Không thu hồi thẻ Hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã cấp

17/01/2019 09:52
Tùng Dương
(GDVN) - Tính đến 31/12/2018 cả nước có 23.766 hướng dẫn viên du lịch.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại Hà Nội về việc họ bị các Sở Du lịch tỉnh, thành phố từ chối cấp thẻ hành nghề.

Lý do là không đạt khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Phóng Viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam để làm rõ vấn đề này.

Bà Phạm Lê Thảo - Phó vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam. Ảnh: Tổng cục du lịch.
Bà Phạm Lê Thảo - Phó vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam. Ảnh: Tổng cục du lịch.

Bà Thảo cho biết, theo Luật du lịch của Việt Nam, để lấy thẻ hướng dẫn viên du lịch Quốc Tế thì người xin cấp cần có chứng chỉ tiếng Anh B2.

Theo các thông báo kết luận số 426/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011, số 896/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011, số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013, Bộ Giáo dục và đào tạo đã giới thiệu 10 đơn vị có đủ năng lực tổ chức thi, rà soát trình độ ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh.

Đó là Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Đại học Vinh.

Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Cần Thơ và Trung tâm SEAMEO RETRAC.

Vậy có thể hiểu là các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ B2 do các trường trên cấp sẽ đạt tiêu chuẩn để cấp thẻ hành nghề Hướng dẫn viên du lịch Quốc Tế.

Như vậy, sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo ra thông tư 23/2017/TT- BGDĐT ngày 29/9/2017 thì tất cả các cơ sở tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo tiêu chí cũ sẽ không còn hiệu lực.

Theo thông tư mới, cả 10 đơn vị mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố cũng không đạt chuẩn năng lực về cơ sở hạ tầng, về con người, về phân hệ quản lý ngân hàng câu hỏi để cập nhật, bổ sung cho việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ.

Kể từ khi có Thông tư 23/2017/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến nay đã hơn 1 năm thì mới chỉ có duy nhất trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế là đã đạt đủ tiêu chuẩn.

Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời Trường Đại học Huế.
Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời Trường Đại học Huế.

Như vậy, cho đến nay cả nước mới chỉ có Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế đạt tiêu chuẩn để tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đạt khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong chương 1 thông tư 23/2017/TT- BGDĐT có nêu rõ: Văn bản này không áp dụng đối với các tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Các tổ chức nước ngoài có uy tín hoạt động tại Việt Nam đã được thế giới đánh giá và công nhận về chất lượng nên có thể hiểu những chứng chỉ ngoại ngữ của những tổ chức này theo quy định tham chiếu cũng có chất lượng tương đương với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Bà Phạm Lê Thảo cũng cho biết: Trong thông tư 06 và thông tư 89 trước đây của Bộ Văn hóa thể thao du lịch có quy định trong luật du lịch: Hướng dẫn viên du lịch phải thành thạo ngoại ngữ, nhưng hiểu thế nào là thành thạo?

Tổng cục Du lịch cũng rất muốn kiểm tra để chứng minh sự thành thạo đó vì xuất phát từ ngữ chuyên môn trong du lịch nó có nhiều cái khác so với các ngành.

Nhưng nếu lại tổ chức các cuộc kiểm tra sự thành thạo ngoại ngữ như vậy sẽ tốn kém, gây phiền hà cho các Hướng dẫn viên.

Trên thực tế đã có những đơn vị, các tổ chức quốc tế họ tổ chức các cuộc thi như vậy rất tốt nên hoàn toàn chúng ta có thể áp dụng.

Vì vậy Tổng cục du lịch đề xuất với Bộ Văn hóa thể thao và du lịch áp dụng và chấp nhận một số chứng chỉ của các tổ chức có uy tín trên thế giới.

Công dân Việt Nam đã học và tốt nghiệp ở các tổ chức đào tạo đó, có chứng chỉ để làm các nghề khác ở trong cũng như ngoài nước.

Căn cứ vào đó Tổng cục du lịch cũng chấp nhận xét duyệt các cá nhân đủ tiêu chuẩn làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Bà Thảo cũng cho biết: “Còn với những Hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ B2 cũ thì vẫn cứ yên tâm hành nghề, Tổng cục du lịch sẽ không thu hồi những chứng chỉ đã cấp”.

Tính đến 31/12/2018 cả nước đang có 23.766 hướng dẫn viên du lịch trong đó có 15.047 hướng dẫn viên Quốc Tế, 8.457 hướng dẫn viên nội địa và 262 hướng dẫn viên tại điểm cố định, tất cả đều đạt và được cấp chứng chỉ hành nghề. 

Nhưng theo Thông tư số: 23/2017/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục đào tạo mới ban hành ngày 29/9/2017 do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký với nội dung – Ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Ngay chương 1 về quy định trong thông tư có nêu rất rõ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Văn bản này quy định về thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung  năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt  Nam (sau đây gọi tắt là thi đánh giá năng lực ngoại ngữ), bao gồm:

mục đích, nguyên tắc; chứng chỉ ngoại ngữ; đơn  vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; đối tượng dự thi và đăng ký  dự thi, hội đồng thi, hình thức thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý cấp phát chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Văn bản này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là trường đại học), các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ.

Các sở giáo dục và đào tạo; các đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Văn bản này không áp dụng đối với các tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Mục đích, nguyên tắc

Tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ cho người có nhu cầu theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải đảm bảo nguyên tắc đúng quy chế, trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực ngoại ngữ của người học về 4 kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

Điều 3. Chứng chỉ ngoại ngữ

Chứng chỉ ngoại ngữ được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ bậc 1 đến bậc 6.

Mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo ban hành. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Ở chương 2 của thông tư nêu rõ về nguyên tắc và quy định đối với các đơn vị nếu muốn tổ chức thi và cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Chương II

ĐƠN VỊ TỔ CHỨC THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ

Điều 4. Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (sau đây gọi tắt là đơn vị tổ chức thi) bao gồm:

Trường đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ:

Được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc sở Giáo dục đào tạo (nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) quyết định thành lập.

Các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ: được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ thông).

Điều 5. Yêu cầu để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, các đơn vị thuộc quy định tại

Điều 4 của Quy chế này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

Có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ (sau đây gọi là bộ phận chuyên trách).

Có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Trong đó:

Lãnh đạo của bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan.

Có ít nhất 01 lãnh đạo của bộ phận chuyên trách đáp ứng yêu cầu: có bằng thạc sĩ trở lên của một trong các chuyên ngành: đo lường và đánh giá trong giáo dục, ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, sư phạm ngoại ngữ;

có năng lực ngoại ngữ đạt cấp độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngoại ngữ (hoặc Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên của một trong các ngoại ngữ được giảng dạy trong chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân;

Có ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có)

Các cán bộ chấm thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT;

Có ít nhất 12 cán bộ ra đề thi đối với tiếng Anh, 04 cán bộ ra đề thi đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có)

Các cán bộ ra đề thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT;

Có ít nhất 03 cán bộ phân tích đề thi là cán bộ cơ hữu của đơn vị; các cán bộ phân tích đề thi phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành đo lường và đánh giá trong giáo dục;

đ) Có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học,  âm thanh, video phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.

Có môi trường sư phạm, an toàn cho công tác tổ chức thi.

Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu sau:

Có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi.

Phòng thi đảm bảo được cách ly âm thanh, có đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn hoặc bút dạ, bảng hoặc màn chiếu

Có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài;

Có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi;

Có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay), nhằm kiểm soát, ngăn chặn được việc thí sinh mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi;

Có nơi bảo quản đồ đạc của thí sinh;

Có phòng làm việc của Hội đồng thi, trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; phải

đảm bảo có hòm, tủ, hay két sắt, có khóa chắc chắn để bảo quản đề thi và bài thi;

Khu vực thi đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật và phòng chống cháy nổ

Có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật hợp nhất cho hệ thống, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để tổ chức thi trên máy vi tính cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi;

Có trang thông tin điện tử để phục vụ tổ chức thi;

Có khu vực làm đề thi riêng biệt, đáp ứng quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Có ngân hàng câu hỏi thi và đề thi được xây dựng từ ngân hàng câu hỏi thi đáp ứng quy định tại Điều 12 của Quy chế này và hướng dẫn của Bộ GDĐT.  Trong đó, về số lượng câu hỏi thi và đề thi đối với mỗi định dạng đề thi:

Trong năm 2017 và 2018, tại một thời điểm phải có ít nhất 30 đề thi tương đương nhau đối với môn tiếng Anh, 20 đề thi tương đương nhau đối với ngoại ngữ khác; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;

Từ năm 2019 trở đi, tại một thời điểm phải có ít nhất 50 đề thi tương đương nhau đối với môn tiếng Anh, 30 đề thi tương đương nhau đối với ngoại ngữ khác; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.

Có phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính đáp ứng các yêu cầu sau:

Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi;

Cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân;

Có phân hệ quản lý ngân hàng câu hỏi để cập nhật, bổ sung;

Có chức năng tự động chọn ngẫu nhiên, đồng đều các câu hỏi ở các phần kiến thức khác nhau để tạo ra các đề thi trắc nghiệm tương đương nhau về độ khó từ ngân hàng câu hỏi thi;

đ) Có các chức năng:chụp ảnh thí sinh và đưa vào dữ liệu thi; đồng hồ đếm ngược; xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời; tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm; tự động đăng xuất và lưu trữ bài làm, kết quả thi của thí sinh khi hết thời gian làm bài; tự động phân tích kết quả thi của thí sinh theo phương pháp cổ điển và hiện đại; sao lưu và bảo mật.

Có đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị phải cung cấp đầy đủ các thông tin và minh chứng về yêu cầu tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này

Đơn vị tổ chức thi xây dựng và công khai Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên trang thông tin điện tử của mình và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT trước khi tổ chức thi.

Chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi Đề án về Bộ GDĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Điều 6. Giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét và giao nhiệm vụ tổ  chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho các đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

Tùng Dương