Văn hóa sử dụng xe buýt:

"Người già nhường thanh niên" trên xe buýt, chuyện chỉ có ở Việt Nam

15/10/2012 07:23
Vũ Mai

(GDVN) - “Dù đó cũng chỉ là một phần nhỏ nhưng nó cho thấy các cô cậu ấy dường như không được giáo dục về việc kính trên nhường dưới... Tôi nghĩ rằng, mọi người khi đi xe buýt thì cần phải có ý thức và văn hóa.”

LTS: Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các sự việc liên quan tới văn hóa khi đi xe buýt – phương tiện giao thông vốn hay bị mang tiếng là “hung thần”, vốn được gắn với những điều tiếng mà hành khách phàn nàn với đủ chuyện.

Để có cái nhìn khách quan, góp phần xây dựng nét văn hóa đi xe buýt của hành khách, đồng thời để hình ảnh xe buýt không còn là nỗi sợ hãi của người dân, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp đi thực đị cả tháng trời trên các tuyến xe buýt hoạt động trên các tuyến phố ở Hà Nội để ghi nhận lại những điều mắt thấy tai nghe...

Ý thức của một bộ phận người dân khi đi xe buýt là rất kém.

Trong suốt thời gian đi tìm hiểu thực tế và gắn mình với các chuyến xe buýt đi cả ở nội thành và ngoại thành, phóng viên đã được chứng kiến nhiều những câu chuyện rất đặc trưng chỉ có ở trên xe buýt ở Việt Nam. Chuyện buồn có, vui có, chuyện cảm động, dở khóc dở cười cũng có...Nhưng trong số những câu chuyện mà chúng tôi ghi được thì có một thực tế: Tình trạng một bộ phận hành khách khi tham gia sử dụng xe buýt rất thiếu ý thức, vô văn hóa và những điều đó đã tạo nên một nét văn hóa không đẹp khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Xe buýt - loại phương tiện giao thông đã và đang cho thấy hiệu quả to lớn trong việc giảm tải ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh Nam Phong)
Xe buýt - loại phương tiện giao thông đã và đang cho thấy hiệu quả to lớn trong việc giảm tải ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh Nam Phong)

Qua những ngày đi các tuyến xe buýt như 02, 22, 32, 24, 27, 54, 17, 39, 06…. những tuyến xe buýt chạy trong nội đô và ngoại thành. Điểm chung mà phóng viên cảm nhận được đó là tác dụng của loại phương tiện giao thông này đã và đang đóng góp rất lớn vào việc giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm tại Hà Nội.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi bài viết về những câu chuyện gặp phải khi đi xe buýt, văn hóa sử dụng xe buýt theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hầu hết hành khách khi tham gia phương tiện này đều thể hiện nét văn minh mà loại hình này vốn có. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn rất nhiều hành khách ở mọi lứa tuổi, ở cả nam lẫn nữ, từ học sinh sinh viên (HSSV) tới những người công nhân, những cán bộ tri thức, những cô, những bác làm nghề buôn bán tự do… cũng đều cho thấy sự thiếu lịch sự, thiếu văn minh (nếu không muốn nói là thiếu văn hóa) khi tham gia sử dụng xe buýt. Điều này được ghi nhận qua các hành vi, những thái độ hết sức đáng phê phán.

Qua những ngày chúng tôi thực tế, ghi nhận được một bộ phận không nhỏ những nam thanh nữ tú, mặt mũi sáng sủa, nhưng khi lên xe buýt lại “ngồi oạch” ngay phần ghế ưu tiên dành cho người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và những bà mẹ có con nhỏ. Trên tuyến buýt số 22 từ Hà Đông đi bến xe Long Biên, phóng viên lên xe từ điểm buýt tại số 3 Trần Phú (Hà Đông) đã bắt gặp hình ảnh một nam thanh niên ngồi vắt vẻo ngay ghế thứ 2 (thuộc ghế ưu tiên), hai chân đặt lên phần ghế phía trước.

Tới rất nhiều điểm đón trả khách khác, rất nhiều hành khách là những người cao niên bước lên xe, nhưng thay cho lẽ thường là nhường ghế cho hành khách ưu tiên, nam thanh niên này cố tình làm ngơ, coi như không biết gì và để cho những người phía sau nhường ghế. Mặc dù trên chiếc xe buýt có một tấm bảng với những dòng chữ ghi rất rõ quy định đối với hành khách khi đi xe buýt. 

Nam thanh niên trên tuyến 22 với điệu ngồi rất phản cảm và cố tình vờ như không hay biết về chuyện người lớn tuổi lên xe. (Ảnh Nam Phong)
Nam thanh niên trên tuyến 22 với điệu ngồi rất phản cảm và cố tình vờ như không hay biết về chuyện người lớn tuổi lên xe. (Ảnh Nam Phong)

Người già phải nhường thanh niên?

Ngược từ Long Biên về Hà Đông, chúng tôi lại bắt gặp một cảnh tương tự. Tuy nhiên, lần này là một cô gái còn rất trẻ, khoảng ngoài 20 tuổi. Cô ngồi vắt chân chữ ngũ, nghe tai phone. Tới điểm chung chuyển xe buýt Long Biên, có một nhóm 5 cụ bà khoảng ngoài 70 tuổi lên xe. Phần vì được anh phụ xe nhắc nhở nên 4 cụ đã được những người hành khách khác nhanh chóng đứng dậy nhường ghế khi các cụ bước lên xe.

Duy chỉ một cụ bà tên Hải (ở Thành Công – Ba Đình) thì loay hoay vì không có ghế ngồi. Thấy vậy, bà Bùi Thị Hương (nhà ở Đào Tấn – Ba Đình) nói, “bà bảo mấy đứa nó dậy nhường ghế cho, sao mà phải đứng đấy cho khổ thân già.” Nhưng bà Hải nói, “thôi không sao, tôi xuống dưới này cuối xe cũng được.” Và bà Hải đã được một nam thanh niên nhường ghế. Còn cô gái nọ thì cứ mặc nhiên ngồi nghe nhạc và một hồi sau thì toe toét nói chuyện với anh bạn bên cạnh.

Tới bến xe Kim Mã, tôi đã cùng 5 cụ bà xuống xe. Khi được hỏi về sự thiếu ý thức của một số bạn trẻ cố tình làm ngơ để ngồi ghế, bà Hải chia sẻ, “dù đó cũng chỉ là một phần nhỏ nhưng nó cho thấy các cô cậu ấy dường như không được giáo dục về việc kính trên nhường dưới.”

Theo chia sẻ của các phụ xe trên các chuyến xe buýt mà chúng tôi đi thì việc một bộ phận hành khách còn thiếu ý thức, thậm chí có những người khi được nhắc nhở thì lại quay lại đôi co với nhân viên bán vé.

Trong số những câu chuyện mà chúng tôi được nghe lại, anh Phạm Văn Quỳnh – bán vé tuyến buýt 24 - người có tới hơn 6 tuổi nghề. Anh Quỳnh là một quân nhân xuất ngũ, tính tình hiền lành và rất nhẫn nhịn. Anh nhớ lại, một lần, có nam thanh niên chạc gần 30 tuổi lên xe từ đầu bến và ngồi ở ghế trên gần lái, tới khi xe vào đường Tam Trinh, có một phụ nữ bụng bầu lên xe.

Mỗi hành khách nên và cần có ý thức khi tham gia sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. (Ảnh Nam Phong)
Mỗi hành khách nên và cần có ý thức khi tham gia sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. (Ảnh Nam Phong)

Anh Quỳnh đã đề nghị người nam thanh niên kia thay vì đứng dậy nhường ghế cho “bà bầu” thì anh ta đáp lại: “tôi bỏ tiền mua vé, việc gì tôi phải nhường ghế cho ai?” Mặc dù, anh Quỳnh đã giải thích rằng quy định của nhà xe là hành khách nữ mang thai, người già, người tàn tật là những đối tượng ưu tiên. Anh Quỳnh vừa nói vừa chỉ lên tấm bảng nội quy ngay trên đầu anh ta nhưng anh ta vẫn không chịu nhường ghế.

Tất cả hành khách trên xe quá bất ngờ và tỏ thái độ không hài long với những lời nói thiếu văn hóa của nam thanh niên này thì một bạn SV ngồi ghế sau đứng dậy và nhường ghế cho bà bầu.

Anh Quỳnh chia sẻ, “suốt ngần ấy năm trời tôi làm phụ xe, bán vé xe buýt nhưng chưa từng gặp một trường hợp nào thiếu văn hóa như vậy. Xe buýt có nội quy rất rõ ràng đối với hành khách nhưng anh ta đã không thực hiện, ngay cả khi nhân viên phục vụ trên xe sắp xếp và điều hành thì anh ta cũng không nghe theo.”

Đó là chưa kể tới việc, rất nhiều hành khách thiếu ý thức, lên xe ăn kẹo cao su rồi nhả ra xe khiến người khác bị dính kẹo. Nhiều người khạc nhổ ra ngay trên xe, nhiều người thì vô tư nói chuyện như chỉ có mình họ, thậm chí còn văng những lời tục tĩu rất khó nghe ở trên xe, nhiều bạn HSSV thì dùng bút viết, vẽ nhằng nhịt ra ghế ngồi... Bà Hương chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng, mọi người khi đi xe buýt thì cần phải có ý thức và văn hóa."

Theo anh Quỳnh, để xe buýt thực sự trở nên văn minh, hành khách cần có ý thức khi tham gia phương tiện công cộng, cùng nhân viên nhà xe đấu tranh, lên tiếng phên phán những điều chưa tốt từ phía hành khách cũng như từ các nhân viên nhà xe.

Còn nữa...


Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi bài viết về những câu chuyện gặp phải khi đi xe buýt, văn hóa sử dụng xe buýt theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Vũ Mai