Mẹ ơi, Má Hai có làm gì xấu đâu...?

16/12/2018 07:47
Phan Tuyết-Hoài Thu
(GDVN) - Bé hỏi: “Mẹ ơi! Má Hai dạy con và mấy anh chị học mà sao má Hai lại bị bắt? Má Hai đâu làm gì xấu đâu mẹ?”

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được đơn cầu cứu của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. 

Ai trả lại danh dự và công bằng cho cô giáo Hoa Anh?

Nội dung “cầu cứu” liên quan đến việc cô Nguyễn Thị Hoa Anh bị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk xử lý vi phạm quy định dạy thêm, học thêm bằng hình thức “điều động” từ trường trung tâm ra các trường có điều kiện khó khăn.

Lý do cô Hoa Anh bị xử lý chế tài bằng cách điều động kỳ cục này là vì ngày 26/6/2017, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành, Thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức kiểm tra tại nhà riêng của cô giáo Hoa Anh phát hiện cô đang ôn bài môn Toán cho 15 học sinh tiểu học (là con cháu trong gia đình và các cháu nhỏ trong xóm), việc này được Uỷ ban Nhân dân Phường Tân Thành lập biên bản xác định cô giáo Hoa Anh vi phạm về việc dạy thêm, học thêm. 

Quyết định điều chuyển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: tác giả cung cấp).
Quyết định điều chuyển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ngày 27/6, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập tờ trình số 37/TTr-UBND để đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột xử lý hành vi vi phạm dạy thêm học thêm của cô Hoa Anh nhưng vì trong thời gian này cô đang nuôi con nhỏ (dưới 36 tháng tuổi) nên Ủy ban Nhân dân Thành phố tạm thời chưa xem xét xử lý. 

Ngày 18/7/2018, cô Hoa Anh nhận được Quyết định số 5426/QĐ-UBND điều động từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk đến công tác tại trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Căn cứ điều động là điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Từ vấn đề Ủy ban Nhân dân Thành phố Ban Mê Thuột có hình thức xử lý kỷ luật viên chức lạ lùng nói trên, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên tục phản ánh nhưng đáp lại điều đó là sự im lặng hoàn toàn của chính quyền Thành phố.

Tìm hiểu sự thật của việc “dạy thêm, học thêm” mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đưa ra để làm căn cứ xử lý vi phạm của cô Hoa Anh chúng tôi đã ghi nhận được nhiều điều cần nói về  việc “kiểm tra” công tác “dạy thêm, học thêm” của Thành phố Buôn Ma Thuột.

“Tôi vẫn nợ con một câu trả lời!”

Sao lại áp dụng Luật hình sự cho việc xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục?

Đó là câu cảm thán nhói lòng của chị Nguyễn Thị Nguyên, cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh (em gái cô Hoa Anh gửi 2 bé sinh đôi) cho chị ruột là cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh nuôi dạy 2 tháng hè. 

Bằng giọng buồn buồn chị Quyên kể lại.

Hôm ấy, (26/6/2017) bé Trâm Anh (8 tuổi) chạy vào nhà quẳng vội chiếc cặp trên bàn rồi ôm chầm lấy mẹ khóc thổn thức.

Bé hỏi: “Mẹ ơi! Má Hai dạy con và mấy anh chị học mà sao má Hai lại bị bắt? Má Hai đâu làm gì xấu đâu mẹ?” 

Nghe bé nói chị đã rất bất ngờ, chờ con bình tĩnh chị hỏi ngọn ngành và bé kể:

“Má Hai đang dạy có nhiều người vào nhà hỏi tụi con học tuần mấy buổi? có nộp tiền không?”. 

Hiểu ra câu chuyện, chị gọi điện cho cô giáo cũng là chị gái của mình để hỏi chuyện thì được biết “phường Tân Thành ập vào nhà kiểm tra khi thấy học sinh đang học nên lập biên bản vi phạm”. 

Chị Nguyên cho biết con gái rất thắc mắc và cứ hỏi mẹ hoài câu hỏi ấy, đã hơn một năm trôi qua nhưng “cho đến nay tôi vẫn chưa thể trả lời con được”. 

Cũng như chị Nguyên, cô Hoa Anh cũng không thể trả lời học sinh khi các em cũng liên tục hỏi “Cô ơi! Dạy cho học sinh là tốt mà sao lại bị bắt? Sao kỳ vậy cô?”.

Tiếp tục tìm hiểu câu chuyện về việc kiểm tra công tác “dạy thêm, học thêm’’ của Ủy ban phường Tân Thành từ chính người trong cuộc- cô giáo Hoa Anh, cô cho biết:  

Họ xông vào nhà khi cô đang chỉ bài cho học sinh. Một vị lớn giọng hỏi đám trẻ đang đứng run một góc “Một tuần đi học mấy buổi? Học phí bao nhiêu?” khi các bé trả lời “cô không có lấy tiền” thì vị cán bộ ấy lên tiếng quát “thầy cô dạy không được nói dối sao mấy đứa lại nói dối giỏi thế?”.

Cậu bé tên Vương đã đối đáp lại “Tụi con không phải nói dối đâu cô, tụi con nói thật mà. Tụi con nghe cô giáo nói chuyện với mẹ”. Nghe bé Vương nói vậy họ mới im lặng và không hỏi gì nữa.

Một điều thắc mắc mà đến giờ cô giáo Hoa Anh vẫn chưa thể lý giải nổi là vì sao ngày hôm ấy cả đoàn cán bộ đi bắt dạy thêm lại chỉ vào mỗi mình nhà chị? Trong khi đó, có không ít giáo viên khác cũng đang giữ học sinh ở nhà.

Câu hỏi luôn được đặt ra nhưng chẳng có câu trả lời “vì sao Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột lại “xử phạt dạy thêm, học thêm” đối với cô giáo Hoa Anh? Trong khi cô không hề vi phạm việc dạy thêm học thêm theo quy định của ngành?

Thế nào là dạy thêm, học thêm?

Giáo viên ở Đắk Lăk kêu cứu vì bị điều động một cách chưa trong sáng

Trẻ con thắc mắc, người lớn không thể trả lời. Người lớn thắc mắc cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng từ cấp có thẩm quyền. Thế nhưng kết quả hiện tại là cô giáo Hoa Anh đã bị chế tài bằng cách sau hơn 10 năm công tác ở vùng khó khăn, nay mới được về gần nhà công tác thì lại tiếp tục bị điều chuyển quay trở lại vùng khó bởi một quyết định vô lý. 

Khiếu nại quyết định thì lại nhận được sự trả lời vô cùng bất nhẫn và trái luật từ chính quyền Thành phố Buôn Ma Thuột đến mức cô không thể gắng gượng và chỉ còn biết tìm đến công luận để mong được giúp đỡ.

Ngày 01tháng 02 năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND, Quyết định ban hànhquy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong đó Điều 2 của Quyết định nêu rõ về đối tượng áp dụng như sau:

“Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cánhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Việc phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền củahọc sinh, không coi là dạy thêm, học thêm”. 

Điều 3 của Quyết định giải thích từ ngữ về dạy thêm, học thêm là:

“Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức, bao gồm: ôn tập, mở rộng nâng cao kiến thức; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; ôn thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông.

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều này tổ chức”.

 Như vậy câu trả lời thế nào là dạy thêm, học thêm đã tương đối rõ ràng. Vậy xác định cô Hoa Anh có vi phạm công tác dạy thêm, học thêm hay không là điều không hề khó. 

Đối chiếu với các điều khoản nói trên cùng chứng cứ thu nhận được từ gia đình của 15 bé có mặt tại nhà cô Hoa Anh khi bị đoàn kiểm tra của Ủy ban Nhân dân Phường Tân Thành “phát hiện” thì không có cơ sở nào xác định cô Hoa Anh đã tổ chức dạy thêm trái phép để rồi phải chịu hình thức chế tài điều chuyển lạ lùng như vậy. 

Câu chuyện này còn rất nhiều bất cập trong công tác xử lý chế tài đối với cô giáo Hoa Anh của chính quyền Thành phố Buôn Ma Thuột và chúng tôi vẫn mong rằng Uỷ ban Nhân dân Thành Phố Buôn Ma Thuột cần phải xử lý triệt để chứ không phải cái kiểu lặng thinh để mặc nhà giáo bị quàng vào cổ cái tội danh mà mình không đáng phải nhận.

Phan Tuyết-Hoài Thu