sinh, nhưng không nêu lý do

Phải đến 2,5 tháng sau khi nhận được đơn kiến nghị của 5 thầy cô, ngày 3/8/2018, bà Trần Thị Thanh – Hiệu trưởng mới ký thông báo số 03, trả lời đơn kiến nghị của giáo viên.

Tại trang 2, nội dung thứ ba của thông báo số 03 này xác nhận, do kết quả hai lần chấm điểm bài kiểm tra học kỳ 1 của học sinh khối 11 lệch quá nhiều (lần đầu chấm 5 điểm, lần sau chấm 8 điểm), Ban Giám hiệu đã trực tiếp phân công cho tổ trưởng là cô Lê Thị Thùy Trang chấm thẩm định lại.

Trích thông báo 03, trang 2 của Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (ảnh: P.L)
Trích thông báo 03, trang 2 của Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (ảnh: P.L)

Sau một quy trình thực hiện công khai, minh bạch, kết quả chấm thẩm định bài kiểm tra đó là 6,5 điểm, được thông báo đến học sinh, và học sinh không có kiến nghị nào.

Tuy nhiên, sau khi đọc xong thông báo này, vấn đề được các thầy cô dạy Văn ở Trường Nguyễn Văn Linh thắc mắc rằng, trường hoàn toàn không đề cập đến việc, khi hạ điểm của học sinh như vậy, tổ trưởng có tổ chức đối thoại với hai giáo viên chấm trước đó hay không?

Có làm rõ được nguyên nhân tại sao bài kiểm tra của học sinh lại được nâng điểm lên, rồi hạ điểm xuống hay không?

Theo một giáo viên Văn của Trường trung học phổ thông Thủ Thiêm, quận 2, cũng như một giáo viên trung học phổ thông khác ở quận Bình Thạnh, việc chấm bài kiểm tra học kỳ (hoặc thi) của học sinh, nếu nâng hay hạ điểm xuống thì cần tổ chức làm rõ với người chấm trước.

“Huống hồ gì đây người chấm thẩm định là tổ trưởng thì lại cần gương mẫu, cần chỉ rõ cho các tổ viên biết việc chấm điểm thiếu sót ở đâu” – nữ giáo viên dạy Văn của Trường Thủ Thiêm nói.

Phương Linh