MobiTV vẫn cắt sóng kênh thiết yếu quốc gia, lờ quy định pháp luật

04/07/2018 06:46
Lại Cường
(GDVN) - Mobitv vẫn cắt sóng thiết và từ chối trả lời liên quan đến nội dung phải phát trên sóng truyền hình theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP

Vẫn cắt sóng, không trả lời về nội dung

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, trong bài MobiTV tự ý cắt kênh thiết yếu, nói dối khách hàng, nhiều khách hàng phản ánh việc họ bị cắt kênh truyền hình thiết yếu khi vừa hết cước.

Theo đó, nhiều thuê bao truyền hình trả tiền mobiTV phản ánh việc khi họ chậm đóng cước thuê bao thì bị  mất sóng tất cả các kênh, bao gồm cả các kênh truyền hình thiết yếu buộc phải phát như ANTV, Vnews và VTC1, VTV1, Nhân Dân…

Về vấn đề này, phóng viên đã làm việc với đại diện chăm sóc khách hàng của mobiTV khẳng định truyền hình mobiTV không cắt sóng.

Tuy nhiên, thực tế các thuê bao vẫn bị cắt sóng khi hết cước.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sau đó liên tục nhận được phản ánh của độc giả kèm hình ảnh chứng minh mobiTV vẫn cắt sóng các kênh thiết yếu.

Qua thư điện tử, đại diện của công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu – Công ty AVG (công ty chủ quản của thương hiệu mobiTV) cho biết:

Công ty AVG có nghĩa vụ cung cấp các kênh tuyên truyền thiết yếu theo gói dịch vụ trả tiền cung cấp tới thuê bao/khách hàng.

Do vậy, khi khách hàng hết tiền cước mà không nạp cước, thì AVG sẽ tạm ngừng cung cấp dịch vụ (khóa mã thuê bao).

Trái ngược với khẳng định của đại diện chăm sóc khách hàng cho rằng mình không hề cắt sóng thiết yếu (Ảnh độc giả cung cấp)
Trái ngược với khẳng định của đại diện chăm sóc khách hàng cho rằng mình không hề cắt sóng thiết yếu (Ảnh độc giả cung cấp)

Căn cứ mà công ty AVG nêu ra là Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo đó, quy định nêu:  “Dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là dịch vụ do doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cung cấp cho người sử dụng dịch vụ có áp dụng biện pháp kỹ thuật để quản lý, kiểm soát và ràng buộc điều kiện thu tín hiệu”.

Và Công ty AVG thực hiện cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ truyền hình mobiTV được tổ chức thành các Gói dịch vụ truyền hình trả tiền (trong đó có các kênh tuyên truyền thiết yếu quốc gia).

Cuối cùng, Công ty AVG Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình quy định nghĩa vụ của thuê bao: “Thanh toán đầy đủ và đúng hạn giá cước dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”.

Tuy nhiên, khi Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản hồi và đặt câu hỏi với đại diện công ty AVG về quy định tại Điều 14  Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về Nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

MobiTV vẫn cắt sóng kênh thiết yếu quốc gia, lờ quy định pháp luật ảnh 2Mobitv tự ý cắt kênh thiết yếu, nói dối khách hàng

Theo đó, quy định tại điểm a, khoản 1, điều 14 trong Nghị định 06/2016/NĐ-CP nêu rõ: “Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia phải cung cấp đến tất cả các thuê bao;...”

Câu hỏi này đã không được đại diện của công ty AVG trả lời, qua điện thoại, bà Bùi Thị Thùy Nhung cho biết, “Nếu muốn làm rõ điều này các anh cần làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.”

Bộ yêu cầu giải trình, lỗi thuộc về doanh nghiệp

Ngày 2/7, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại buổi làm việc ông Yên cho biết: “Trên tinh thần Nghị định 06/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp được cấp phép truyền hình phải truyền các kênh thiết yếu quốc gia trên dịch vụ và phải được thể hiện trong hợp đồng thuê bao.

Hai điều đó đã thể hiện trách nhiệm của doanh nhiệp. Một là trong hệ thống phải có kênh và trong hợp đồng phải thể hiện rõ bằng văn bản.

...”.

Tuy nhiên, theo những gì độc giả cung cấp cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khách hàng của mobiTV cho biết, rất nhiều thuê bao không được cầm hợp đồng, khách hàng chỉ biết xem và trả tiền thuê bao hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm(có hóa đơn).

Về vấn đề này, ông Yên cho rằng đây là trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo ông Yên: “Với khách hàng sử dụng truyền hình trả tiền sẽ sử dụng đăng ký hợp đồng theo mẫu, hợp đồng này sẽ xin phép tại Sở Công thương hoặc là Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương.

Trong trường hợp này, công ty AVG phải có trách nhiệm đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan có thẩm quyền. 

Nếu công ty AVG không đăng ký hợp đồng mẫu này, công ty AVG không cho khách hàng biết hợp đồng đó như thế nào; các điều khoản bảo vệ khách hàng ra sao thì như vậy đầu tiên là doanh nghiệp có lỗi.

Sau đó cũng cần phải nói thằng là khách hàng của mình họ cũng chưa tìm hiểu kỹ. Cả hai bên cũng dễ dãi”.

Ông Yên cũng cho biết sau khi nhận được phản ánh trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu công ty AVG giải trình vấn đề báo nêu.

Trong thời gian tới, Cục sẽ cung cấp thêm thông tin cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Lại Cường