Bạn đọc Độc giả tranh luận: Đề án cấm ô tô 5 ngày/tuần:

Không thể chống ùn tắc giao thông chỉ bằng "tư duy cấm đoán"?

30/04/2012 07:18
Độc giả Dương Xuân Thành
(GDVN) - "Nếu chỉ vì mục những đích nào đó và sự không minh bạch trong triển khai thu phí mà buộc ngành khác, người dân, cả xã hội phải hy sinh quyền lợi là điều không công bằng và người dân phản ứng, không đồng tình với đề án thu phí giao thông là lẽ đương nhiên...", độc giả Xuân Thành chia sẻ.
Ngay sau khi thông tin ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng”) gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. 
Bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên ông Tuấn đưa ra giải pháp 5x5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố. Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau của độc giả.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải bài viết của độc giả Dương Xuân Thành với nội dung phản biện để xuất của ông Mai Trọng Tuấn. Mời độc giả cùng theo dõi: Câu chuyện giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn trong những ngày qua lại tiếp tục nóng lên với giải pháp 5x5 do ông Mai Trọng Tuấn (nguyên là một cựu phi công) đưa ra.
Độc giả cho rằng không thể chống ùn tắc thành công chỉ bằng tư duy "cấm" (Ảnh minh họa/ Internet).
Độc giả cho rằng không thể chống ùn tắc thành công chỉ bằng tư duy "cấm" (Ảnh minh họa/ Internet).

Trước hết, với đề án này tôi thấy rằng, đó là sự tâm huyết của một người dân mong muốn được đóng góp một phần trí tuệ, tâm sức nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng. Tôi trân trọng những ý kiến đóng góp, xây dựng đó của ông Tuấn.
Tuy nhiên, xét trên thực tế của một người thường xuyên tham gia giao thông, chứng kiến cảnh ùn tắc hàng ngày đồng thời là một công dân, tôi hoàn toàn phản đối đề án này của ông Mai Trọng Tuấn. Và tôi dám khẳng định, đây là đề án không có tính khả thi. Bởi lẽ, ở đây, vấn đề không phải là chuyện chiếc xe mà là chuyện của chủ nhân những chiếc xe nay. Thực tế, vẫn biết rằng, những người sử dụng phương tiện ôtô thì thế nào trong nhà cũng có xe máy, nhưng công việc hàng ngày của họ lại buộc họ phải sử dụng ô tô nên họ khó có thể dùng xe máy để đi giải quyết công việc. Tôi dám khẳng định chắc chắn rằng, sẽ không có một ai muốn dùng chiếc xe hơi kềnh càng của mình chen lấn với xe máy ngoài đường cả, vừa chậm lại vừa mệt. Nhưng vì công việc hàng ngày và vì nhiều thứ lợi ích khác nên chủ của những chiếc xe ôtô phải làm như vậy. Với đề án cấm ôtô 5 ngày/tuần của ông Tuấn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của những người chủ sở hữu, điều khiển xe ôtô. Trên thực tế, một điều hơi chua xót nhưng những người điều khiển ôtô cũng chính là những người đang đóng một khoản phí không nhỏ cho nguồn thuế quốc gia thêm vào đó là tạo ra một phần của cải, vật chất cho nền kinh tế quốc dân.  Khi công việc của họ bị ảnh hưởng, thì liệu rằng, thưa ông Tuấn những thứ trên có bị ảnh hưởng chăng (?) Quan trọng hơn thế, là nếu thực hiện như vậy, thì cái nỗi lo lớn hơn mà tôi thấy được đó là sẽ làm ảnh hưởng đến cả một nền công nghiệp sản xuất ôtô còn đang chưa phát triển tương xứng ở nước ta. Bởi lẽ, khi bỏ ra một khoản tiền lớn để mua, hàng tháng sử dụng chuẩn bị phải đóng phí khá lớn vậy mà sở thích, nhu cầu không được đáp ứng thì một điều chắc chắn là sẽ chẳng còn mấy ai hào hứng để chi tiền mua xe mới. Lượng xe bán chậm hoặc không bán được, hàng tồn kho nhiều trong khi cần thu hồi vốn sẽ đẩy các công ty vào tình cảnh vay nợ, ngừng sản xuất, thậm chí phá sản. Hàng ngàn công nhân sẽ bị ảnh hưởng, thêm vào đó các điểm bán ôtô, xưởng sửa chữa cũng sẽ dần đóng cửa... Tôi cũng dám khẳng định, nhiều ngành học trong các trường đào tạo về ôtô có lẽ cũng dần vắng bóng. Hệ lụy xã hội mà đề án 5x5 của ông Tuấn gây ra là điều khó tránh khỏi...
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cũng cần nói thêm, sự phát triển giao thông công cộng đô thị không phương tiện cá nhân là văn minh mà nơi đâu cũng muốn hướng tới nhưng đó chỉ là giải pháp, còn phương tiện công cộng phát triển song hành với ôtô là mới là đích đến của nhiều thành phố văn minh trên thế giới. Vậy đây phải chăng là sự đi ngược lại văn minh (?). Tôi không biết ông Tuấn đã tính đến những điều hơi sâu xa mà tôi đã nêu ra ở phần trên này chưa. Nhưng khi xây dựng đề án thì tầm nhìn xa, tránh sự ảnh hưởng, mâu thuẫn, hệ lụy cho xã hội là điều cần phải được nhìn tới trước hết. Một vài ý kiến cũng cho rằng, sự "hy sinh" của ôtô ở đây là vì đại cục chung của công cuộc chống ùn tắc giao thông chứ không phải vì các phương tiện xe máy, xe đạp. Tôi cho rằng đây là ý kiến thiếu khách quan, công bằng. Như tôi đã phân tích ở trên, quyền lợi phải hài hòa, không thể dùng quyền mà ép người khác, để cho mình được hưởng trọn . Nếu chỉ vì mục đích của ngành giao thông mà buộc ngành khác , người dân và xã hội phải hy sinh quyền lợi là điều không thể chấp nhận được và người dân phản ứng không đồng tình là lẽ đương nhiên. Chúng ta thấy rằng, trong thời gian vừa qua, giải pháp đổi giờ đã cho thấy những bất cập, hạn chế, đề án thu phí đường bộ cũng đang còn gặp không ít những ý kiến trái chiều, chưa thực sự đồng thuận, nay lại quay sang cấm ôtô 5 ngày/ tuần, thì với những gì tôi đã chia sẻ ở trên thì chắc chắn khả năng thành công là bằng 0. Giải quyết ùn tắc là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó điều đầu tiên phải tính toán đến đó là sự công bằng, phát triển của xã hội phải được đảm bảo. Việc tư duy theo kiểu, không làm được thì ta "cấm" như đề án 5x5 này sẽ không nhận được sự đồng tình của xã hôi, người dân. Và việc giải quyết ùn tắc giao thông bằng tư duy này chắc chắn sẽ không thành công.Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.Mọi ý kiến đóng góp, hiến kế xin độc giả vui lòng gửi về: toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Dương Xuân Thành