Người dân có còn dám kỳ vọng vào Petrolimex và EVN?

29/11/2011 09:55
Theo Đặng Khánh Duy/tuanvietnam.net
Mong rằng một ngày nào đó, khi được hỏi, mọi người dân đều tự hào rằng, họ đã không chọn sai người.

Câu chuyện xin bắt đầu từ Petrolimex. Tối 25/11, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm toán Petrolimex, một doanh nghiệp luôn kêu lỗ và yêu cầu tăng giá xăng dầu. Nhưng theo kết quả kiểm toán của Deloitte, trong ba năm liên tiếp 2008, 2009 và 2010, Petrolimex đều có lãi.

Lấy của người nghèo, chia cho ...người giàu?

Còn nhớ cũng trong 3 năm này, nhiều hơn một lần, giá xăng được tăng bởi nguyên nhân Petrolimex đang lỗ. Giá xăng tăng trong khi thu nhập của người dân không tăng. Thế nên, trước mỗi thông tin về việc tăng giá, người ta lại xếp hàng rồng rắn chỉ để mua được vài lít xăng.

Ai cũng biết mua được ít lít xăng, tiết kiệm được bao nhiêu? Nhưng thời buổi khó khăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Ấy vậy mà, té ra, cuối cùng thì Petrolimex vẫn lãi, chỉ có dân là "lỗ", lỗ về tiền bạc, lỗ về thời gian. Thế nên, mới có một loạt các bài hát "chế" về chuyện "xăng" tăng giá trên các mạng xã hội mà hình như Petrolimex cũng không thấu. Không biết bao giờ giá xăng sẽ lại tăng nhưng giá điện thì đã lại "rập rình".

Để rộng đường dư luận cho việc tăng giá điện, lãnh đạo EVN công khai việc lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn là 7,3 triệu/ tháng/ người, một mức lương mà theo họ, không thể sống được ở thành thị.

Còn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội thì khẳng định: "EVN nói 7 triệu mà không sống được thì nên xem lại". Trong khi đó, lương bình quân của người lao động năm 2009 là 2,8 triệu đồng theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh Xã hội[1].

Không biết hiện nay chênh lệch giữa mức lương của cán bộ, công nhân viên EVN và các doanh nghiệp khác là bao nhiêu, nhưng chỉ riêng năm 2009 cũng có thể thấy, người làm ngành điện thuộc dạng "giàu". Vậy nay nếu EVN vì lỗ, không cắt giảm lương nhân viên mà lại đẩy lỗ cho người dân thì cũng chẳng khác nào lấy của người "nghèo" chia cho người "giàu". Chuyện này quả là hiếm gặp.

Các tập đoàn Nhà nước được coi là trụ cột của nền kinh tế, giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy nên, các doanh nghiệp này được quyền sử dụng nhiều nguồn lực của quốc gia nhằm thực hiện vai trò của mình. Chỉ có điều, sử dụng nguồn lực của dân thì nhiều mà "dân" được nhờ thì ít.

Vẫn biết Petrolimex và EVN đều có cái khó của mình. Có lẽ doanh nghiệp nào cũng thế. Vì thế, người ta chẳng mấy dễ dàng để chọn được người làm lãnh đạo cho những tập đoàn ấy.

Vậy nên, người dân mới kỳ vọng Petrolimex và EVN sẽ làm được nhiều hơn hiện nay, để người dân cảm thấy doanh nghiệp gần "dân" hơn ngay cả khi khó khăn thay vì khi được lợi từ việc sử dụng tài nguyên quốc gia thì nói là để làm "công tác xã hội", nhưng khi bị lỗ thì lại đổ cho "dân" (?)

"Dân vận" đang bị lãng quên?

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, diễn ra với các phiên chất vấn được sự mong chờ của cả xã hội. Người đầu tiên đăng đàn là Bộ trưởng Đinh La Thăng, người được coi là có những quyết định mạnh mẽ từ đầu nhiệm kỳ, nhận được nhiều sự ủng hộ.

Nhưng có một câu của bộ trưởng khiến người viết bài này suy nghĩ. Bộ trưởng cho rằng Bộ trưởng là người trả lời đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm. Những thành viên Chính phủ trả lời sau sẽ có kinh nghiệm hơn trong trả lời. Bộ trưởng ví "chất vất" như là "một cuộc đi thi".

Tôi lại chợt nhớ đến câu nói của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Chính phủ nên coi đây là một cơ hội "được" chất vấn chứ không phải "bị" chất vấn. Đây là một diễn đàn rất thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin. Lúc này, tôi nghĩ cần chia sẻ ngay cả khó khăn của Chính phủ chứ không chỉ một chiều là đòi hỏi, vì mong muốn là vô cùng"[2].

Có lẽ ở cương vị là người bị hỏi, Bộ trưởng nào cũng có tinh thần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua "kỳ thi" thể hiện được hết "năng lực" của mình. Lại chợt nhớ đến Hồ Chí Minh người đã biết biến báo chí trở thành vũ khí chiến đấu góp phần vào công cuộc cứu nước và dựng nước của dân tộc, đến Nguyễn Văn Linh với "Những việc cần làm ngay" làm nức lòng cả dân tộc.

Ngày ấy chưa có chất vấn của đại biểu Quốc hội như bây giờ nhưng những vị lãnh đạo cao cấp đã luôn tự chất vấn mình, tự làm mình đến "gần" dân để dân hiểu và làm theo.

Lại ngẫm thời nay, người ta ít thấy những bài viết của người lãnh đạo về những chính sách của ngành, của khu vực mình quản lý. Thường xuyên nhất có lẽ chỉ là những bài trả lời phỏng vấn báo chí. Cao hơn nữa là những phiên trả lời chất vấn của Quốc hội.

Dường như việc giải thích cho dân hiểu, cho dân tin hay nói theo cách mà Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh là công tác "dân vận" đang bị lãng quên ở một khía cạnh nào đó.

Quốc hội nóng lên bởi những tranh luận về việc có nên ra đời hay không Luật Nhà văn, Luật Biểu tình. Còn người viết bài này thì mong trong danh sách các dự thảo luật trình Quốc hội sẽ có thêm "Luật gần dân" để sẽ có nhiều hơn những Bộ trưởng được cư dân mạng lập hội ủng hộ.

Người dân cũng không quá ngạc nhiên khi có một bộ trưởng "vi hành" cùng người dân trên xe buýt. Và mong rằng một ngày nào đó, khi được hỏi, mọi người dân đều tự hào rằng, họ đã không chọn sai người.

Các tập đoàn Nhà nước được coi là trụ cột của nền kinh tế, giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy nên, các doanh nghiệp này được quyền sử dụng nhiều nguồn lực của quốc gia nhằm thực hiện vai trò của mình. Chỉ có điều, sử dụng nguồn lực của dân thì nhiều mà "dân" được nhờ thì ít.


Theo Đặng Khánh Duy/tuanvietnam.net