Nghệ sĩ hài Tự Long: "Hà Nội khó tìm được nét thanh lịch như xưa lắm"

12/07/2012 13:39
Hoàng Lực
(GDVN) -“Đó chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, cái gì cũng có cái ngưỡng của nó, nếu vượt qua cái ngưỡng đó tự họ sẽ đào thải mình” – Nghệ sĩ hài Tự Long chia sẻ.

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ khách hàng của một bộ phận các chủ nhà hàng ở Hà Nội phục vụ theo kiểu bún mắng, cháo chửi, thậm chí còn có những hành động rất thiếu tôn trọng với khách hàng. Mới đây là bài viết của độc giả Hoàng Tuấn “Văn hóa ứng xử của một bộ phận người ở Hà Nội thật đáng xấu hổ”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. 

Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.
Không ít người Hà Nội vẫn thờ ơ, bàng quan trước những cảnh "bún mắng, cháo chửi" và nghịch lý là các quán này vẫn đông nghịt khách. Ảnh: Internet.

Trước nhiều phản hồi của độc giả cho rằng, văn hóa bán, phục vụ khách hàng hay văn hóa ẩm thực của người Hà Nội nay đã biến đổi, không còn giữ được những nét đẹp của người Hà Nội ngày xưa nữa. Để độc giả có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ hài Tự Long xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử người Hà Nội hiện nay.

Say với sân khấu chèo, bận bịu với vở diễn nên khoảng thời gian của danh hài Tự Long không được nhiều. Gặp anh sau buổi tập vở diễn mới tại nhà hát chèo quân đội, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán nhưng anh luôn nở nụ cười duyên, mới thấy hết tấm lòng anh với sân khấu chèo.

Nói về câu chuyện phục vụ kiểu bún mắng cháo chửi, danh hài Tự Long chỉ cười, anh cho biết, không phải bây giờ mới có hiện tượng đó. Thực ra tình trạng này xảy ra từ rât lâu rồi, và cũng không phải là tất cả các chỗ ở Hà Nội đều phục vụ như thế, đây chỉ là một bộ phận nhỏ vẫn còn đang tồn tại ở Hà Nội mà thôi. Có thể là do thói quen của những người bán hàng, nhưng có khi họ lấy đó là cái làm nên "thương hiệu" kiểu như: “Bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm”.

“Từ thói quen xấu đó, khách hàng khi đến ăn thường tự nhủ thôi kệ mình đến ăn chứ đến nghe đâu…, được thể chủ hàng quán đó thấy thế cứ tưởng là hay. Họ tiếp tục chiêu bài mắng chửi khách coi đó là thương hiệu nhưng cái gì cũng có ngưỡng của nó, nếu vượt quá cái ngưỡng đó tự họ sẽ bị đào thải...”, danh hài Tự Long cho biết.

Nói đến những gánh hàng rong, những quán ăn vỉa hè, theo danh hài Tự Long thì đó là nét văn hóa riêng của Hà Nội. Không phải ở Hà Nội quán hàng rong, vỉa hè nào cũng cư xử như thế, đôi khi những quán vỉa hè, những gánh hàng rong lại đắt khách vì nó mang cái hồn quê cốt cách của Hà Nội xưa.

Danh hài Tự Long: "bún mắng cháo chửi chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, rồi sẽ bị đào thải" (ảnh nguồn Inetenet)
Danh hài Tự Long: "bún mắng cháo chửi chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, rồi sẽ bị đào thải" (ảnh nguồn Inetenet)
Công việc bận rộn, nên gu thưởng thức của danh hài Tự Long cũng không có nhiều thời gian. Những món ăn khoái khẩu của danh hài Tự Long, có thể kể đến món nem rán, sườn xào chua ngọt…Thời gian ít nên việc ăn uống của anh cũng xề xòa, tuy chưa từng vào ăn những quán bún mắng cháo chửi nhưng theo Tự Long: “vừa ăn mà bị chửi xơi xơi không ai có thể chịu được”.

Về những ý kiến cho rằng, những văn hóa không đẹp trong văn hóa ăn uống, kinh doanh là người tỉnh lẻ mang lên, danh hài Tự Long khẳng định: “Nói như vậy là không đúng, ở Hà Nội hiện nay liệu có bao nhiêu người Hà Nội gốc, không phải bất cứ người nhà quê, người ngoại tỉnh làm hỏng Hà Nội. Vì giữa Hà Nội rộng lớn có khi người Hà Nội gốc cư xử không văn hóa bằng người nơi khác đến...”.

Cách nói văn hóa Hà Nội bị ảnh hưởng bởi văn hóa người tỉnh lẻ là hoàn toàn sai. Người Tràng An thanh lịch là thế nhưng bây giờ người ở Hà Nội khó tìm được cái nét thanh lịch như xưa lắm. Đôi khi người ngoại tỉnh đến đây họ tìm hiểu nét văn hóa của người Tràng An và học theo đó, sống theo văn hóa đó còn tốt hơn người sinh ra lớn lên tại Hà Nội.

Với danh hài Tự Long, ở đâu cũng có những quán hàng ăn với cung cách phục vụ như vậy. Điều quan trọng nhất là lựa chọn của khách hàng, người tiêu dùng. Có người vì tò mò mà đến ăn thử trong quán bún mắng cháo chửi xem có thật là vừa bị ăn vừa bị mắng hay không? Rồi đến một lúc nào đó cung cách phục vụ này sẽ sớm bị chính khách hàng đào thải....

Sinh ra và lớn lên tại thôn Trung Liệt, xã Thịnh Quang (Tiên Sơn, Bắc Ninh), Tự Long đã trải qua tuổi thơ mà theo anh là “nghèo về vật chất nhưng phong phú tinh thần”. Cùng lớn lên với bảy người bạn đều sinh năm 1973 - mà sau này mỗi người một số phận - anh có quãng thời gian thơ ấu khó quên.

Vừa qua danh hài Tự Long vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vì những đóng góp miệt mài của anh cho sân khấu chèo quân đội nói riêng và sân khấu chèo Việt Nam nói chung. Hiện nay anh đang cùng diễn viên trong đoàn dàn dựng một số kịch bản hài mới, chắc chắn sắp tới khán giả cả nước sẽ lại được thưởng thức những tiết mục mới đầy hấp dẫn.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Hoàng Lực