Người đi bộ cũng phải đóng phí, nếu không xoá lỗi quy hoạch

22/04/2012 06:00
Nguyễn Xuân (Thực Hiện)
(GDVN) - “Nếu không giải quyết được tận gốc lỗi trong quy hoạch đô thị, hạ tầng và điều hành giao thông thì sẽ có lúc, đi bộ cũng tắc đường, lúc đó không lẽ thu phí của người đi bộ sao?”.
Đó là những chia sẻ của luật sư Trần Việt Hùng, Văn phòng Luật sư Trí Việt - Hà Nội khi trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam xung quanh câu chuyện về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và đề xuất thu các loại phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012.
PV: Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, ông đánh giá như thế nào về các công cụ tài chính đang sử dụng để hạn chế phương tiện ô tô cá nhân ở Việt Nam?

LS Trần Việt Hùng: Hiện nay, hai công cụ tài chính quan trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc sở hữu một việc ô tô cá nhân đó là thuế và phí. Ô tô chịu các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu (đối với ô tô nhập khẩu). Ngoài ra, ô tô còn chịu một số loại phí và lệ phí như lệ phí cấp biển số, lệ phí trước bạ, phí sử dụng đường bộ.


Tất cả các loại thuế và phí hiện đang “đánh” vào ô tô khiến cho giá thành một chiếc ô tô đến tay người tiêu dùng Việt Nam cao gấp từ 2,5 đến 3 lần so với việc sở hữu một chiếc xe cùng loại ở các nước phát triển hơn. Việc giá thành sau thuế đến với người tiêu dùng sau cùng cao như vậy là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định sở hữu xe của người dân. Thử tưởng tượng xem, nếu giá xe đến tay người tiêu dùng Việt Nam tương đương với giá xe mà người tiêu dùng Mỹ phải trả thì số lượng ô tô ở Việt Nam sẽ cao hơn hiện nay bao nhiêu lần?

Như vậy, có thể nói các loại thuế và phí  hiện nay đang áp dụng là các công cụ tài chính để hạn chế phương tiện ô tô cá nhân.

PV: Việc đề xuất áp dụng thêm “phí hạn chế phương tiện cá nhân” để tiếp tục làm giảm phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc giao thông theo ông có phù hợp theo pháp luật không?

LS Trần Việt Hùng: Tôi được biết, Bộ GTVT đang xây dựng phương án áp dụng một số loại phí mới cho ô tô và mô tô nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông, trong đó có loại phí dự kiến đặt tên là phí hạn chế phương tiện giao thông. Theo tôi, việc xây dựng phương án thu phí này là chưa đúng pháp luật.

Theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác; lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước, tổ chức được Nhà nước ủy quyền phục vụ. Theo đó, việc thu phí để “hạn chế phương tiện” thì không nằm trong nhóm dịch vụ công mà người dân phải trả phí. Do vậy, loại phí này thực chất không phải là… phí và lệ phí.

Thực ra, không cần phải nghĩ thêm loại phí nào khác, nếu muốn sử dụng biện pháp tài chính để hạn chế ô tô, xe máy thì chỉ cần tăng thuế và các loại phí hiện có thêm, làm cho giá thành xe ô tô tăng gấp 5 gấp 10 lần giá xe mà người dân các nước khác phải trả thì cũng đủ khiến người dân không thể mua được xe ô tô. Do đó, việc đề xuất loại phí mới này là không hợp lý và không có cơ sở pháp lý trong khi họ không nghĩ đến phương án có cơ sở pháp lý hơn là tăng thuế.

PV: Đứng dưới góc độ lập pháp, theo ông, việc quy định một loại phí mới để hạn chế ô tô, xe máy có phải là giải pháp khả thi không?

LS Trần Việt Hùng: Tôi cho rằng, đứng dưới góc độ lập pháp, có hai sai lầm cơ bản khi đề xuất áp dụng thêm phí để hạn chế phương tiện cá nhân.

Thứ nhất, quy phạm pháp luật vốn được xây dựng để điều chỉnh các quan hệ xã hội có tính phổ biến, không điều chỉnh quan hệ mang tính cá biệt. Hay nói cách khác, làm luật là làm chính sách để điều chỉnh các vấn đề kinh tế, xã hội của các địa phương trong cả nước.

Nhưng, nạn tắc đường thì không phải là vấn đề của cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước mà chủ yếu là vấn đề riêng của Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân thì đã được bàn nhiều, song phải khẳng định đây là vấn đề của hai trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất cả nước, không phải là vấn đề của các địa phương khác.


Nếu vì việc tắc đường của riêng hai thành phố mà bắt nhân dân cả nước phải “hạn chế đi ô tô” thì tôi cho rằng đó là cách tiếp cận sai lầm trong việc xây dựng pháp luật. 

Thứ hai, đứng dưới góc độ đánh giá tác động pháp luật, một việc mà khi xây dựng pháp luật phải tính đến, cơ quan đề xuất phương án phí cũng mắc sai lầm. Khi áp dụng loại phí này, không thể áp dụng riêng cho TP Hà Nội và TP HCM mà phải áp dụng chung cho cả nước. Hệ quả pháp lý là sự không công bằng đối với cư dân các địa phương không bị tắc đường.

Về mặt kinh tế, ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ, dịch vụ ăn theo có nguy cơ giảm phát triển và Nhà nước sẽ mất đi khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp còn nhiều hơn khoản phí “hạn chế phương tiện” thu được. 

Hơn nữa, nguyên nhân của tắc đường không phải do lỗi của việc sở hữu phương tiện cá nhân mà do lỗi trong việc điều hành giao thông cũng như lỗi hệ thống hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị. Nếu không giải quyết được tận gốc lỗi trong quy hoạch đô thị,  hạ tầng và điều hành giao thông thì sẽ có lúc, đi bộ cũng tắc đường, lúc đó không lẽ thu phí của người đi bộ sao?

Nguyễn Xuân (Thực Hiện)