Người Sài Gòn đến Hà Nội bị "sốc" từ chợ cho đến nhà hàng cao cấp!

12/07/2012 07:07
Độc giả Huỳnh Xuân Huy
(GDVN) - "Tôi là người Nam Bộ nhưng chỉ một lần ra Hà Nội được đón tiếp bằng những "tràng" chửi của một bà chủ ở chợ Đồng Xuân cùng cảnh "đá bàn, đá ghế" của chủ quán cà phê hạng sang đã khiến tôi chỉ còn biết "sốc" toàn tập...", độc giả Huỳnh Xuân Huy kể.
Xung quanh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng lớn, cửa hàng đối với khách hàng trong thời gian qua nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử phục vụ khách hàng, văn hóa nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Huỳnh Xuân Huy kể về câu chuyện độc giả này đã "sốc" toàn tập với những "tràng" chửi cùng thái độ, văn hóa phục vụ đuổi khách của một số chủ hàng ở chợ, nhà hàng cao cấp... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng đã có dịp được ra  Hà Nội. Và sau khi được đọc loạt bài xung quanh cung cách, thái độ, văn hóa phục vụ theo kiểu "bún mắng, cháo chửi, đốt vía..." của một số chủ hàng ở Hà Nội cũng như những phản hồi của đông đảo bạn đọc, tôi thấy thực sự như được giải tỏa nỗi lòng của mình.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Quả thực rằng, trước đây, khi chưa được ra Hà Nội nhưng qua các bài hát cũng như những gì trong văn chương, sách vở viết về Hà Nội tôi luôn đinh ninh về con người ở đây rất thân thiện, hòa nhã, lịch sự, hiếu khách. Tuy nhiên, sau những cảnh tượng mà tôi được các chủ hàng Hà Nội "mời thưởng thức" thì những cảm nhận đó đã mất đi trong tôi.
Cảnh tượng đầu tiên in đậm trong tâm trí tôi đến giờ, đó là lần đầu ra Hà Nội, ghé vào chợ Đồng Xuân. Sau khi xem qua một vài món măng khô khá vừa ý, tôi liền hỏi giá. Bà chủ chắc có lẽ thấy tôi là người miền Nam ra liền phát một mức giá thách khá cao. Tôi liền trả giá lại mà như chúng ta vẫn thường gọi đó là mặc cả. Chưa kịp nói thêm câu gì, thì bà chủ sạp hàng liền cau có mặt mày vào sau đó đưa ra hàng "tràng" những từ khó nghe rồi đến dung tục, tục tĩu, chẳng khác nào chửi bới. Tôi còn nhớ như in những câu rất khó nghe của bà ta theo kiểu: "... hàng của bà là hàng tươi, hàng tốt, chứ đâu có phải cái loại rẻ tiền mà mặc với cả. Chỉ có những đồ ngu, không biết thưởng thức cái ngon, cái tốt mới ăn thứ đồ rẻ tiền mặc cả thôi..." Không còn biết làm cách nào, tôi đành đứng ngẩn người ra trước bao nhiêu con mắt của nhiều người mua hàng khác. Chưa dừng lại, khi tôi cương quyết không mua và bỏ đi thì bà ta còn mang giấy và hộp quẹt ra đốt, khua khoắng loạn cả lên cùng những lời gì đó... Thoát khỏi chợ Đồng Xuân, sang chợ Hôm, tôi cũng thực sự "phát hoảng" thêm lần nữa với một người chủ hàng quần áo chỉ vì cái tội "dám mặc cả xuống quá thấp" "Mua được thì mua, không mua thì biến ngay, còn hàng như thế này mà mày dám đòi mặc cả thế à.... hàng này không bán cho những loại rẻ tiền...", người chủ hàng đó nói với giọng, khuôn mặt tỏ ra rất bực tức. Chợ đã vậy, nhưng khi vào một quán cà phê khá sang trọng nằm ngay gần bờ Hồ, tôi cũng vẫn chịu cảnh chẳng mấy "an lành". Gọi ly cà phê nhưng phải đến 30 phút sau mới thấy xuất hiện. Khi tôi có ý kiến thì không những nhân viên không có lời xin lỗi mà còn nhìn với ánh mắt rất khó chịu. Ngồi được chừng gần 1 tiếng thì, bất ngờ quản lý cùng nhân viên ra "đá bàn, đá ghế" rồi nói những lời rất khó nghe, cùng khuôn mặt rất cau có theo kiểu "đuổi khách"... Cũng vì được tận mắt chứng kiến những khuôn mặt, thái độ của người phục vụ nên tôi cũng không ý kiến thêm và nhanh chóng trả tiền ra về để tránh "mua cái bực vào người". Tưởng thế là hết nhưng khi đi ăn cũng ba người bạn ở một quán có tiếng trên phố Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, chúng tôi lại tiếp tục được chứng kiến cái cảnh phục vụ chẳng khác gì "phi thẳng đĩa thức ăn" vào mặt khách. Nếu như ở quán cà phê, tôi phải chờ 30 phút thì sang đây, chúng tôi cũng phải bằng ngần đấy thời gian cùng với sự "khàn cổ mỏi họng" để gọi. Bởi khẩu vị của người Nam có phần khác với người Hà Nội nên khi gọi tôi đã nói rõ yêu cầu của mình. Tuy nhiên, chờ mãi cũng chẳng thấy những thứ mình yêu cầu đâu, gọi lại thì chứng 15 phút sau, một cô nhân viên mặt cau, mày có bước tới đặt "phịch" một bát đường nhỏ cùng đĩa tương ớt xuống bàn. 
Ảnh cắt từ đoạn clip ghi lại cảnh nhân viên nhà hàng Sen Việt "dạy bảo" khách hàng.
Ảnh cắt từ đoạn clip ghi lại cảnh nhân viên nhà hàng Sen Việt "dạy bảo" khách hàng.

Do nhanh, ẩu nên các thứ này bị rớt xuống bàn, tôi có ý kiến thì cô này không những không xin lỗi mà còn "tặng" cho tôi một cái "lườm nguýt" thật dài rồi mới bước vào. Các đĩa thức ăn sau đó được các nhân viên khác mang ra cũng chẳng khác mấy cái cảnh "phi thẳng" vào mặt khách hàng. Chưa dừng lại, không biết do vô tình hay cô ý, khi qua chỗ tôi ngồi, chiếc áo của một cô nhân viên quệt phải làm rơi đôi đũa đang ăn. Không những không quay lại nhặt lên và xin lỗi khách, cô ta lại nhìn trở lại tôi với khuôn mặt cau có rồi bước nhanh đi. Sau ba lần gọi thì cũng được đũa nhưng cũng trong cảnh nhân viên đặt "bụp" nhát xuống rồi bước nhanh đi. Khi đi vệ sinh, vô tình tôi đã nghe được cuộc trò chuyện với những lời hết sức khó chịu, mỉa mai của các cô nhân viên ám chỉ bàn tôi "... đã ăn ở ngoài này rồi lại còn đòi hỏi nọ, đòi hỏi kia, rồi thì chê, đã thế thì cho chờ để mà nhớ, phục vụ những loại này chỉ có mà mệt xác..." Khoản thanh toán cũng làm cho tôi "ngấm mùi chặt chém" ở đất Hà thành này. Một đĩa phô - mai dây xé nhỏ bé xíu được tính tới 150.000 đồng, một đĩa khoai tây chiên 100.000 đồng, đĩa rau muống 100.000 đồng, bia 50.000 đồng/ cốc, mướp đắng ruốc 100.000 đồng/đĩa, cá song hấp xì dầu gần 1 triệu đồng.... Không giải thích rõ thắc mắc của chúng tôi, quản lý cùng nhân viên nhà hàng còn gần như ngay lập tức gọi bảo vệ bên ngoài vào để giải quyết với những lời theo kiểu hăm dọa, dạy bảo... chẳng khác mấy với đoạn clip ở nhà hàng Sen Việt cách đây chưa lâu. Chẳng biết kêu ai, chúng tôi đành trả tiền để tránh ăn những thứ thô tục nơi xa xứ. Đúng là "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời", những "đòn" cư xử, văn hóa này của các chủ hàng ở Hà Nội chắc chắn sẽ khó phai trong tôi. Thực sự, tôi không có ý so sánh vì đã là so sánh thì thường khập khiễng, nhưng với Sài Gòn thì nó hoàn toàn khác xa. Ở Sài Gòn, bạn có thể thoải mái chọn, thử đồ, dù không mua cũng không bao giờ bị chửi, bị đốt vía... Rồi khi vào các nhà hàng dù là sang trọng hay bình dân thì cách cư xử, thái độ của họ cũng rất nhã nhặn, lịch sự chứ không thô lỗ, thiếu văn hóa như ở những gì tôi đã gặp. "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", tôi đã học được nhiều cái khôn hơn sau những gì đã được trải nghiệm như "mạo hiểm" ở Hà Nội này. Và như đã nói ở trên, có lẽ từ sau "cú sốc" từ chợ đến tận nhà hàng sang trọng này thì, nếu không có việc gì đó thì chẳng bao giờ tôi còn dám đi du lịch Hà Nội...* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Huỳnh Xuân Huy