Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám dùng biên bản giả chữ ký để chạy tội

21/09/2018 10:14
Vũ Phương
(GDVN) - Thêm vào đó, chỉ một sự việc nhưng Phó Chủ tịch quận Ba Đình, ông Nguyễn Quang Trung có 2 kết luận khác nhau.

Bao che dung túng cho sai phạm

Diễn biến mới nhất vụ bớt xén, ăn chặn tiền dạy 2 buổi của giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) và những lùm xùm tiêu cực xung quanh ngôi trường giữa Thủ đô này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đáng nói, kết luận số 1300 do ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình ký ngày 31/8/2018 khiến không ít giáo viên bật khóc và gây thất vọng.

Kết luận số 1300 thiếu thuyết phục bởi nhiều nội dung giáo viên thắc mắc đoàn thanh tra quận Ba Đình không giải thích được và có giải thích cũng chỉ vong vo nhằm né tránh và có dấu hiệu bao che, dung túng cho sai phạm.

Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám dùng biên bản giả chữ ký để chạy tội ảnh 1Thầy cô giáo tuyệt vọng vì kết luận của quận Ba Đình

Theo kết luận số 1300, những thắc mắc, phản ánh của giáo viên nhiều năm liền bị bớt xén, ăn chặn tiền dạy 2 buổi/ngày là không có căn cứ. Kết luận của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cho rằng: “Cách xác định đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám là phù hợp với các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân quận tại thời điểm thực hiện”.

Như vậy, có thể thấy kết luận số 1300 đã “vênh” với kết luận số 116 trước đó cũng do Ủy ban nhân dân quận Ba Đình ban hành.

Đáng chú ý, cả hai kết luận này đều do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình – ông Nguyễn Quang Trung ký.

Cụ thể, Kết luận số 116 ký ngày 18/1 đã nêu rõ: “Ủy ban nhân dân quận phê bình hiệu trưởng, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường khi tiếp nhận kiến nghị của tập thể giáo viên đã không nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp;

Chưa tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn dẫn đến việc xác định sai đối tượng, sai đơn giá dạy tăng cường 2 buổi/ngày trong các tháng 11/2017, 12/2017”.

Sau hai lần vào cuộc và ra văn bản kết luận của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình vẫn thiếu thuyết phục gây bức xúc cho không ít giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Vũ Phương.
Sau hai lần vào cuộc và ra văn bản kết luận của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình vẫn thiếu thuyết phục gây bức xúc cho không ít giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Vũ Phương. 

Kết luận số 116 cũng yêu cầu Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám: “Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng khoản thu 2 buổi/ngày và xác định đối tượng, đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày, xuất toán các khoản đã tính sai, chi sai theo đúng quy định.

Tổ chức xác định lại đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày do đã xác định sai tại thời điểm tháng 10/2017. Điều chỉnh lại quy chế chi tiêu nội bộ (phần đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày) làm cơ sở thực hiện đúng quy định từ tháng 1/2018.

Nghiêm túc kiểm điểm cá nhân, tập thể về việc xác định sai đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày và rút ra những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức quản lý. Báo cáo kết quả thực hiện việc kiểm điểm tập thể, cá nhân về Ủy ban nhân dân quận trước ngày 31/1/2018”.

Không ít giáo viên năng khiếu chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, kết luận số 116 cũng chỉ ra được tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm 2017 nhà trường đã xác định sai đơn giá, sai đối tượng.

Đáng nói, kết luận trên cũng khiến giáo viên thất vọng và không thuyết phục, bởi thực tế không chỉ 3 tháng trên sai mà nhiều tháng, nhiều năm trước cũng sai, nhiều giáo viên vẫn chỉ nhận mức đơn giá tăng cường 2 buổi/ngày là 34.000 đồng/tiết.

Cách tính đơn giá tiết dạy tăng cường ra 34.000 đồng được giáo viên cho rằng sai mà đoàn thanh tra vẫn áp dụng và đưa vào kết luận khiến giáo viên bức xúc. Ảnh: NVCC.
Cách tính đơn giá tiết dạy tăng cường ra 34.000 đồng được giáo viên cho rằng sai mà đoàn thanh tra vẫn áp dụng và đưa vào kết luận khiến giáo viên bức xúc. Ảnh: NVCC.  

Một giáo viên thẳng thắn chỉ rõ: “Kết luận số 1300 vừa qua gần như nhà trường không sai gì hết, điều đó có nghĩa chúng tôi, nhưng giáo viên bị bớt xén, ăn chặn nhiều năm qua đã phản ánh sai? Điều này là rất bất công và vô lý, chúng tôi sẽ đi đến cùng sự việc.

Kết luận 1300 chỉ nêu được việc giáo viên thể dục Dương Thị Ngọc Hương kiêm thủ quỹ nhà trường dù không đứng lớp nhưng vẫn được hưởng phụ cấp 35% như đối với giáo viên đứng lớp.

Hơn nữa, việc một giáo viên chủ nhiệm nhà trường dù nghỉ dạy nhiều tháng, nhưng vẫn hưởng lương ngân sách và phụ cấp, nhưng đoàn thanh tra lại lờ đi. Việc không thanh tra nội dung này nhằm mục đích gì?”.

Như vậy, có thể thấy qua 2 trường hợp xảy ra như giáo viên phản ánh, trong đó một trường hợp kết luận thanh tra đã chỉ ra, nhưng một trường hợp lại bị lờ đi.

Điều này rõ ràng ngân sách nhà nước có dấu hiệu bị trục lợi, rút ruột. Số tiền trên không phải là ít đang ở đâu, việc trả lại ngân sách như thế nào cần phải làm rõ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Không ít giáo viên tiểu học Hoàng Hoa Thám bức xúc vì nhiều năm liền bị bớt xén, ăn chặn tiền dạy 2 buổi/lớp chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Ảnh: NVCC.
Không ít giáo viên tiểu học Hoàng Hoa Thám bức xúc vì nhiều năm liền bị bớt xén, ăn chặn tiền dạy 2 buổi/lớp chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Ảnh: NVCC. 

Một giáo viên khác chỉ rõ kết quả của đoàn thanh tra quận Ba Đình không đúng: “Trong Kết luận số 1300 phần phụ lục cách xác định đơn giá tăng cường giai đoạn từ tháng 12/2012 đến tháng 10/2017 tính đơn giá một tiết tăng cường chỉ gần 34.000 đồng là sai.

Cái sai này đã được giáo viên chỉ ra và hội đồng nhà trường đã tính lại là 52.000 đồng, sau đó quận tính lại là 49.100 đồng. Đáng nói, quận còn ép thêm 3 tiết tâm lý vào để tăng mẫu số lên khiến đơn giá bị thấp đi bởi vậy mới là 49.100 đồng. 

Như vậy, có thể thấy số tiền từ tháng 12/2012 đến tháng 10/2017 nhiều giáo viên đã bị thiệt khoảng 15.000 đồng/tiết tăng cường. Số tiền này trong nhiều năm và của nhiều giáo viên là không phải nhỏ, vậy số tiền này đi đâu, chảy vào túi ai.

Câu hỏi này đoàn thanh tra không trả lời được, họ chỉ vin vào con số 60% tiền 2 buổi/ngày nhà trường đã chi đủ số tiền tăng cường 2 buổi cho giáo viên. Vấn đề không nằm ở con số 60% mà là giáo viên không được hưởng hết số phần trăm đó”.

Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám dùng biên bản giả chữ ký để chạy tội ảnh 5Ai cùng với Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám bớt tiền lên lớp của thày cô?

Giáo viên này phân tích: “Công thức tính đơn giá tăng cường ra con số 34.000 đồng/tiết là do hiệu trưởng nhà trường tự áp đặt một công thức tính rất loằng ngoằng và khó hiểu.

Theo quy định, để hưởng lương ngân sách, giáo viên phải hoàn thành đủ định mức 23 tiết/tuần. Ngoài số tiết này sẽ được tính là tiết tăng cường 2 buổi/ngày.

Đáng nói, công thức loằng ngoằng này đã được tính lại và chỉ rõ là sai từ kết luận số 116 từ đầu năm 2018, nhưng không hiểu vì sao đoàn thanh tra vẫn áp dụng theo công thức này.

Trong công thức mà đoàn thanh tra tính ra 34.000 đồng/tiết tăng cường chưa trừ đi số tiết mà giáo viên năng khiếu phải đảm nhiệm để hưởng lương ngân sách. Không phải 12 tiết tăng cường mà chỉ có 1-2 tiết như hội đồng nhà trường tính lại”.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “vênh” số tiền mỗi tiết lên đến 15.000 đồng, ông Vũ Khắc Thắng – Phó Chánh thanh tra quận Ba Đình lý giải rằng, đơn giá một tiết tăng cường tăng lên là vì có 2 giáo viên hợp đồng nghỉ.

Xin thưa với ông Vũ Khắc Thắng, 2 giáo viên hợp đồng nghỉ có làm tăng được số tiền từ 34.000 đồng/tiết lên 49.100 đồng không? Trong khi đó, thu nhập của hai giáo viên mà vị Phó Chánh thanh tra này đề cập được trên 2 triệu đồng/người/tháng.

Từ kết luận 1300 của quận Ba Đình, dư luận hoàn toàn có thể đặt ghi vấn do năng lực, trình độ chuyên môn của đoàn thanh tra quận Ba Đình có vấn đề hay có sự bao che, dung túng cho sai phạm.

Giáo viên tổ năng khiếu cung cấp thông tin nhà trường có dấu hiệu tự lập danh sách rồi ký khống nhằm phủi trách nhiệm. Ảnh: NVCC.
Giáo viên tổ năng khiếu cung cấp thông tin nhà trường có dấu hiệu tự lập danh sách rồi ký khống nhằm phủi trách nhiệm. Ảnh: NVCC. 

Có dấu hiệu giả chữ ký

Một thông tin được giáo viên phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, để hợp thức hóa sai phạm trong việc cho giáo viên thể dục Dương Thị Ngọc Hương kiêm thủ quỹ nhà trường không đứng lớp nhưng được hưởng phụ cấp 35% như đối với giáo viên đứng lớp bằng việc giả chữ ký.

Cụ thể, một giáo viên phản ánh: “Sau khi có Kết luận 1300, bà Bùi Thị Kim Thúy – Hiệu trưởng nhà trường đã họp chi bộ và phủ nhận trách nhiệm liên quan đến việc cho cô Dương Thị Ngọc Hương hưởng phụ cấp đứng lớp bằng việc đưa ra văn bản có ghi ngày 14/1 năm học 2013-2014 là do tổ năng khiếu họp và đề xuất.  

Ăn chặn, bớt xén tại trường Hoàng Hoa Thám, có liêm sỉ đã không làm thế

Tại cuộc họp bà Bùi Thị Kim Thúy đưa ra biên bản họp tổ có chữ ký của hiệu trưởng là bà Thúy và một số thành viên khác như Thư ký, Tổ trưởng”.

Tổ giáo viên năng khiếu gửi cho phóng viên bằng chứng, chữ ký của Thư ký trong biên bản mà bà Bùi Thị Kim Thúy đưa ra là chữ ký giả.

Thực tế, giáo viên Đỗ Đình Thu không ký vào biên bản trên và cũng chưa làm thư ký bao giờ.

Thiết nghĩ, để kết quả được khách quan, minh bạch và đảm bảo thuyết phục để nhiều giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám yên tâm trong công tác dạy học, ổn định tâm lý rất cần cơ quan chức năng cấp cao hơn cấp quận vào cuộc.

Vũ Phương